Cập nhật: 26/06/2017 15:04:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Theo ước tính của Cơ quan Phòng, chống tội phạm và ma tuý của Liên Hợp Quốc (UNODC), mỗi năm tội phạm ma túy có thu lợi bất chính hàng trăm tỷ USD và thiệt hại trực tiếp, gián tiếp do tệ nạn và tội phạm nói chung cho mỗi quốc gia ước tính vào khoảng từ 0,07-1,7% GDP.

Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an. Ảnh: VGP/Hoàng Anh

Hưởng ứng “Tháng hành động phòng, chống ma tuý”, “Ngày Quốc tế phòng, chống ma tuý” và “Ngày toàn dân phòng, chống ma tuý” (26/6), Thủ tướng Chính phủ yêu cầu các Bộ, ngành, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương chỉ đạo triển khai Tháng hành động phòng, chống ma tuý từ ngày 1-30/6/2017 với chủ đề “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy".

Nhân dịp này, phóng viên đã có cuộc trao đổi với Trung tướng Đồng Đại Lộc, Phó Tổng Cục trưởng Tổng Cục Cảnh sát, Bộ Công an để tìm hiểu rõ hơn về công tác phòng, chống ma tuý tại Việt Nam.

Thưa Trung tướng, có nhận định rằng ma tuý đang là một thách thức an ninh phi truyền thống đối với Việt Nam hiện nay. Ông đánh giá như thế nào về nhận định này và cho biết sơ lược về tình hình tội phạm ma túy tại Việt Nam?

Trung tướng Đồng Đại Lộc: Tội phạm ma túy ngày nay là loại tội phạm phi truyền thống, tính chất cực kỳ nguy hiểm, hoạt động manh động, ngày càng mang tính quốc tế cao, được hình thành bởi các tổ chức tội phạm xuyên quốc gia và vì thế có mối quan hệ chặt chẽ với nhiều loại tội phạm có tổ chức khác như: Tham nhũng, khủng bố, rửa tiền, mua bán trái phép vũ khí, gian lận tài chính, buôn lậu cổ vật, động vật hoang dã, mua bán người…

Theo ước tính của UNODC, mỗi năm tội phạm ma túy có thu lợi bất chính hàng trăm tỷ USD và thiệt hại trực tiếp, gián tiếp do tệ nạn và tội phạm nói chung cho mỗi quốc gia ước tính vào khoảng từ 0,07-1,7% GDP. Tiền lợi nhuận thu được từ mua bán ma túy bọn tội phạm thường đầu tư vào phát triển kinh tế của các nước, do vậy bọn tội phạm rất dễ thao túng và làm ảnh hưởng nền kinh tế của các nước. Việt Nam chúng ta cũng không là trường hợp ngoại lệ nếu không có các biện pháp tích cực và quyết liệt đấu tranh với loại tội phạm này.

Tuy đã cơ bản xóa bỏ cây có chất ma túy, nhưng do nước ta nằm gần khu vực “Tam giác Vàng” - một trong 3 khu vực trọng điểm về ma túy của thế giới, nên tình hình tội phạm buôn bán, vận chuyển ma túy diễn ra rất phức tạp, nhất là buôn bán, vận chuyển ma túy qua biên giới. Nhiều loại ma túy mới xuất hiện trong khu vực chỉ sau một thời gian ngắn đã có mặt ở Việt Nam.

Trên các tuyến biên giới phía Bắc,Tây Bắc, Bắc Miền Trung, lực lượng cảnh sát điều tra tội phạm về ma tuý đã phát hiện, triệt xóa nhiều đường dây buôn bán vận chuyển ma túy lớn, có vụ thu hàng trăm bánh heroin, hàng trăm nghìn viên ma túy tổng hợp. Điểm mới là số lượng ma túy thu giữ trong các vụ án có dấu hiệu tăng lên; sự chống trả của tội phạm đối với lực lượng truy bắt ngày càng quyết liệt…

Thống kê cho thấy, 6 tháng đầu năm 2017, các lực lượng đã phát hiện, bắt giữ gần 12 nghìn vụ với gần 18 nghìn đối tượng phạm tội về ma túy (tăng gần 2 nghìn vụ, 2 nghìn đối tượng so với cùng kỳ năm trước); thu 442 kg heroin, 778,5 kg ma túy tổng hợp dạng đá và 347,5 kg ma túy tổng hợp dạng viên; 81,7 kg thuốc phiện; 84,83 kg cần sa khô; 5,6 tấn lá khát; 1,6 kg cocain; 4,73 kg “cỏ Mỹ” và nhiều vật chứng có liên quan.

Số vụ sản xuất trái phép các chất ma túy ở trong nước tuy không nhiều (mỗi năm từ 1-2 vụ) nhưng gần đây có vụ xảy ra rất nghiêm trọng như vụ triệt xóa cơ sở sản xuất ma túy tổng hợp do Trần Ngọc Hiếu cầm đầu thu giữ hơn 220 kg ma túy cùng nhiều phương tiện phạm tội.

Mặc dù lực lượng Công an thời gian qua đã triệt phá rất nhiều đường dây ma túy lớn nhưng có vẻ như là càng triệt phá thì trong xã hội càng tiếp tục sản sinh ra nhiều đường dây ma túy lớn khác. Tại sao vậy, thưa Trung tướng? Chúng ta phải làm như thế nào thì cuộc chiến chống ma túy mới có hiệu quả?

Trung tướng Đồng Đại Lộc: Đúng là thời gian qua các lực lượng chức năng phát hiện và triệt xóa nhiều vụ mua bán, vận chuyển trái phép các chất ma túy lớn với quy mô nghiêm trọng hoặc rất nghiêm trọng. Tuy nhiên, không nên hiểu là phát hiện nhiều, triệt xóa nhiều thì tội phạm ma túy tăng lên, vì tội phạm ma túy là loại tội phạm ẩn, nếu tập trung đánh mạnh thì sẽ phát hiện được nhiều vụ, nếu không tập trung đấu tranh thì số vụ phát hiện sẽ giảm xuống.

Những năm gần đây, do các lực lượng chức năng triển khai đồng bộ nhiều biện pháp nghiệp vụ, tổ chức đấu tranh quyết liệt hơn, sự phối hợp giữa các lực lượng chặt chẽ hơn và trình độ điều tra được nâng lên, nên triệt xóa các đương dây buôn bán vận chuyển ma túy được nhiều hơn.

Theo tôi, để công tác đấu tranh chống tội phạm ma túy đạt kết quả cao hơn thì phải nắm vững quan điểm chỉ đạo của Đảng, Chính phủ: Coi công tác phòng, chống ma túy là một công tác trọng tâm, là việc làm thường xuyên, liên tục, lâu dài. Quá trình triển khai thực hiện cần bám sát chỉ đạo của Chính phủ, Ủy ban Quốc gia và Chiến lược quốc gia phòng, chống ma túy; Chương trình phòng, chống ma túy đến năm 2020, theo đó, tiến hành đồng bộ các giải pháp giảm cung, giảm cầu và giảm tác hại liên quan đến ma túy.

Giảm cung tức là phải tập trung vào việc ngăn chặn thẩm lậu ma túy ngay từ biên giới, duy trì thành quả xóa cây thuốc phiện; kiểm soát chặt chẽ các loại tiền chất. Cần xác định rõ và có biện pháp tăng cường đấu tranh trên các tuyến, địa bàn trọng điểm và phát động phong trào phòng, chống ma túy gắn với các phong trào toàn dân bảo vệ an ninh Tổ quốc hiện đang được triển khai…

Giảm cầu tức là phải bắt đầu từ việc làm tốt công tác phòng ngừa. Tuyên truyền mạnh về tác hại của các loại ma túy tổng hợp, các chất hướng thần; hướng dẫn kỹ năng tự phòng tránh cho mọi người, nhất là các nhóm có nguy cơ bị lôi kéo sử dụng ma túy nhằm khống chế đầu vào cho loại tệ nạn này.

