Với sự hợp tác cùng các chuyên gia Nhật Bản, vừa qua, Viện Dinh dưỡng quốc gia đã nghiên cứu được một số sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng cho cộng đồng, sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng đặc hiệu trong điều trị, dự phòng các bệnh có liên quan đến dinh dưỡng.
Sáng 16-5, Viện Dinh dưỡng quốc gia tổ chức hội thảo “Bằng chứng khoa học của sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng hợp tác giữa Nhật Bản và Viện Dinh dưỡng quốc gia”. Phát biểu tại hội thảo, Thứ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cho biết, Việt Nam đang phải đối mặt với sự gia tăng nhanh chóng các bệnh không lây nhiễm. Trong khi tỷ lệ mắc các bệnh do nguyên nhân nhiễm trùng đang giảm, thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm lại gia tăng ngày càng trầm trọng.
Tại bệnh viện, tỷ lệ các bệnh truyền nhiễm giảm từ 55,5% năm 1996 xuống còn 19,8% năm 2010 thì tỷ lệ mắc bệnh không lây nhiễm tăng nhanh từ 42,6% lên 71,6%. Tử vong do bệnh không lây nhiễm chiếm 73% các trường hợp tử vong do tất cả các nguyên nhân, trong đó đứng đầu là tử vong do tim mạch (33%) và thứ hai là do ung thư (18%).
Tình trạng người thừa cân, béo phì cũng đang gia tăng nhanh chóng, đặc biệt ở các đô thị. Từ năm 2000 đến 2005, tỷ lệ người thừa cân và béo phì tăng gấp hai lần ở người trưởng thành (từ 3,5% lên 6,6%). Tỷ lệ trẻ em dưới 5 tuổi bị thừa cân, béo phì tăng gấp 9 lần sau 10 năm và năm 2013, tỷ lệ này đã ở mức 6,3%. Có nhiều nguyên nhân dẫn tới béo phì, trong đó chế độ ăn uống và sinh hoạt là quan trọng nhất.
Một số bệnh không lây nhiễm khác liên quan đến dinh dưỡng cũng đang có chiều hướng gia tăng như bệnh tăng huyết áp ở người trưởng thành gia tăng nhanh chóng, từ 11,2% năm 1992 lên 25,1% năm 2008. Tăng huyết áp đi kèm với rối loạn dinh dưỡng và chuyển hóa là yếu tố nguy cơ chính của tai biến mạch máu não. Sau 10 năm (từ 2002 đến 2012), tỷ lệ bệnh đái tháo đường tăng gấp hai lần, từ 2,7% lên 5,6% ở người trưởng thành. Có tới hơn 63% người mắc đái tháo đường trong cộng đồng không được phát hiện.
Theo con số thống kê mới nhất, trong khoảng 10 năm trở lại đây, số người mắc ung thư ở nước ta được phát hiện tăng 50%. Mỗi ngày có 350 trường hợp mắc mới ung thư được phát hiện và 190 người tử vong do ung thư. Ung thư là một trong những nguyên nhân gây tử vong chính trên phạm vi toàn cầu, trong đó khoảng 42% liên quan đến chế độ ăn.
Theo Viện trưởng Viện Dinh dưỡng quốc gia, thời gian qua, Viện đã tích cực triển khai các đề tài nghiên cứu để tìm ra các giải pháp hiệu quả nhằm nâng cao tình trạng dinh dưỡng, sức khỏe người dân, hạn chế tình trạng gia tăng các bệnh không lây nhiễm như thừa cân/béo phì; đái tháo đường; tăng huyết áp và các bệnh rối loạn chuyển hóa có liên quan đến dinh dưỡng... Viện cũng nghiên cứu và triển khai chế độ ăn bệnh lý, xây dựng thực đơn và tư vấn chế độ ăn bệnh lý tại một số bệnh viện.
Đặc biệt, vừa qua, Viện đã hợp tác với Nhật Bản nghiên cứu tạo một chu trình từ ươm trồng cây giống, đến thu hoạch và chế biến nguyên liệu thành các loại thực phẩm dinh dưỡng dùng cho các đối tượng có nguy cơ để dự phòng các bệnh liên quan đến dinh đưỡng từ cây Shell Ginger, Ashitaba, Atiso, gạo...
Các sản phẩm hỗ trợ dinh dưỡng do Viện Dinh dưỡng sản xuất áp dụng đúng chuỗi quy trình chuẩn do các chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn đạt tiêu chuẩn chất lượng quốc tế như: thực phẩm bảo vệ sức khỏe Chalone sử dụng cho người trưởng thành có nguy cơ thừa cân, béo phì, người có BMI>23; Gạo lật nẩy mầm trong kiểm soát đường máu và mỡ máu trên bệnh nhân đái tháo đường và tiền đái tháo đường; Sản phẩm và nguyên liệu có hoạt tính sinh học hỗ trợ điều trị và chăm sóc các vấn đề về khớp và chăm sóc da...
Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn