Cập nhật: 21/05/2017 16:31:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Máy chụp CT cắt lớp được các đối tượng buôn lậu sử dụng "chiêu" quá cảnh bị lực lượng hải quan phát hiện.

Theo đánh giá của Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan), tình hình buôn lậu, vận chuyển trái phép hàng hóa qua đường hàng không những tháng đầu năm 2017 diễn biến phức tạp, xuất hiện nhiều hơn các phương thức, thủ đoạn mới tinh vi.

"Nóng" từng ngày

Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài (Cục Hải quan TP Hà Nội) Trần Lương Bắc cho biết, hiện các đối tượng buôn lậu chuyển mạnh sang hoạt động qua đường hàng không bởi thời gian vận chuyển nhanh và chủ động, linh hoạt khi đối phó lực lượng chức năng. Khi bị phát hiện, họ thường bỏ hàng, không làm thủ tục nhận hàng và dễ dàng trốn thoát. Chủ hàng thường không trực tiếp vận chuyển mà thuê khách du lịch, người có hoàn cảnh khó khăn… Khi phát hiện, bắt giữ được người vận chuyển, cũng khó xác định chủ hàng vì nhiều trường hợp, người vận chuyển cũng không biết tên, địa chỉ người thuê mình.

Theo ghi nhận của chúng tôi, mặt hàng vi phạm chủ yếu mà lực lượng hải quan phát hiện tại Cảng hàng không quốc tế Nội Bài là các loại hàng cấm, hàng nhỏ gọn, có giá trị cao, dễ cất giấu như: vàng, ngoại tệ, xì gà, điện thoại, rượu...; các sản phẩm động vật hoang dã nằm trong danh mục Công ước quốc tế về buôn bán các loại động, thực vật hoang dã nguy cấp (CITES) như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê... Thủ đoạn phổ biến nhất mà cá nhân, doanh nghiệp thường lợi dụng là nhập hàng nhiều nhưng khai ít để trốn thuế; khai sai chủng loại, áp mã sai, khai sai giá để gian lận thương mại. Có trường hợp trốn thuế tới hơn 80%, thí dụ: đối với sản phẩm thịt rau xay đóng hộp, các đối tượng sẽ khai là sản phẩm thịt xay để giảm thuế, trong khi đó thành phần sản phẩm chủ yếu là rau. Việc nhập hàng đã qua sử dụng nhưng khai hàng mới để trốn tránh việc xin giấy phép nhập khẩu của cơ quan chức năng, cũng là thủ đoạn mới được phát hiện gần đây. Ðối với hàng xuất khẩu thì khai khống về trị giá và số lượng, quay vòng hiện vật để hoàn thuế VAT. Các đối tượng còn lợi dụng việc mua theo diện quà biếu để miễn thuế, lợi dụng chính sách chuyển cửa khẩu để buôn lậu. Với đường hành lý nhập khẩu, họ lợi dụng tiêu chuẩn miễn thuế nhờ người nhập cảnh thu gom theo tiêu chuẩn miễn thuế, khi ra ngoài khu vực kiểm soát của hải quan thì tập hợp lại.

Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp lợi dụng thủ tục hải quan điện tử (VNACCS/VCIS) đối với hàng hóa được hệ thống phân luồng xanh, luồng vàng để khai sai về số lượng, chủng loại, mã số hàng hóa, xuất xứ, chính sách quản lý hàng hóa nhằm buôn lậu và gian lận thương mại. Cảng hàng không quốc tế Tân Sơn Nhất là nơi có lưu lượng hành khách xuất, nhập cảnh lớn nhất cả nước, trung bình 228 chuyến bay với gần 32 nghìn lượt khách mỗi ngày. Hàng hóa xuất, nhập khẩu đa dạng, nhỏ gọn nhưng có giá trị cao với kim ngạch đạt khoảng 40 triệu USD/ngày. Năm 2016, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phát hiện, xử lý 237 vụ buôn lậu, gian lận thương mại, trị giá hàng hóa vi phạm hơn 133 tỷ đồng. Thời gian gần đây, tại Cảng "nóng" lên hoạt động buôn lậu các loại hàng cấm (theo CITES) như: sừng tê giác, ngà voi, vảy tê tê... Ngày 8-5, Chi cục phối hợp các lực lượng chức năng phát hiện, tạm giữ một nam hành khách 20 tuổi, quốc tịch Việt Nam, nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép ba khúc sừng tê giác trọng lượng gần 1,5 kg trong hành lý cá nhân. Ðây là sừng của loài tê giác hai sừng châu Phi rất quý hiếm, giá trị khoảng hai tỷ đồng. Ðối tượng cất giấu trong các hộp đồ chơi trẻ em nhằm qua mắt lực lượng chức năng. Trước đó, ngày 16-4, Chi cục phối hợp phát hiện, tạm giữ hai hành khách nhập cảnh từ châu Phi về Việt Nam, vận chuyển trái phép bảy khúc sừng tê giác nặng gần 5 kg, giá trị ước tính hơn sáu tỷ đồng, được cất giấu trong hành lý cá nhân, dụng cụ gia đình và thùng loa vi tính. Tiếp đó, Chi cục cũng đã phối hợp phát hiện, bắt giữ vụ vận chuyển trái phép 5 kg sừng tê giác và hơn 4 kg các sản phẩm chế tác từ ngà voi châu Phi và vảy tê tê... Cơ quan pháp luật đã khởi tố những vụ việc nói trên và đang điều tra làm rõ đường dây, ổ nhóm, hành vi vi phạm của các đối tượng. Mới đây, qua công tác soi chiếu hành lý, hàng hóa nhập khẩu, Cục Ðiều tra chống buôn lậu (Tổng cục Hải quan) phát hiện hai va-li không có người nhận, được vận chuyển trên chuyến bay của Hãng hàng không Kenya Airway từ TP Nai-rô-bi (Kê-ni-a) đến Hà Nội chiều 14-3. Mở hai va-li này, phát hiện bên trong chứa hơn 100 kg sừng động vật nghi là sừng tê giác.

Ðáng chú ý, mới xuất hiện thủ đoạn chia nhỏ hàng lậu, bọc trong giấy bạc và cất giấu trong bụng cá hồi đông lạnh và các hộp sữa bột nhằm qua mặt lực lượng chức năng và phương tiện kỹ thuật. Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất vừa phối hợp phát hiện đối tượng nữ 34 tuổi trên chuyến bay từ châu Phi về Tân Sơn Nhất, vận chuyển trái phép hơn 4 kg các sản phẩm vòng đeo tay, hạt tròn trang sức nghi vấn từ ngà voi châu Phi và 200 gram vảy tê tê châu Phi, trị giá ước tính 250 triệu đồng. Ðể triệt phá được vụ buôn lậu này, cơ quan hải quan đã phải sử dụng nhiều biện pháp nghiệp vụ, nhất là thu thập thông tin, nắm tình hình từ cơ sở bí mật.

Gần đây, trên tuyến hàng không còn xuất hiện nhiều đối tượng dùng "chiêu" quá cảnh đi Cam-pu-chia để buôn lậu. Thủ đoạn của chúng là phá niêm phong, đánh tráo hàng ngay trên đường vận chuyển quá cảnh, rồi đưa vào nội địa để tiêu thụ; hoặc hàng được vận chuyển qua biên giới, sau đó tìm cách quay ngược trở lại qua các tuyến đường bộ giữa Cam-pu-chia với các tỉnh Tây Ninh, An Giang, Bình Phước… để thẩm lậu vào Việt Nam tiêu thụ. Ngày 3-5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất phối hợp Cục Ðiều tra chống buôn lậu, C74 (Bộ Công an), PC46 (Công an TP Hồ Chí Minh) theo dõi phát hiện lô hàng máy chụp CT cắt lớp đã qua sử dụng, được một công ty khai báo là hàng mới 100% có xuất xứ Nhật Bản (nhằm trốn tránh việc xin giấy phép của Bộ Công thương), gồm 10 kiện, trọng lượng 5,7 tấn, trị giá hơn 3,2 tỷ đồng. Lô hàng này khi được làm thủ tục quá cảnh sang Cam-pu-chia qua cửa khẩu Xa Mát thì bị lực lượng chức năng kiểm tra, bắt giữ. Gần đây nhất, ngày 11-5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất cho biết, bằng các biện pháp nghiệp vụ đã theo dõi, phát hiện vụ vận chuyển thuốc tân dược nhập lậu một cách tinh vi, vẫn của công ty nêu trên. Theo đó, ngày 3-5, công ty đến liên hệ Chi cục để thực hiện thủ tục hải quan cho lô hàng quá cảnh đi Cam-pu-chia qua cửa khẩu quốc tế Mộc Bài (Tây Ninh) với khai báo, mặt hàng là thuốc tây mới 100%, số lượng 41 kiện (728 kg) gồm 27 loại thuốc. Ngày 4-5, Chi cục phối hợp C74 tiến hành giám sát và nhận thấy lô hàng đã được thông báo xác nhận đến đích trên hệ thống, đã hoàn thành thủ tục hải quan đối với hàng hóa quá cảnh tại Mộc Bài và sang biên giới Cam-pu-chia.Tuy nhiên, qua theo dõi, đến ngày 9-5, lực lượng chức năng liên ngành phát hiện lô hàng được vận chuyển từ biên giới ngược lại Việt Nam, về kho hàng trong nội địa. Sau đó, lô hàng được lực lượng chức năng áp tải về trụ sở cơ quan Công an.