Đồng thời, thực hiện tốt đề án nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện ma túy theo chỉ đạo của Chính phủ. Cần phải thực sự coi công tác phòng, chống ma túy là công tác trọng tâm của toàn xã hội để huy động sức mạnh của cả hệ thống chính trị vào công tác này. Cùng với đó là việc nghiên cứu sửa đổi một số điểm bất cập trong các văn bản pháp luật về phòng, chống ma túy để tháo gỡ những vướng mắc, tạo điều kiện thuận lợi cho việc thực thi pháp luật.

Gần đây, xuất hiện nhiều trường hợp sử dụng mạng xã hội để quảng bá, buôn bán, lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng trái phép chất ma tuý. Theo Trung tướng, để ngăn chặn hiệu quả tình trạng này, cần thực hiện những giải pháp nào?

Trung tướng Đồng Đại Lộc: Việc kẻ xấu lợi dụng các trang mạng xã hội để quảng bá các loại ma túy mới, quảng bá việc mua bán ma túy và nguy hại hơn là lôi kéo thanh, thiếu niên sử dụng ma túy là hành vi không mới và rất nguy hiểm; bởi vì bọn tội phạm nhằm vào nhu cầu và tâm lý của thanh, thiếu niên đang sử dụng rộng rãi các trang mạng xã hội phục vụ nhu cầu giao tiếp, giải trí và cũng bị ảnh hưởng ở các nước trên thế giới trong việc rao bán ma túy trên mạng xã hội.

Tuy nhiên, đã có một số nước như New Zealand triển khai các dự án sử dụng chính các trang mạng xã hội để phổ biến kiến thức phòng, chống ma túy và ngăn chặn hành vi này. Quan điểm của họ là tội phạm biết tận dụng thế mạnh của các trang mạng xã hội thì chúng ta, những người làm công tác phòng, chống ma túy cũng sẽ tận dụng thế mạnh này để đối phó với tình hình.

Tại các phiên họp bàn về công tác phòng, chống ma túy do Chính phủ chủ trì cũng đã có chỉ đạo các cơ quan chức năng có biện pháp ngăn chặn hành vi sử dụng mạng xã hội để quảng bá, lôi kéo thanh thiếu niên sử dụng trái phép các chất ma túy. Để làm tốt việc này cần có sự phối hợp chặt chẽ giữa cơ quan an ninh, Cảnh sát phòng, chống tội phạm công nghệ cao và các cơ quan chức năng thuộc nhiều ngành, nhất là Bộ Thông tin và Truyền thông.

Hiện nay, có nhiều kẽ hở pháp luật mà tội phạm ma túy lợi dụng để tuồn những chất hướng thần, chất gây nghiện mới vào Việt Nam như bóng cười, lá khát… Được biết, Bộ Công an dự kiến nghiên cứu bổ sung, sửa đổi một số văn bản pháp luật cho phù hợp với thực tiễn. Trung tướng có thể cho biết rõ hơn về những sửa đổi, bổ sung này?

Trung tướng Đồng Đại Lộc: Thời gian gần đây, trước thực trạng trong xã hội xuất hiện nhiều loại ma túy mới, nhiều chất hướng thần, việc nghiên cứu, bổ sung các chất này vào danh mục cần kiểm soát là một trong các nhiệm vụ cấp bách giúp làm tốt hơn công tác phòng, ngừa và đấu tranh với tội phạm ma túy.

Nghị định số 129/2015/NĐ-CP ngày 9/12/2015 của Chính phủ ban hành danh mục các chất ma túy và tiền chất cần phải được cập nhật và bổ sung các loại ma túy mới. Theo quy định tại Nghị định này, hiện nay đang có 250 chất được coi là ma túy và quản lý nhưng tại Hội nghị quốc tế về phòng, chống ma túy tổ chức tại Áo vào tháng 3/2017 thì còn khoảng 400 chất hướng thần khác cần phải được nghiên cứu và khuyến cáo các nước có lộ trình phù hợp đưa vào danh sách quản lý.

Đối với một số chất như N2O (thường có tên là “bóng cười”, “nước vui”) tuy là chất gây nghiện nhưng chưa phải là ma túy thì cần có biện pháp tuyên truyền để phòng tránh hoặc đưa vào các quy định về quản lý kinh doanh. Còn lá khát mà thành phần chính là Cathonine thì đã có trong danh mục ma túy cần kiểm soát do Chính phủ ban hành. Hiện nay, Bộ Công an đang khẩn trương thực hiện chỉ đạo của Chính phủ khẩn trương đề xuất sửa đổi Nghị định 129/2015/NĐ-CP. Tổng cục Cảnh sát đang chỉ đạo các cơ quan chức năng thực hiện nhiệm vụ này. Rất may là sau khi Chính phủ có chủ trương đơn giản hóa thủ tục sửa đổi Nghị định quy định danh mục ma túy thì thời gian hoàn thiện sẽ được rút ngắn và việc thực hiện sẽ đơn giản hơn.

Chủ đề của Tháng hành động phòng chống ma túy năm nay là “Cộng đồng chung tay hỗ trợ người nghiện ma túy”. Trong thời gian qua, công tác cai nghiện đã đạt được một số kết quả tích cực, tuy nhiên, số người nghiện vẫn tăng hằng năm, tỷ lệ tái nghiện cao, việc quản lý người nghiện, người “ngáo đá” gặp nhiều khó khăn, vướng mắc. Theo Trung tướng, cần có những biện pháp gì để giúp đỡ những người nghiện ma tuý cũng như nâng cao hiệu quả công tác cai nghiện?

Trung tướng Đồng Đại Lộc: Công tác cai nghiện thời gian qua đã được Chính phủ, Ủy ban Quốc gia phòng chống AIDS và phòng chống tệ nạn ma tuý, mại dâm, các bộ, ngành địa phương đặc biệt quan tâm đã xây dựng Đề án đổi mới công tác cai nghiện đã được Chính phủ ban hành, trong đó có rất nhiều điểm mới. Bộ LĐTB&XH được Chính phủ giao chủ trì phối hợp với các bộ, ngành, địa phương thực hiện đề án. Chính phủ cũng đã đầu tư riêng một dự án tương đối lớn cho lĩnh vực này.

Việc chuyển đổi chức năng, nhiệm vụ của các cơ sở cai nghiện tập trung theo hướng thân thiện, hiệu quả, gắn kết nhiều dịch vụ… sắp hoàn thành ở hầu hết các địa phương. Từ đầu năm đến nay, Ủy ban Quốc gia cũng đã tổ chức 2 phiên họp bàn chủ yếu về chuyên đề cai nghiện và Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Chỉ thị về tăng cường công tác phòng, chống và cai nghiện ma tuý trong tình hình mới, trong đó có nội dung chỉ đạo rất sâu về lĩnh vực cai nghiện và điều trị nghiện. Điều này thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Chính phủ về lĩnh vực cai nghiện. Hy vọng thời gian tới cùng với việc tháo gỡ những khó khăn trong công tác lập hồ sơ đưa người nghiện vào các cơ sở cai nghiện bắt buộc thì công tác điều trị cai nghiện phục hồi sẽ có những chuyển biến tích cực hơn.

Tình trạng người sử dụng hoặc nghiện ma túy tổng hợp dạng tinh thể có biểu hiệu tâm thần không kiểm soát được hành vi mà chúng ta quen gọi là “ngáo đá” là một vấn đề rất đáng lo ngại trong xã hội. Trong tình trạng như vậy những người này đã có những hành vi nguy hiểm cho xã hội như giết người, gây thương tích, hoặc tự sát. Việc có những biện pháp phòng ngừa và ngăn chặn kịp thời là rất cần thiết. Khi phát hiện những trường hợp như vậy, cần có biện pháp cách ly và đưa vào các khoa tâm thần của bệnh viện tỉnh, thành phố hoặc bệnh viện chuyên khoa tâm thần. Về lâu dài đề nghị Bộ Y tế chủ trì phối hợp với Bộ LĐTB&XH nghiên cứu hướng dẫn quy trình xử lý, điều trị người nghiện các loại ma túy này để giải quyết vấn đề một cách căn cơ hơn.

Xin trân trọng cảm ơn Trung tướng!

Theo Hoàng Anh/Chinhphu.vn

Tệp đính kèm