Cập nhật: 14/06/2017 14:42:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trận mưa lớn sáng 13-6 tại Hà Nội đã làm tuyến phố Thụy Khuê bị ngập sâu trong nước. Ảnh: MINH HÀ

Theo Trung tâm Dự báo Khí tượng thủy văn T.Ư, do ảnh hưởng của rãnh áp thấp có trục 24-26 độ vĩ bắc cho nên ở Bắc Bộ đã có mưa diện rộng, khu vực Tây Bắc, Đông Bắc, vùng đồng bằng Bắc Bộ và Hà Nội có mưa vừa, mưa to, một số nơi có mưa rất to như: Mường Tè (Lai Châu) 45 mm, Phù Liễn (Hải Phòng) 59 mm, Hà Đông (Hà Nội) 57 mm.

Dự báo, đêm 15 và ngày 16-6, rãnh áp thấp bị nén bởi không khí lạnh từ phía bắc khiến cho ở Bắc Bộ và Thanh Hóa tiếp tục có mưa vừa, mưa to, có nơi mưa rất to và rải rác có dông. Trong cơn dông có khả năng cao xảy ra tố, lốc, mưa đá và gió giật mạnh.

Do ảnh hưởng của mưa trên diện rộng, từ ngày 15 đến 17-6, trên sông Thao, sông Lô xuất hiện một đợt lũ với biên độ lũ lên từ 3-5 m.

Do đó lưu lượng nước đến các hồ chứa trên thượng nguồn sông Hồng sẽ tăng nhanh từ 1.300 - 1.500 m3/giây tại vùng hồ Lai Châu; từ 1.800 - 2.000 m3/giây tại vùng hồ Sơn La trên sông Đà; 500-800 m3/giây tại vùng hồ Tuyên Quang trên sông Gâm. Trong đợt lũ này, tại nhiều tỉnh ở vùng núi phía bắc, đặc biệt một số tỉnh khu vực Tây Bắc như: Lai Châu, Sơn La, Điện Biên, Lào Cai, Yên Bái, Hà Giang có khả năng xảy ra lũ quét và sạt lở đất. Rủi ro thiên tai cấp 1.

* Hà Nội ngập nặng do mưa lớn

Từ 7 giờ 40 phút đến 8 giờ 30 phút sáng 13-6, trên địa bàn Hà Nội xảy ra mưa lớn. Tuy nhiên, lượng mưa không đồng đều giữa các khu vực. Ở khu vực phía tây thành phố gồm các quận Cầu Giấy, Nam Từ Liêm, Bắc Từ Liêm, lượng mưa chỉ khoảng 30 mm. Trong khi tại khu vực trung tâm thành phố, lượng mưa lên tới hơn 80 mm. Mưa lớn dồn dập trong khoảng 45 phút, nước không thoát kịp, gây ra úng ngập sâu tại nhiều khu vực, ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc đi lại của các phương tiện giao thông trên nhiều tuyến đường Thủ đô. Đến 9 giờ 30 phút, mưa tạnh, nước mới cơ bản rút hết trên các tuyến đường phố.

* Hơn 100 hồ, đập thủy lợi ở Đác Lắc có nguy cơ mất an toàn

Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Đác Lắc, hiện toàn tỉnh có hơn 100 hồ, đập thủy lợi đã xuống cấp có nguy cơ mất an toàn; trong đó, có 65 công trình hồ, đập xuống cấp nghiêm trọng, nguy cơ mất an toàn trong mùa mưa lũ năm nay. Cụ thể, công trình hồ Dang Kang Thượng, xã vùng sâu Dang Kang (huyện Krông Bông) hiện đáy tràn có nhiều lỗ thủng, cầu qua tràn sắp sập phải gia cố tạm bằng các thanh giằng thép; hồ Buôn Ja Wầm, xã vùng sâu Ea Kiết (huyện Cư M’gar) mái đập bị sạt lở, tràn xuống cấp nghiêm trọng; hồ chứa nước Chư Pơng, xã Chư Pơng (huyện Krông Búc) thân đập bị lún, thấm mạnh...

* Theo khảo sát của ngành nông nghiệp tỉnh Kiên Giang đánh giá toàn tuyến đê biển Tây dài hơn 200 km, từ Mũi Nai (Hà Tiên) đến Tiểu Dừa (An Minh) tiếp giáp với tỉnh Cà Mau, tại các đoạn Kiên Lương - Hòn Đất, An Biên - An Minh hiện có gần 40 km bị sạt lở, trong đó có một số khu vực cửa sông, cửa biển đã và đang sạt lở nghiêm trọng. Nhiều đoạn không còn rừng phòng hộ, sóng biển cường độ mạnh đánh trực tiếp vào chân đê gây sạt lở. Một số đoạn khác có nguy cơ tiếp tục sạt lở, nhất là vào giai đoạn cao điểm của mùa mưa bão với nhiều sóng to, gió lớn.

 

Theo nhandan.com.vn

Tệp đính kèm