"Cái chết trắng" tìm đường vào Việt Nam

Phó Chi cục trưởng Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất Lê Tuấn Bình cho biết, tình hình vận chuyển trái phép chất ma túy tại sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất đang diễn biến rất phức tạp. Ðối tượng vận chuyển ma túy đa dạng, gồm nhiều thành phần, độ tuổi, không chỉ người Việt Nam mà có cả người nước ngoài ra, vào lưu trú trên lãnh thổ Việt Nam. Phương thức, thủ đoạn rất tinh vi và thường xuyên thay đổi. Ma túy thường ngụy trang trong va-li hai đáy, giấu trong thùng loa, giày, dép, ba-lô, ví đựng tiền, bìa sổ tay, cặp táp, chỉ may, giấy cuộn, thực phẩm, thiết bị điện tử…Thậm chí còn che giấu bằng giấy bạc, bột ớt, cà-phê hoặc cất giấu trong hũ mắm để đối phó chó nghiệp vụ. Pha ma túy thành các chất lỏng, chất sệt rồi thấm vào các lớp lót va-li, khăn tắm…cũng là thủ đoạn thường được sử dụng.

Trong khi đó, tại sân bay quốc tế Nội Bài, thủ đoạn chủ yếu là giấu ma túy trong thùng hoa quả, đóng gói ma túy thành gói nhỏ hình dạng trái cây, bánh kẹo, để trong đầu vi-đê-ô hoặc cán mỏng, dát đều giấu trong hành lý, giấu trong an-bum ảnh, vách thùng các-tông, giấu trong đồ mỹ phẩm, gói thực phẩm như: bánh xà-phòng, kem dưỡng, sữa tắm, mắm tôm, trà sâm, nấm linh chi, kẹo dừa, bánh đậu xanh...Với những chiêu thức này, có thể dễ dàng đối phó với chó nghiệp vụ. Mới đây, cơ quan hải quan còn phát hiện thủ đoạn mới là giấu ma túy vào các bao bì may mặc và phủ đều lên các mặt, sau đó đặt vào trong một túi nhựa để che máy soi.

Lực lượng hải quan tại sân bay quốc tế Nội Bài đặc biệt lưu ý tới các chuyến bay xuất cảnh đi Tô-ky-ô, Ðài Loan, Hồng Công, Trung Quốc, Ma-lai-xi-a, Thái-lan và nhập cảnh từ Thái-lan, Lào, Cam-pu-chia, Mi-an-ma, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, Ấn Ðộ, Pa-ki-xtan, Áp-ga-ni-xtan, Qua-ta, Ca-na-đa, các nước châu Phi. Ðối với hàng hóa xuất, nhập khẩu từ các nước Ðông Âu, các nước châu Phi, Anh, Ca-na-đa, Ô-xtrây-li-a, Ðài Loan, Hồng Công, Trung Quốc và các mặt hàng chuyển cửa khẩu, tạm nhập tái xuất, gửi kho ngoại quan, nhập khẩu qua cũng được giám sát chặt chẽ. Tuyến vận chuyển có thể thay đổi theo chỉ đạo của các đối tượng cầm đầu tại nước ngoài. Tại các cảng hàng không nội địa, tội phạm cũng lợi dụng để vận chuyển ma túy, nhất là các tuyến bay đi và đến Hà Nội, TP Hồ Chí Minh, Ðà Nẵng, Phú Quốc (Kiên Giang)... Ngoài ra, tội phạm còn chuyển phát nhanh ma túy qua đường hàng không với số lượng lớn, nổi lên thời gian gần đây là vận chuyển lá khát (dùng để sản xuất ma túy đá) từ các nước châu Phi về Việt Nam. Từ ngày 27 đến 28-2, Cục Ðiều tra chống buôn lậu phối hợp Cục Hải quan TP Hà Nội và Thanh tra Chính phủ, tiến hành rà soát các lô hàng có dấu hiệu nghi vấn chứa hàng cấm, được vận chuyển từ Kê-ni-a về sân bay quốc tế Nội Bài, tại kho hàng của Công ty Cổ phần dịch vụ hàng hóa Nội Bài (NTCS). Kết quả kiểm tra phát hiện các kiện hàng hóa tổng trọng lượng hơn 180 kg, bên trong chứa lá khát.

Nhiều khó khăn trong chống buôn lậu qua đường hàng không

Vận chuyển qua đường hàng không đang được các đối tượng buôn lậu "ưa thích" bởi có thể linh hoạt điều chuyển địa điểm đến, thay đổi liên tục các hình thức chuyển hàng… Theo đánh giá của Tổng cục Hải quan, các đối tượng buôn lậu đang tìm nhiều cách xây dựng đường dây, ổ nhóm để khi có điều kiện sẽ lập tức "làm ăn" lớn. Các cơ quan chức năng đã cùng ký Quy chế phối hợp phòng, chống buôn lậu đường hàng không nhưng các cán bộ hải quan tại các cảng hàng không cho biết, việc triển khai quy chế này chưa thật sự hiệu quả. Ðáng chú ý, có những lĩnh vực, khu vực cần sự giám sát chặt chẽ của lực lượng chức năng để phòng, chống buôn lậu nhưng việc tiếp cận lại rất khó khăn do mỗi đơn vị có chức năng và nhiệm vụ riêng. Chỉ cần một, hai cán bộ trong lực lượng thông đồng với nhau là việc kiểm soát sẽ trở nên rất khó khăn…

Hiện nay, muốn kiểm tra nhân thân hành khách xuất, nhập cảnh, cơ quan hải quan phải gửi văn bản đến cơ quan chức năng để được thực hiện. Cách làm này mất nhiều thời gian, không bảo đảm hiệu quả vì đối tượng buôn lậu có thời gian tẩu tán hàng hóa và trốn thoát. Phó Chi cục trưởng Lê Tuấn Bình kiến nghị, cần triển khai cơ chế một cửa đường hàng không, kết nối và xử lý thông tin giữa Cổng thông tin một cửa quốc gia với Cảng vụ hàng không và các hãng hàng không, giúp giảm hồ sơ giấy, thúc đẩy nhanh việc trao đổi, cung cấp thông tin, rút ngắn thời gian cho hành khách xuất, nhập cảnh, hàng hóa xuất, nhập khẩu, nâng cao hiệu quả quản lý nhà nước về hải quan.

Trong công tác đấu tranh với tội phạm ma túy, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Nội Bài sẽ tăng cường các biện pháp thu thập thông tin, trinh sát nắm chắc tình hình, tuyến địa bàn, chuyến bay, đối tượng trọng điểm để chủ động trong mọi tình huống. Phối hợp thường xuyên các kho hàng hóa kiểm tra bản lược khai hàng hóa và vận đơn hàng hóa các chuyến bay trọng điểm, phối hợp kiểm tra hồ sơ và kiểm tra thực tế các lô hàng xuất, nhập khẩu, chuyển cửa khẩu, quá cảnh...Trang bị đầy đủ phương tiện hỗ trợ kỹ thuật như máy soi, máy ngửi ma túy, máy soi phát hiện ma túy trên cơ thể người. Lắp đặt hệ thống máy soi ngầm hành lý để nâng cao hiệu quả công tác quản lý rủi ro, rút ngắn thời gian thông quan hàng hóa, bảo đảm chống buôn lậu hiệu quả hơn. Ðối với Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay quốc tế Tân Sơn Nhất, công tác phối hợp với Interpol trong chống buôn lậu ma túy được đặt lên hàng đầu. Có như vậy mới triệt phá được tận gốc những vụ án buôn lậu lớn với đường dây tội phạm xuyên quốc gia.

Quý I - 2017, lực lượng kiểm soát hải quan đã chủ trì, phối hợp, phát hiện, bắt giữ, xử lý 192 vụ vi phạm. Trong đó, có năm vụ mua bán, vận chuyển trái phép hơn 106 kg sừng tê giác, hơn 20 kg ngà voi, gần 1,2 tấn vảy tê tê; hai vụ vận chuyển trái phép bốn khẩu súng hơi, 43.400 viên đạn; một vụ vận chuyển 1,61 kg cô-ca-in; các vụ buôn lậu với tổng số gần 17 nghìn điếu xì gà và 18 hộp xì gà các loại, 70 hộp thực phẩm chức năng, 10 hộp thuốc tân dược...

(Nguồn: Cục Ðiều tra chống buôn lậu - Tổng cục Hải quan)

 

Theo Bài và ảnh: VĨNH KHANG, ÐAN ANH

Nhandan.com.vn

Tệp đính kèm