Ngay ngày đầu tháng 7 đã có một tin không vui cho những người hâm mộ lễ hội chọi trâu cũng như cho toàn xã hội: một con trâu đã húc chết chính chủ của nó khi được đưa ra sới chọi ở Đồ Sơn.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn. Ảnh: VNE
Ngay sau đó, lễ hội chọi trâu nổi tiếng nhất cả nước này phải đình chỉ giữa chừng, cơ quan chức năng cũng phải vào cuộc tìm hiểu nguyên nhân.
Lễ hội chọi trâu Đồ Sơn là một tập tục có nguồn gốc lâu đời gắn với nhiều truyền thuyết, trở thành một sinh hoạt thường niên và còn được công nhận là di sản văn hóa phi vật thể.
Trong những năm gần đây, nhiều lễ hội chọi trâu được phục hồi, như lễ hội chọi trâu Hải Lựu (huyện Lập Thạch, Vĩnh Phúc), lễ hội chọi trâu Hàm Yên (Tuyên Quang), lễ hội chọi trâu Phù Ninh (Phú Thọ). Và gần đây nhất thêm một lễ hội chọi trâu được “khai trương” là lễ hội ở Phúc Thọ (Hà Nội). Tuy nhiên, lễ hội này chỉ sau vài mùa đã bị cơ quan chức năng đình chỉ.
Mặc dù có nhiều yếu tố văn hóa, thậm chí được công nhận là di sản, nhưng nhiều lễ hội chọi trâu đang bị thương mại hóa. Càng lọt sâu vào giải đấu, giá trị của các “ông trâu” sẽ càng tăng lên đáng kể. Trên thị trường, mỗi kg thịt trâu chỉ có giá khoảng 200-300.000 đồng, nhưng với trâu chọi giá thịt sẽ tăng lên gấp 3, thậm chí gấp chục lần tùy thuộc vào mức độ vào sâu trong giải.
Các chủ trâu cũng làm mọi cách để tăng khả năng sát thương cho con trâu của mình, từ chuyện vót sừng cho sắc nhọn đến việc cho trâu uống rượu. Trong sự cố vừa xảy ra mới đây, cơ quan chức năng cũng đã phải xét nghiệm để làm rõ việc có hay không các chất kích thích trong cơ thể con trâu húc chết chủ vì sự hung hãn bất thường đến mức mất kiểm soát. Điều này chưa từng xảy ra trong các lễ hội chọi trâu trước đó.
Mặt khác, sau khi sự cố xảy ra, dư luận cũng đặt lại câu hỏi có nên duy trì những lễ hội nhuốm màu sắc bạo lực, có những dấu hiệu bị thương mại hóa?
Cách đây gần 10 năm, tình cờ người viết bài này được tham dự hội chọi bò của huyện Bảo Lâm (Cao Bằng). Đó mới là lần thứ 2 hội được tổ chức. Điều khác biệt lớn nhất của hội chọi bò là những “đấu sỹ bò” đều là những con bò được nuôi để cày ruộng, sinh sản. Đến ngày hội, chủ dắt bò đến tham dự. Bò không được trải qua những khóa huấn luyện để chiến đấu, cũng không được chăm sóc trang bị để tăng tính sát thương.
Chính vì thế, những con bò giao tranh với nhau như thường ngày chúng vẫn cạnh tranh để chiếm vị trí đầu đàn. Và cũng vì bò không thuộc dạng “đấu sỹ” chuyên nghiệp nên kết thúc hội đấu bò chúng lại trở về với chủ với đường cày như ngày thường.
Chủ bò sau khi đưa bò vào cuộc đấu thì theo dõi khá sát không phải chỉ vì chuyện thắng thua mà còn để can thiệp kịp thời nếu thấy bò của mình yếu thế. Họ không muốn những con vật nuôi của mình bị thương tích quá nặng và sau đó khó có thể trở lại với công việc thường ngày. Và rất trái ngược với số phận những ông trâu - kể cả sau khi chiến thắng vẫn bị xẻ thịt, thì những chú bò sau cuộc đấu được chủ âu yếm chăm sóc từng vết trầy xước. Không con bò nào bị thịt sau hội đấu bất kể thắng hay thua.
Đáng tiếc là tinh thần này không được giữ gìn ở nhiều lễ hội cũng như trò chơi. Một trong những thú chơi khá phổ biến là chọi gà. Nhưng trong nhiều trường hợp, thương mại hóa cùng máu đỏ đen đã đầu độc trò chơi dân gian này. Những chủ gà không ngần ngại cho gà đeo cựa sắt, uống rượu để tăng tính sát thương đòn đánh. Thậm chí người ta còn dùng chất độc tẩm lên cựa gà. Hậu quả là gắn liền với những sới chọi gà thường là những sới bạc cá độ ăn thua kéo theo nhiều tệ nạn xã hội khác.
Một lãnh đạo Liên Xô trước đây từng nói, đại ý rằng rất dễ để cấm một sản phẩm văn hóa, nhưng biện pháp dễ nhất chưa chắc đã phải là tốt nhất. Bởi đời sống văn hóa có những quy luật nội tại và không nên dùng các biện pháp áp đặt cứng nhắc. Bản thân những tập tục, những trò chơi dân gian không chỉ không xấu mà còn ẩn chứa những giá trị tốt đẹp.
Nhưng trong xã hội văn minh, cũng rất cần những giải pháp để hạn chế đến mức thấp nhất những sự cố và phần nào giảm thiểu những yếu tố tiêu cực: bạo lực, thương mại hóa, trò đỏ đen trái pháp luật... Hồi đầu năm nay, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cũng đã nhắc nhở Bộ VHTT&DL tăng cường công tác quản lý nhà nước với việc tổ chức lễ hội, khi người dân không đồng tình với những biểu hiện phản cảm, biến tướng, thương mại hóa, tranh cướp lộc… tại nhiều lễ hội.
Và có lẽ bản thân mỗi người cũng cần tự nhắc mình: Nếu chỉ chú trọng việc khai thác tập tục, lễ hội để trục lợi, rất có thể sớm muộn sẽ phải trả giá.
Theo Quang Lê/Chinhphu.vn