Tang vật vụ án vận chuyển, buôn bán động vật hoang dã của đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn.
Từ đầu năm đến nay, các lực lượng chức năng liên tiếp triệt phá hàng chục vụ buôn bán, vận chuyển trái phép động vật hoang dã, trong đó có nhiều vụ việc nghiêm trọng, hoạt động tinh vi, mang tính tổ chức cao, thậm chí xuyên quốc gia. Ðiều đó cho thấy, cuộc chiến đối với loại tội phạm này ngày càng cam go và quyết liệt…
Nhiều vụ việc nghiêm trọng
Chỉ trong vòng hơn một tháng, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp các lực lượng chức năng liên tiếp phát hiện và bắt giữ nhiều vụ nhập lậu sản phẩm động vật hoang dã (ÐVHD) quý hiếm với tổng trị giá hơn 10 tỷ đồng. Trong đó, đáng lưu ý có những vụ việc các đối tượng phạm tội có tính tổ chức cao, buôn bán, vận chuyển xuyên quốc gia, như vụ vận chuyển trái phép 5 kg sừng tê giác đen, 1,5 kg tê giác hai sừng châu Phi và hơn 4 kg các sản phẩm chế tác từ ngà voi và vảy tê tê... Gần đây nhất, ngày 14-5, Chi cục Hải quan cửa khẩu sân bay Tân Sơn Nhất đã phối hợp công an, tạm giữ một phụ nữ 62 tuổi, quốc tịch Việt Nam nhập cảnh trên chuyến bay từ châu Phi về nước, vận chuyển trái phép gần 4 kg ngà voi đã được cắt khúc, chín chiếc đuôi voi, nhiều loại móng vuốt và nhất là còn có ba bộ da của loài báo gấm châu Phi, một loài thú quý hiếm nằm trong "sách đỏ" cần được bảo vệ, giá trị tang vật ước tính hơn hai tỷ đồng. Số tang vật này được đối tượng cất giấu rất tinh vi trong hành lý và vật dụng cá nhân nhằm qua mắt các lực lượng bảo vệ pháp luật. Các cơ quan chức năng hiện đang điều tra làm rõ đường dây, hành vi vi phạm của các đối tượng liên quan.
Mới đây, Công an tỉnh Thanh Hóa đã phối hợp lực lượng kiểm lâm, các cơ quan liên quan kiểm tra và bắt giữ đối tượng Lê Trọng Hùng, lái xe vận chuyển 31 cá thể tê tê có tổng trọng lượng 122,3 kg không có giấy tờ liên quan. Ðây là động vật rừng quý hiếm, thuộc nhóm 2B, là loài cần được ưu tiên bảo vệ. Ðối tượng khai nhận vận chuyển thuê số lượng cá thể tê tê này từ thị xã Hoàng Mai, tỉnh Nghệ An ra TP Móng Cái, tỉnh Quảng Ninh để tiêu thụ thì bị phát hiện, tạm giữ. Cơ quan chức năng đang điều tra vụ việc, hoàn tất thủ tục, bàn giao các cá thể tê tê cho trung tâm cứu hộ động vật hoang dã chăm sóc, nuôi dưỡng.
Ngày 15-5, Tòa án nhân dân TP Ðà Nẵng đã tuyên phạt 36 tháng tù đối với bị cáo Nguyễn Văn Lý (Nghệ An) về tội vi phạm các quy định về bảo vệ động vật thuộc danh mục loài nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ. Theo cáo trạng, Nguyễn Văn Lý cùng bốn đối tượng khác đã mang theo dao, đầu khò, bẫy tổ chức săn bắt các loại động vật hoang dã, trong đó săn bắt và giết hai con voọc chà vá chân nâu thuộc danh mục nguy cấp, quý hiếm ở bán đảo Sơn Trà.
Một vụ việc được đánh giá là nghiêm trọng trong hoạt động vận chuyển, buôn bán trái phép ÐVHD vừa được các cơ quan bảo vệ pháp luật xử lý nghiêm, đó là vụ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến cùng đồng bọn vận chuyển, buôn bán 36 kg sừng tê giác, hai cá thể hổ đông lạnh và một số sản phẩm từ ÐVHD. Các lực lượng bảo vệ pháp luật của TP Hà Nội và Bộ Công an đã bắt giữ kịp thời đối tượng, đấu tranh mở rộng vụ án. Chiến khai nhận đã cùng cháu họ là Nguyễn Văn Tùng tìm mua số hàng nêu trên từ Nam Phi về qua Ma-lai-xi-a, TP Hồ Chí Minh và khi đang trong quá trình vận chuyển bằng tàu hỏa ra Hà Nội để tiêu thụ thì bị bắt. Theo Cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm buôn lậu (C74), Nguyễn Mậu Chiến và đồng bọn đã chính thức bị khởi tố và tạm giam để phục vụ điều tra. Y được cho là đối tượng cầm đầu một trong các đường dây lớn buôn bán trái phép sừng tê giác, ngà voi và các sản phẩm ÐVHD khác từ châu Phi về Việt Nam…
Khẩn cấp bảo vệ động vật hoang dã
Ðánh giá về những vụ án buôn bán, vận chuyển trái phép ÐVHD trong thời gian vừa qua của các lực lượng chức năng, Phó Giám đốc Trung tâm giáo dục thiên nhiên (ENV) Bùi Thị Hà khẳng định, thời gian gần đây, nhiều vụ án được khám phá là một bước đột phá quan trọng trong nỗ lực điều tra triệt phá các mạng lưới tội phạm lớn buôn bán, vận chuyển trái phép ngà voi, sừng tê giác và các loài ÐVHD quý, hiếm khác theo tinh thần Chỉ thị số 28/CT-TTg ngày 12-9-2016 của Thủ tướng Chính phủ. Qua đó cũng cho thấy, loại tội phạm này ngày càng tinh vi, xảo quyệt, cần thiết áp dụng các biện pháp ngăn chặn hiệu quả, quyết liệt hơn nữa trong thời gian tới. Cố vấn kỹ thuật của ENV và chuyên gia tội phạm về ÐVHD tại Việt Nam Ðâu-glát Hen-đri cho biết: "Các cơ quan chức năng của Việt Nam cần tập trung nguồn lực vào việc điều tra và triệt phá hoạt động của những đối tượng cầm đầu các đường dây buôn bán ÐVHD lớn. Việc bắt giữ đối tượng Nguyễn Mậu Chiến là một thí dụ tuyệt vời và là một bước tiến cần thiết trong nỗ lực ngăn chặn tình trạng săn bắt và buôn bán ÐVHD tại Việt Nam".
Theo Cục Kiểm lâm, năm 2016 cơ quan này đã tiến hành nhiều hoạt động nhằm kiểm tra các cơ sở chế biến gỗ và gây nuôi ÐVHD tại các tỉnh Ðác Lắc, Gia Lai, TP Hồ Chí Minh, Tây Ninh, phát hiện nhiều bất cập trong quản lý và có văn bản chỉ đạo có biện pháp chấn chỉnh kịp thời; đồng thời, chủ trì, phối hợp lực lượng kiểm lâm địa phương, công an và Bộ đội Biên phòng tổ chức kiểm tra, ngăn chặn và triệt phá một số đường dây khai thác, buôn bán, cất giữ, vận chuyển lâm sản, ÐVHD trái phép quy mô lớn tại các điểm nóng trong toàn quốc, phát hiện hàng chục vụ vi phạm và thu giữ nhiều ÐVHD các loại. Tính riêng trong năm 2016, cơ quan này cũng đã tiếp nhận 58 tin báo, tố giác vi phạm pháp luật bảo vệ và phát triển rừng, căn cứ các nguồn thông tin từ cộng tác viên, đường dây nóng và kết quả trinh sát thực tế đã xác định được các "điểm nóng", các đường dây, đối tượng chuyên phá rừng, khai thác, mua bán, vận chuyển lâm sản, động vật rừng trái phép để có biện pháp đấu tranh, ngăn chặn. Còn trên toàn quốc, trong năm này, ngành kiểm lâm đã phát hiện và xử lý 256 vụ vi phạm về quản lý ÐVHD. Theo báo cáo của các chi cục kiểm lâm tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, hiện cả nước có khoảng 24 nghìn cơ sở gây nuôi ÐVHD cần quản lý và có biện pháp ngăn chặn hiệu quả những hành vi vi phạm pháp luật do những cơ sở này gây ra.
Thủ tướng Chính phủ vừa phê duyệt Kế hoạch hành động khẩn cấp bảo tồn các loài linh trưởng ở Việt Nam đến năm 2025, tầm nhìn 2030. Theo đó, sẽ tăng cường hiệu quả thực thi pháp luật; ngăn chặn hoạt động săn bắn, bẫy bắt và buôn bán trái pháp luật, đến năm 2025 giảm 70% nạn săn bắn các loài linh trưởng; xây dựng ít nhất ba trung tâm cứu hộ đạt tiêu chuẩn để thực hiện việc cứu hộ, tái thả các cá thể linh trưởng theo các quy trình. Một trong các nhiệm vụ của các cơ quan có trách nhiệm là nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật để bảo vệ các loài linh trưởng và môi trường sống của chúng. Xây dựng cơ chế phối hợp liên ngành và hỗ trợ hoạt động kiểm soát và thu giữ các loại súng săn trong các khu dân cư gần với môi trường sống của các loài linh trưởng nguy cấp, quý hiếm được ưu tiên bảo vệ.
Với quyết tâm của Chính phủ, sự nhận thức không ngừng được nâng cao của cộng đồng xã hội, Việt Nam trong những năm qua đã đạt được những kết quả quan trọng trong đấu tranh chống tội phạm buôn bán, vận chuyển trái phép ÐVHD và nuôi nhốt ÐVHD để khai thác kiếm lời tại các cơ sở gây nuôi trái phép. Tuy nhiên, để chống lại những hành vi ngày càng tinh vi, xảo quyệt của các đối tượng tội phạm này, cần nâng cao hơn nữa nhận thức và hành động của các cơ quan, tổ chức, cá nhân về bảo tồn ÐVHD thông qua các chương trình giáo dục bảo tồn. Mặt khác, cần xử lý nghiêm khắc các đối tượng phạm tội và nâng cao nhận thức các cơ quan pháp luật các cấp nhằm tăng cường xử lý các vi phạm và tội phạm về ÐVHD. Bên cạnh đó, xây dựng và thực hiện chương trình giáo dục và nâng cao nhận thức bảo tồn cho các cộng đồng địa phương; xây dựng và thực hiện chiến dịch truyền thông qua các phương tiện thông tin đại chúng về giảm dần tiêu thụ những sản phẩm có nguồn gốc và liên quan tới các loài ÐVHD nhằm bảo vệ hiệu quả các loài quý hiếm này.
Theo DŨNG MINH/nhandan.com.vn