Ngày 5-6, Cục Quản lý Khám, chữa bệnh (Bộ Y tế) có công văn đề nghị các cơ sở y tế triển khai ngay những biện pháp tăng cường công tác khám, chữa bệnh và phòng, chống dịch bệnh mùa hè.
Theo đó, tại các khoa khám bệnh tiếp tục duy trì thực hiện tốt quy trình khám bệnh; rà soát, áp dụng Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện Việt Nam, trong đó có các tiêu chí “Hướng đến người bệnh” như bố trí đủ ghế ngồi, bổ sung quạt bảo đảm thoáng, mát cho người bệnh trong thời gian chờ khám; tổ chức tiếp đón, nhanh chóng sàng lọc người bệnh để giảm thời gian chờ đợi của người bệnh... tại khoa điều trị, tùy theo điều kiện cụ thể, bệnh viện lắp đặt quạt điện hoặc điều hòa nhiệt độ ở những nơi cần thiết, bảo đảm người bệnh được nằm điều trị trong điều kiện thoáng mát; không để hoặc hạn chế thấp nhất tình trạng nằm ghép, tăng cường công tác phân luồng, cách ly, kiểm soát nhiễm khuẩn phòng lây nhiễm chéo các bệnh dịch truyền nhiễm trong bệnh viện.
Đồng thời, các bệnh viện bảo đảm bố trí đủ cơ số thuốc cấp cứu, giường bệnh, sẵn sàng các phương tiện cấp cứu để xử lý kịp thời các trường hợp cấp cứu thường gặp do thời tiết nắng nóng bất thường như các bệnh tim mạch, tai biến mạch máu não, đột quỵ do nóng hô hấp, tiêu hóa... Lên kế hoạch tiếp nhận, xử trí, điều trị các bệnh mùa hè như sốt xuất huyết, tay chân miệng, viêm màng não do não mô cầu và các bệnh truyền nhiễm nguy hiểm thường gặp và mới nổi…
* Do ảnh hưởng của thời tiết nắng nóng kỷ lục trong gần một tuần qua đã khiến số người già, trẻ em phải nhập viện điều trị các bệnh liên quan đến nắng nóng chủ yếu là: tăng huyết áp, tim mạch đột quỵ, viêm phổi và sốc nhiệt (ở người lớn); hô hấp, sốt, viêm phế quản - phổi, rối loạn tiêu hóa và tiêu chảy do vi-rút (ở trẻ em).
Các bác sĩ khuyến cáo: người già và trẻ nhỏ hạn chế đi ra ngoài khi trời nắng. Nếu phải ra ngoài cần che chắn bằng mũ, kính, khẩu trang, áo chống nắng, hạn chế da tiếp xúc với nắng nóng, nhất là vùng gáy và không nên ở quá lâu dưới trời nắng. Khi sử dụng máy điều hòa không khí, không nên để nhiệt độ trong phòng chênh lệch quá 80C với nhiệt độ bên ngoài... Người già và trẻ nhỏ khi mất nước thì kèm theo mất muối, nhưng với người già mất nước thì cảm giác khát lại rất ít, chỉ khi tình trạng nặng, nguy kịch, những người chung quanh mới biết. Do vậy, cần chủ động bù nước cho người già, tốt nhất là bù điện giải bằng nước ô-rê-dôn, nước hoa quả…
Trong các ngày nắng nóng gay gắt, số cuộc gọi yêu cầu cấp cứu đến Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội tăng hơn 30% so với mức bình thường. Nếu các ngày bình thường, có ba đến năm người chết trước khi xe cấp cứu đến nhưng riêng ngày 4-6 có tới 11 người. Số người chết này chưa khẳng định trực tiếp do nắng nhưng đây là những con số phản ánh sự bất thường so với những ngày thời tiết bình thường. Trung tâm Cấp cứu 115 Hà Nội đã tăng cường thiết bị, thuốc, dịch truyền cũng như kíp trực phục vụ kịp thời yêu cầu của người dân.
Khoảng 10 giờ sáng ngày 5-6, một phụ nữ ngoài 60 tuổi điều khiển xe máy lưu thông trên phố Xã Đàn (quận Đống Đa, Hà Nội) đến gần ngã tư Xã Đàn - Nam Đồng, thì tạt xe vào lề đường, ngồi bệt trên vỉa hè và gục xuống bất tỉnh. Nhận được tin báo của nhân dân, lực lượng cấp cứu đã có mặt, nhưng nạn nhân đã ngừng thở. Nạn nhân là người ở quận Đống Đa. Lực lượng chức năng cùng người nhà đã đưa thi thể vào nhà tang lễ Bệnh viện Bạch Mai để khám nghiệm, bước đầu nghi do bị cảm nắng.
Trước đó, khoảng 15 giờ ngày 3-6, tại thôn Lễ Pháp, thị trấn Đông Anh, huyện Đông Anh, người dân cũng phát hiện một người đàn ông ngồi gục bên gốc cây ven đường. Sau nhiều giờ đồng hồ không thấy người đàn ông di chuyển và có dấu hiệu bất động, người dân phát hiện người này đã chết.
Theo nhandan.com.vn