Cập nhật: 08/06/2017 15:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Mùa thi đến gần trong tiết trời nóng nực, áp lực thi cử đè nặng lên đôi vai các sĩ tử. Làm thế nào để không bị stress, áp lực, trầm cảm, thậm chí là tự tử vì thi trượt là điều mà các bậc phụ huynh hết sức lưu tâm tới tâm lý con cái mình trong giai đoạn nhạy cảm và căng thẳng này.

Rối loạn cảm xúc và loạn thần vì học tập, thi cử

TS, BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai) cho biết, gần đây, tình trạng trẻ bị rối loạn tâm thần do áp lực học hành, thi cử dẫn tới thu mình, cáu giận, bỏ ăn, suy sụp cơ thể nhập viện điều trị khá nhiều. Trong đó, có khá nhiều bạn đang ở độ tuổi dậy thì và ở giai đoạn thi cử quan trọng trong cuộc đời học hành của mình.

Em Trương Quang Đ. (16 tuổi, Trần Phú, Bắc Giang) đang được điều trị tại Viện Sức khỏe tâm thần do rối loạn cảm xúc do bị áp lực học tập, kết quả giảm sút, khóc lóc, cáu giận vô cớ thậm chí phản kháng khi bị gia đình thúc ép học hành. Khi bác sĩ đến gặp em Đ., em thu mình và không muốn giao tiếp.

TS Nguyễn Văn Dũng cho biết, ở trẻ em (dưới 22 tuổi) sự phát triển về cơ thể cũng như tinh thần chưa hoàn thiện đầy đủ. Các em rất dễ bị tác động về mặt tinh thần, nên cảm xúc và hành vi cũng thay đổi bởi các tác nhân gây nên các stress này. Em Đ. là con một trong gia đình trí thức, nên từ nhỏ đã được bố mẹ đặt rất nhiều kỳ vọng, và luôn cho rằng đó là động lực cho con mình cố gắng. Bố mẹ thường mong mỏi con mình phải học thật giỏi, đứng thứ hạng cao trong lớp, nhưng bố mẹ đâu biết rằng những mong mỏi quá cao đó đồng nghĩa với việc đã tạo cho các em một áp lực lớn.

Ở một trường hợp khác, một em là con thứ ba của gia đình được coi là niềm tự hào của cả dòng họ vì hai anh trai của em bị nhiễm chất độc do bố mẹ đi thanh niên xung phong. Mọi áp lực học hành bị dồn lên vai cậu út. Sự kỳ vọng quá lớn của bố mẹ khiến cậu bé này sau đó bị áp lực, không tiếp thu được, sợ hãi nghĩ tới chuyện học, không dám đi học. Sau đó em rơi vào trạng thái rối loạn tâm thần vì nghĩ đến học là khóc, thu mình lại hoặc chống đối.

TS, BS CKII Nguyễn Văn Dũng, Phó Viện trưởng Viện Sức khỏe tâm thần thăm hỏi và động viên gia đình các em.

TS Dũng dẫn chứng, có nhiều trường hợp các em phải nhập viện do suy kiệt vì chế độ chăm sóc của các bố mẹ. "Có những trường hợp khi cháu bị suy nhược cơ thể vì học hành nhưng các bậc phụ huynh lại chăm bồi bổ bằng thuốc bổ chứ không bằng bổ sung dinh dưỡng cho con. Bình thường khi cơ thể mệt, các con cần nghỉ ngơi tĩnh dưỡng và ăn uống điều độ. Nhưng nhiều bố mẹ bắt con uống thuốc bổ, ăn nhiều khiến cơ thể buộc phải hoạt động mệt mỏi hơn. Có nhiều người đến viện trong trạng thái sợ ăn, cơ thể rất gầy. Tại Viện chúng tôi, có ca 27 tuổi nhưng chỉ nặng khoảng 19 cân, hay có bệnh nhân ngoài 60 tuổi nhưng chỉ hơn 20 cân” – Bác sĩ Dũng cho biết.

Ngoài áp lực từ phía gia đình, có rất nhiều bệnh nhân nhỏ tuổi phải nhập viện điều trị vì do chính bản thân các em tự tạo áp lực cho mình, bỏ chăm sóc cơ thể bản thân, chạy đua thành tích, sợ thua thiệt bạn bè nên gây ra rối loạn tâm thần.

Bác sĩ Dũng dẫn chúng tôi xuống gặp em Lê Ngọc Q. (20 tuổi, Thanh Hóa) đang được điều trị tại Viện. Em Q. cho biết sau khi học xong phổ thông, em có nguyện vọng tu luyện nước ngoài. Do mong muốn của em quá mãnh liệt mà bản thân không đáp ứng được nên em đã bị rối loạn lo âu: Sợ hãi việc học, lúc nào cũng lo lắng, bồn chồn, rối loạn giấc ngủ, khó duy trì giấc ngủ, ngủ không ngon giấc, cảm giác mệt mỏi “kiệt sức”, khó tập trung, đầu óc như trống rỗng, tính tình thay đổi, căng cơ, đi học thì xin cô về…

Bác sĩ Dũng cũng cho biết, hiện nay kiến thức tâm thần chưa phù hợp với các gia đình và cộng đồng. Không ít người cho rằng, khi mệt quá mức là bị dính ma tà quỷ quái, cho uống thuốc nam. Nhiều bậc phụ huynh thấy các em xa lánh mọi người thì đi cúng bái… mà không đến ngay với các chuyên gia về tâm lý, tâm thần để có những kiến thức phù hợp. Nhiều bố mẹ tự ti, không nghĩ con mình bị rối loạn tâm thần, cảm xúc nên không chấp nhận việc điều trị.

Một trường hợp đau lòng vừa qua khiến những người thầy thuốc tại Viện vẫn còn nhớ mãi là một cháu bé tại khu Giảng Võ bị bỏng vì cách "tự chữa" của gia đình. Khi thấy cháu sợ hãi khi đến lớp, hay cầm sách đưa tay lên trời thì gia đình đưa đi cúng bái. Khi cúng bái, gia đình dùng dây roi dâu để đánh, dùng lửa đốt bùa nhưng không may lửa bùng phát làm cháu bị bỏng. “Đau xót nhất là một cháu bé sống giữa thủ đô mà gia đình lại thiếu hiểu biết tin vào tà ma, phép thuật làm cháu lúc đầuchỉ bị rối loạn tâm thần mà lại bị bỏng nặng” – bác sĩ Dũng xót xa.

Thận trọng với những rối loạn cảm xúc

Một nghiên cứu xã hội học cho thấy, có đến 15% số học trò có các biểu hiện rối loạn về cảm xúc cần được tư vấn và điều trị. Mới đây, một nghiên cứu của các nhà tâm thần trên năm trường học lớn tại Hà Nội, tỷ lệ trẻ có nguy cơ rối loạn cảm xúc là 5%, trong đó 2% số học sinh cần điều trị tại các cơ sở y tế. Đó là những con số đáng báo động về tình trạng rối loạn cảm xúc và loạn thần do áp lực thi cử tuổi thanh thiếu niên.

Theo bác sĩ Dũng, có bốn nguyên nhân cơ bản gây ra rối loạn tâm thần: nội sinh do bệnh cơ thể tự gây rối loạn các dẫn truyền gây ra triệu chứng; đột biến gen của đột biến nhiễm sắc thể; nguyên nhân sau tổn thương thực thể (ví dụ như tim mạch, ung thư hay bệnh suy thận có biểu hiện rối loạn tâm thần); tâm lý tác động của môi trường.

Triệu chứng của bệnh là rối loạn sự chú ý, thờ ơ, lãnh đạm, ngại giao tiếp, thu mình, không muốn tiếp xúc, khóc lóc, chán chường hay kể lể. Triệu chứng rối loạn giấc ngủ cũng rất đặc hiệu như khó vào giấc ngủ, không ngủ được, hay ác mộng, tỉnh giấc không ngủ lại được nữa. Nặng hơn, người bệnh sẽ sụt giảm năng lượng; thấy mệt mỏi ngày một tăng; rối loạn tri giác như nhìn, nghe, ngửi thấy mùi lạ; trong đầu có tiếng nói; rối loạn tư duy như hoang tưởng là có người theo dõi, hãm hại, đầu độc, xâm hại. Từ những rối loạn đó, các em có biểu hiện tiếp rối loạn về cảm xúc, thu mình lại nhiều hơn. Trong khi thực tế, giai đoạn này nội tiết của đứa trẻ chưa hoàn chỉnh, lại bị áp lực bên ngoài tác động nên sẽ làm các em bị xáo trộn cuộc sống.

Vì thế, bác sĩ Dũng khuyến cáo, khi phát hiện con mình bị rối loạn tâm thần, cảm xúc, các bậc phụ huynh đầu tiên phải tách rời, cắt đứt áp lực đó bằng việc cho nghỉ ngơi hợp lý, chế độ ăn uống phù hợp, đưa cháu về trạng thái thăng bằng, không tạo sức ép với các con. Khi thấy rối loạn, bậc phụ huynh cần đưa đến khám chuyên khoa tâm lý để có phương pháp điều trị đúng đắn, không nên dùng thuốc nam, thuốc bổ tự mua hoặc không nên cúng bái.

Nhà trường cũng không nên tạo áp lực thi đua nhiều với các em. Khi cháu có biểu hiện ganh đua mệt mỏi, kết quả học tập giảm sút, các thầy cô cần sớm phát hiện ra triệu chứng cơ bản của con, bàn bạc với gia đình để có phương pháp điều trị, nâng cao sức khỏe cho con em mình.

Bác sĩ Dũng cho biết, trước đây có khoảng 60-70% trường hợp đến Viện điều trị muộn sáu tháng. Chỉ có 30% ở trong nhóm đó là đến đúng cơ sở y tế là viện sức khỏe tâm thần để điều trị. Nhưng trong 5 năm gần đây, các phụ huynh thấy con có biểu hiện rối loạn tâm thần chỉ sau thời gian khoảng một đến hai tuần hoặc một vài tháng đã đến với chuyên khoa tâm thần nhiều hơn. Hiện nay, đã có khoảng 50% số bệnh nhân đến điều trị sớm trước sáu tháng. Sự kỳ thị mặc cảm chuyên ngành tâm thần ngày càng giảm bớt.

Theo THIÊN LAM/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm