Cập nhật: 14/06/2017 14:48:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Tổ chức Y tế thế giới nhận định các bệnh do vi rút Arbo được truyền từ muỗi Aedes (vi rút do các loài chân đốt hút máu) là những căn bệnh khó phòng chống, không bị ngăn cách bởi biên giới các quốc gia, do vậy mà không một quốc gia thành viên ASEAN đơn lẻ nào có thể có những giải pháp phòng, chống căn bệnh này một cách hiệu quả và triệt để nếu không có sự liên kết lại.

Việt Nam và các nước Đông Nam Á đều là trọng điểm của nhiều loại bệnh do vi rút Arbo nguy hiểm, như các bệnh truyền từ muỗi Aedes là sốt xuất huyết (SXH) Dengue, Zika và Chikungunya.

PGS, TS Nguyễn Thanh Long, Thứ trưởng Bộ Y tế cho biết, những năm gần đây, dịch bệnh diễn biễn phức tạp, đã xuất hiện nhiều loại vi rút gây bệnh nguy hiểm. Chỉ riêng vi rút Arbo, đến nay đã phát hiện được khoảng 150/530 loại gây bệnh cho người và động vật. SXH Dengue là một trong những bệnh truyền nhiễm có tốc độ tăng nhanh nhất trên thế giới. Theo ước tính của WHO, hiện nay có hơn 1,8 tỷ người ở châu Á Thái Bình Dương có nguy cơ mắc SXH, mà Việt Nam và các nước ASEAN chịu ảnh hưởng nặng nề nhất.

Đến nay, SXH chưa có thuốc điều trị đặc hiệu, dù vắc xin đã có nhưng chưa được sử dụng rộng rãi nên việc phòng chống chủ yếu dựa vào phòng chống nguồn lây bệnh. Các nước có dịch lưu hành đã tập trung đầu tư nguồn lực để phòng chống nhưng kết quả vẫn hạn chế. Thêm vào đó là biến đổi khí hậu, hiện tượng El-nino, La-nina, tình hình đô thị hoá không kiểm soát và di biến động dân cư, làm cho công tác phòng chống SXH càng trở nên khó khăn.

Đặc biệt, năm 2016, một bệnh khác có cùng nguồn lây từ muỗi Aedes là virus Zika đã trở thành vấn đề khẩn cấp về y tế công cộng toàn cầu bởi diễn biến phức tạp, lây lan nhanh. Đến nay đã có 82 nước và vùng lãnh thổ có lưu hành hoặc lây truyền của virus Zika, 13 quốc gia thông báo có sự lây truyền từ người sang người, 29 quốc gia và vùng lãnh thổ ghi nhận trẻ mắc chứng đầu nhỏ có liên quan đến virus Zika, 20 nước cho biết về sự gia tăng hội chứng viêm đa rễ thần kinh.

Riêng ở Việt Nam năm 2016 đã ghi nhận 219 ca mắc Zika, trong đó có một ca mắc chứng đầu nhỏ nghi có liên quan tới virus Zika.

Thời gian vừa qua, nhiều biện pháp phòng chống các bệnh do vi rút Arbo đã được ngành y tế Việt Nam tiến hành để ngăn chặn bệnh dịch. Ông Trần Đắc Phu, Cục trưởng Cục Y tế Dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, Việt Nam là một trong các nước ở khu vực lưu hành vi rút Arbo rất mạnh, do khí hậu nóng ẩm mưa nhiều và tập quán người dân nên có nhiều nguy cơ mắc các bệnh như viêm não Nhật Bản, Zika, SXH. Hơn nữa, trước đây số nước có SXH không nhiều, nay đã rất nhiều nước có lưu hành SXH. SXH có nhiều tuýp nên người mắc năm nay, năm sau vẫn có thể mắc tuýp khác.

Theo ông Trần Đắc Phu, ở Việt Nam, các giải pháp vẫn là tập trung giảm sát phát hiện sớm ổ dịch, phun hóa chất, hướng dẫn người dân ý thức phòng bệnh để giảm số mắc và giảm tử vong. Vừa qua, Viện Vệ sinh Dịch tễ Trung ương cũng đã tập trung vào những vùng trọng điểm để giám sát nguy cơ như giám sát mẫu muỗi ở một số địa bàn trọng điểm như Khánh Hòa, Đác Lắc, Đác Nông, xét nghiệm mẫu Zika ở những địa bàn “nóng” như Khánh Hòa, TP Hồ Chí Minh...

Các chuyên gia cho rằng, để cùng liên kết đa quốc gia, chung tay phòng chống các bệnh do vi rút Arbo, giải pháp chính là giảm muỗi bằng phương pháp diệt bọ gậy, phun hóa chất, giải quyết các vấn đề xã hội như tập quán, lối sống.

“Việc quan trọng nhất là phải thay đổi tập quán của người dân trong việc tích trữ nước để diệt muỗi. Việc phòng chống bệnh SXH, Zika vẫn là vấn đề nan giải của nhiều nước chứ không chỉ của Việt Nam” - ông Trần Đắc Phu nhận định.

Do đó, tới đây, các quốc gia sẽ tiếp tục liên kết đa quốc gia trong phòng chống dịch bệnh Arbo, tập trung nghiên cứu và thử nghiệm vắc xin để phòng chống dịch bệnh này vì những vắc xin đã có chưa hiệu quả và giá thành chưa hợp lý.

 

Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm