Bác sĩ Hoàng Văn Kiền đang kiểm tra sức khỏe cho em Lý Thị Mái.
Đầu tháng sáu, năm trẻ em, trong đó một trẻ tử vong, hai trẻ hôn mê sâu trong bệnh viện sau khi cùng nhau ăn vải lúc đói tại huyện Thông Nông, tỉnh Cao Bằng. Sự việc đáng tiếc này cần được cảnh báo khi không phải lần đầu trẻ em ở tỉnh biên giới Cao Bằng ngộ độc tập thể do ăn trái cây bản địa.
Ngày 9-6, Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng tiếp nhận, cấp cứu hai bệnh nhi dân tộc Mông: Lý Thị Mái (chín tuổi) và Lý Thị Hoa (10 tuổi) trong tình trạng nôn mửa, sốt cao do ăn vải khi đói. Bác sĩ Hoàng Văn Kiền – Phó trưởng khoa Hồi sức cấp cứu, Bệnh viện đa khoa Tỉnh Cao Bằng cho biết: "Khi hai bệnh nhi được đưa vào cấp cứu có biểu hiện hôn mê, thỉnh thoảng bị co giật. Theo chẩn đoán ban đầu, đó là dấu hiệu của viêm màng não và chúng tôi đã cho điều trị phác đồ chống suy hô hấp tuần hoàn”. Đến ngày 17-6, hai bệnh nhi này có biểu hiện suy hô hấp, nên đã đặt máy và cho thở ống nhưng tình hình sức khỏe chưa có gì biến chuyển, vẫn hôn mê sâu.
Cùng trong sự việc, tối 9-6, anh họ của Mái và Hoa là Lý Văn Vừ sau khi ăn vải cùng các em đã qua đời đột ngột. Theo anh Lý Văn Dẩư, bố của hai bệnh nhi cho biết, ngày 8-6, hai vợ chồng anh đi làm nương, bốn người con của anh và cháu Lý Văn Vừ (con của anh trai anh Dẩư) ở nhà chơi với nhau. Từ lâu, nhà anh có trồng cây vải ta (không rõ giống gì), bọn trẻ thấy quả cùng nhau hái, ăn. Đến tối hôm đó, các con anh có dấu hiệu đau đầu, buồn nôn, mệt mỏi nhưng vì chủ quan nghĩ bọn trẻ ham chơi nên cảm thường. Chiều hôm sau, Lý Văn Vừ đột ngột qua đời, tình trạng các con anh Dẩư diễn biến nặng hơn, hai vợ chồng mới đưa đến Bệnh viện đa khoa huyện Thông Nông cấp cứu, sau đó chuyển tuyến đến Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng.
Theo người già, loại vải địa phương này cùi mỏng, vị chua đậm (khác với vải thiều có vị ngọt) nên ăn nhiều không tốt, đặc biệt khi đói. Trong khi đó, các bác sĩ ở Bệnh viện đa khoa tỉnh Cao Bằng cho rằng, có thể do bệnh nhi ở vùng khó, bố mẹ đi làm sớm nên con chưa ăn sáng, đói lại ăn nhiều vải gây ngộ độc. Trước đây đã có trường hợp như vậy. May mắn, hai người con út của anh Dâử là Lý Văn Trường (bảy tuổi) và Lý Văn Long (bốn tuổi) do ăn lượng vải ít hơn nên tình trạng sức khỏe đang dần hồi phục và hiện đang được điều trị tại Khoa Truyền nhiễm, Bệnh viện đa khoa tỉnh. Còn hai em Mái và Hoa từ khi nhập viện vẫn trong tình trạng hôn mê sâu. Theo bác sĩ Hoàng Văn Kiền, nếu gia đình có nguyện vọng thì sẽ chuyển tuyến. Tuy nhiên, anh Dẩư cho biết, do gia cảnh quá khó khăn, tiền vay mượn đưa các con đi cấp cứu đã tiêu hết. Giờ chỉ còn cách đưa các em về nhà.
Thời điểm mùa hè đến cũng là lúc trẻ em bắt đầu được nghỉ học. Việc bậc cha mẹ ở vùng cao hàng ngày phải lên nương, lo cho cuộc sống thì việc chăm sóc con cái bị lơ là là một cảnh báo đến an toàn trẻ nhỏ. Nhiều năm qua, hàng loạt trường hợp trẻ em ở Cao Bằng phát hiện bị ngộ độc tập thể do ăn trái cây không rõ nguồn gốc, nặng còn khiến tử vong. Thiết nghĩ, ngành y tế và các cấp cơ sở của tỉnh Cao Bằng cần sớm có phương án tuyên truyền, cảnh báo người dân về an toàn vệ sinh thực phẩm cho con em, tránh những chuyện đáng tiếc như trên tái diễn.
Theo PHONG CHƯƠNG – HUẾ PHAN
nhandan.com.vn