Cập nhật: 15/05/2017 14:47:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Lực lượng chức năng tỉnh An Giang thu giữ thuốc lá lậu.

Sau gần ba năm thực hiện Chỉ thị 30-CT/TTg ngày 30-9-2014 của Thủ tướng Chính phủ về việc tăng cường đấu tranh chống buôn lậu thuốc lá, tình hình buôn lậu thuốc lá vẫn diễn biến phức tạp với nhiều thủ đoạn liều lĩnh, công khai. Không chỉ dùng các loại phương tiện như xe máy, xuồng máy, ô-tô, các đối tượng còn chuyên chở bằng máy bay, tàu biển, tiêu biểu là vụ Hải quan Bình Định bắt giữ 21 công-ten-nơ thuốc lá, thu cho ngân sách 160 tỷ đồng hay vụ buôn lậu gần 17 nghìn điếu xì gà trị giá khoảng bảy tỷ đồng…

Theo thống kê của Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam năm 2016, buôn lậu thuốc lá khiến ngân sách thất thu gần 10 nghìn tỷ đồng. Ba tháng đầu năm nay, nạn buôn lậu thuốc lá tiếp tục gia tăng. Nguyên nhân được đổ lỗi cho cơ chế, chính sách và điều kiện khách quan. Trực tiếp tới các tỉnh biên giới Tây Nam thị sát các khu vực được coi là điểm nóng về buôn lậu thuốc lá, chúng tôi đã chứng kiến thuốc lá lậu được vận chuyển bằng xe máy theo từng tốp từ năm đến bảy xe gắn máy công khai cả ngày lẫn đêm… với mức độ liên tục có thể vận chuyển tới cả triệu bao thuốc lá mỗi ngày. Chúng được chuyển qua biên giới vào nước ta chủ yếu theo các đường mòn, lối mở... Cứ vài trăm mét lại có một chốt xe ôm cảnh giới về sự xuất hiện của các lực lượng chức năng. Khi các tổ công tác liên ngành rút thì thuốc lá lậu lại tiếp tục tuồn vào nội địa, rồi được đưa lên ô-tô vận chuyển về Long An, TP Hồ Chí Minh rồi tỏa đi các tỉnh, thành phố khác.

Phó Chỉ huy trưởng Bộ đội Biên phòng tỉnh An Giang, Đại tá Lý Kế Tùng cho biết: “Các địa phương có lực lượng chuyên trách về phòng, chống ma túy và tội phạm chứ còn chống riêng về buôn lậu thuốc lá là không có, quân số ở các đồn biên phòng để chống buôn lậu nếu như nói là chuyên trách thì chỉ có từ hai đến ba đồng chí lại là ở Đội Phòng, chống ma túy và tội phạm… Từ tháng 12-2016 đến tháng 3-2017, lực lượng chức năng tỉnh An Giang đã thu giữ 312 nghìn bao thuốc lá nhập lậu, tăng hơn 10% so với năm 2016”.

Ban chỉ đạo 389 tỉnh An Giang thừa nhận, số thuốc lá lậu bắt giữ được là phần quá nhỏ so với số thẩm lậu trót lọt. Từ năm 2016 đến nay, số vụ bắt giữ gia tăng nhưng không có vụ nào bị khởi tố. Chi cục trưởng Quản lý thị trường, Thường trực Ban chỉ đạo 389, tỉnh An Giang Phan Lợi cho biết thêm: “Bắt buôn lậu thì dễ, nhưng xử lý thuốc lá lậu thì dưới cơ sở gặp khó khăn và lúng túng bởi thiếu chế tài xử lý.…”. Theo Nghị định 124, buôn bán, vận chuyển 500 bao thuốc lá trở lên sẽ bị xử lý hình sự. Bộ luật Hình sự 2015 lại quy định, lô hàng có giá trị từ 100 triệu đồng trở lên thì mới bị xử lý hình sự và gần đây nhất là Công văn 06 ngày 26-1-2016 của TAND tối cao về việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với tội phạm này là: phải chứng minh được hành vi vận chuyển thuốc lá qua biên giới. Sự chồng chéo của các văn bản quy phạm pháp luật này khiến lực lượng chức năng lúng túng, làm giảm hiệu quả chống buôn lậu.

Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam Vũ Văn Cường cho biết: Lượng buôn lậu thuốc lá thì tăng lên nhưng việc bắt giữ, truy tố, xét xử đều giảm xuống, năm 2016 bắt giữ 6,8 triệu bao, xử lý hình sự giảm 58%, đối tượng xử lý hình sự giảm 53,5%... đây là những con số phần nào chứng minh tình hình công tác chống buôn lậu năm 2016 vẫn còn những bất cập, dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng, gây thất thoát cho ngân sách.

Hiện nay, đối tượng bán lẻ thuốc lá điếu nhập lậu là lực lượng đông đảo nhất và góp phần chủ yếu tiêu thụ thuốc lá điếu nhập lậu. Lực lượng có thể tiếp xúc trực tiếp và gần nhất đối với các đối tượng này là quản lý thị trường và công an (nhất là lực lượng công an khu vực tại địa phương). Trong khi đó, thẩm quyền xử phạt của các lực lượng này hiện nay rất thấp, cao nhất chỉ được xử phạt 500.000 đồng và không được áp dụng các biện pháp bổ sung như tịch thu tang vật. Do đó, tại các buổi làm việc với Công an tỉnh Gia Lai, Sở Công thương Đác Lắc và Quản lý thị trường tỉnh Kon Tum cuối tháng 4 vừa qua, đại diện các đơn vị này đều kiến nghị tăng thẩm quyền xử phạt của kiểm soát viên quản lý thị trường và chiến sĩ CAND lên mức phù hợp hơn.

Sở dĩ các lực lượng chức năng không xử lý hình sự được các hành vi buôn lậu vì có những văn bản quy phạm pháp luật trái chiều nhau. Thí dụ: Bộ luật Hình sự 2015 đã có những thay đổi rất bất lợi so với Bộ luật Hình sự 1999 cho công tác chống buôn lậu thuốc lá. Các hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ hàng cấm nói chung và thuốc lá điếu nhập lậu nói riêng được Bộ luật Hình sự 2015 điều chỉnh tại hai điều là Điều 190 - Tội sản xuất, buôn bán hàng cấm và Điều 191 - Tội tàng trữ, vận chuyển hàng cấm. Cả Điều 190 và Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015 đều bỏ quy định về số lượng lớn, số lượng rất lớn và số lượng đặc biệt lớn khi xác định tội danh và khung hình phạt như quy định trước đây tại Bộ luật Hình sự 1999. Thay vào đó, hai điều này chia hàng cấm thành hai nhóm: (a) Hàng phạm pháp là hóa chất, kháng sinh, thuốc thú y, thuốc bảo vệ thực vật cấm sử dụng trong trồng trọt, chăn nuôi, nuôi trồng thủy sản, làm muối, sơ chế, chế biến, bảo quản nông, lâm, thủy sản và muối (“Nhóm A”); và (b) Hàng phạm pháp khác (bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu) (“Nhóm B”). Đối với hàng cấm thuộc Nhóm A thì việc định tội không căn cứ vào giá trị hay số lượng hàng phạm pháp mà chỉ cần có hành vi (sản xuất, buôn bán, vận chuyển, hoặc tàng trữ) là có thể xử lý hình sự. Đối với hàng cấm thuộc Nhóm B (bao gồm thuốc lá điếu nhập lậu), để xử lý hình sự theo hai điều này thì giá trị hàng phạm pháp tối thiểu phải bằng 100 triệu đồng đối với khung hình phạt 1 (không tính đến trường hợp vận chuyển qua biên giới bởi trên thực tế, rất khó bắt quả tang hoặc có đủ bằng chứng chứng minh được hành vi buôn bán, vận chuyển qua biên giới), 300 triệu đồng đối với khung hình phạt 2 và 500 triệu đồng với khung hình phạt 3. Đối với thuốc lá nhập lậu, mức này là rất cao so với mức hiện hành lần lượt là lớn (1.500 bao), rất lớn (4.500 bao) và đặc biệt lớn (13.500 bao) đối với thuốc lá điếu nhập lậu.

Để tiện so sánh, nếu tính giá do các đối tượng buôn lậu bán buôn trung bình đối với hai sản phẩm Jet và Hero (là hai sản phẩm thuốc lá lậu chủ yếu, hiện chiếm tới 80-90% tổng lượng thuốc lá nhập lậu vào Việt Nam), ở mức khoảng 15.000 đồng/bao thì 1.500 bao, 4.500 bao và 13.500 bao sẽ tương đương lần lượt là 22,5 triệu, 67,5 triệu, và 202,5 triệu đồng; thấp hơn nhiều lần so với giá trị hàng cấm tối thiểu để xử lý theo khung hình phạt 1, 2, và 3 tại Điều 190 và 191 của Bộ luật Hình sự 2015 mới, lần lượt là 100 triệu, 300 triệu và 500 triệu đồng. Riêng đối với khung hình phạt 1 và 2 thì thấp hơn 4,4 lần.

 

Với những phân tích nêu trên, việc áp dụng Bộ luật Hình sự 2015 là hết sức khó khăn, trái với với tinh thần của Chỉ thị 30 và có nguy cơ làm gia tăng tình trạng buôn lậu thuốc lá hiện nay. Ngoài ra, nếu các quy định này của Bộ luật Hình sự 2015 được áp dụng thì đồng nghĩa các quy định tại Thông tư Liên tịch 36 và Nghị định 124 quy định mức vi phạm tối thiểu 500 bao thuốc lá sẽ bị xử lý hình sự và sẽ không được áp dụng.

Để bảo vệ sản xuất trong nước, bảo đảm nguồn thu, chống thất thoát do hậu quả từ buôn lậu thuốc lá, Hiệp hội Thuốc lá Việt Nam đã kiến nghị các cơ quan chức năng sớm thống nhất quan điểm, chế tài xử lý thuốc lá lậu. Cụ thể, bổ sung “Thuốc lá điếu, xì gà và các dạng thuốc lá thành phẩm khác nhập lậu” vào nhóm hàng phạm pháp quy định tại Điểm (a) Khoản 1 của Điều 190 và Điều 191 Bộ luật Hình sự 2015, theo đó hành vi buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá điếu nhập lậu có thể bị xử lý hình sự mà không phụ thuộc vào giá trị, số lượng hàng phạm pháp.

Không áp dụng giá trị hàng phạm pháp tối thiểu làm căn cứ để định tội và định khung đối với các tội danh liên quan đến hoạt động buôn bán, vận chuyển, tàng trữ thuốc lá lậu mà xử lý hình sự đối với các hành vi kể trên dựa trên cơ sở số lượng từ 500 bao trở lên, thống nhất với quy định tại Nghị định 124/2015/NĐ-CP (về xử phạt vi phạm hành chính trong hoạt động thương mại, sản xuất, buôn bán hàng giả, hàng cấm và bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng). Nếu có những sửa đổi chế tài xử lý theo hướng này và tăng trách nhiệm, quyền hạn xử lý cho các lực lượng chức năng thì công tác chống buôn lậu thuốc lá mới đạt được kết quả cao hơn, thiết thực hơn trong việc thực hiện Chỉ thị 30/CT-TTg của Thủ tướng Chính phủ về chống buôn lậu thuốc lá.

“Tình hình buôn lậu, gian lận thương mại nhất là buôn lậu thuốc lá ở phía nam, đặc biệt là biên giới Tây Nam vẫn diễn biến phức tạp. Quan điểm của ngành Hải quan là xử lý kiên quyết, có các biện pháp tăng nặng, nhằm răn đe, giáo dục đối tượng phạm pháp. Muốn thực hiện tốt Chỉ thị 30 của Thủ tướng Chính phủ về tăng cường công tác chống buôn lậu thuốc lá thì rất cần thống nhất quan điểm xử lý sửa đổi các Nghị định 185 và Nghị định 124 theo hướng coi thuốc lá nhập lậu là hàng cấm”.

NGUYỄN VĂN CẨN

Tổng Cục trưởng Hải quan

 

“Lượng buôn lậu thuốc lá thì tăng lên nhưng việc bắt giữ, truy tố, xét xử đều giảm xuống, năm 2016 bắt giữ 6,8 triệu bao, xử lý hình sự giảm 58%, đối tượng xử lý hình sự giảm 53,5%... đây là những con số chứng minh tình hình công tác chống buôn lậu năm 2016 kém hiệu quả, dẫn đến tình trạng buôn lậu thuốc lá đang có chiều hướng gia tăng, gây thất thoát cho ngân sách”.

VŨ VĂN CƯỜNG

Chủ tịch Hiệp hội thuốc lá Việt Nam

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm