Thay bằng những bức tường đơn điệu, mỗi ngôi nhà ở đây đều là tranh bích họa đầy màu sắc, mô tả sinh động cuộc sống của đồng bào Dao Thanh Y.
Ở xã biên giới vùng cao Hải Sơn, TP Móng Cái, Quảng Ninh có một xóm nhỏ đặc biệt. Thay bằng những bức tường đơn điệu, mỗi ngôi nhà ở đây đều là tranh bích họa đầy màu sắc, mô tả sinh động cuộc sống của đồng bào Dao Thanh Y. Sự có mặt của những bức tranh tường không chỉ khiến đời sống, nhận thức của đồng bào đổi thay mà còn gợi mở hướng đi phát triển du lịch văn hóa, cộng đồng nơi biên cương.
Lũ trẻ thích thú chơi đùa bên sân chơi mới đầy màu sắc.
Cách trung tâm thành phố Móng Cái sôi động chỉ 30km, thôn Pò Hèn, xã Hải Sơn, một địa chỉ đỏ trên đường biên Việt - Trung lại là nơi sinh sống của đồng bào Dao Thanh Y với những ngôi nhà yên bình bên bờ sông biên giới, giữa núi non trập trùng. Xóm họ Đặng, điểm đến của chúng tôi hôm nay đón khách bằng hình ảnh cô gái Dao tươi cười trong trang phục truyền thống. Điều đặc biệt, đó lại là bức tranh sống động được vẽ trên bức tường lớn của ngôi nhà ngay con đường phong quang dẫn vào xóm.
Đi từ ngôi nhà này sang ngôi nhà khác, khách lạ liên tục ồ lên bất ngờ. Chú chó vàng nằm sưởi nắng bên vườn hoa cúc, đàn gà cục tác ăn ngô bên hiên, người nông dân dắt trâu từ đồng về, lũ trẻ đùa vui giữa vườn đào. Có những cảnh ấn tượng như chú voi phun nước, ếch xanh cầm chiếc ô lá khoai vui nhộn. Những bức bích họa đầy màu sắc trên tường nhà là tác phẩm do Đoàn thanh niên TP Móng Cái cùng chính quyền xã kỳ công tạo nên.
Phần lớn các bức bích họa đều là phong cảnh vùng cao, mô tả cuộc sống sinh hoạt thường ngày, gần gũi của đồng bào Dao Thanh Y.
Chị Hà Thị Mai, Bí thư Thành đoàn Móng Cái chia sẻ: "Ý tưởng ban đầu rất đơn giản. Chúng tôi muốn thay đổi diện mạo đời sống bà con nơi đây, các bức tranh vẽ đều mô tả phong cảnh miền núi, gắn liền với đời sống sinh hoạt hàng ngày của đồng bào".
Nhìn lũ trẻ vui đùa bên những bức bích họa, ít ai biết ban đầu việc vận động người dân rất khó khăn, bà con không hình dung việc vẽ tranh sẽ mang tới lợi ích gì. Mất cả tháng thuyết phục từ gia đình tích cực nhất, hàng chục đoàn viên thanh niên hăng hái bỏ công sức cải tạo, tu bổ, sơn lót, cùng sự trợ giúp vẽ tranh từ các bạn sinh viên mỹ thuật, 20 bức tranh đã hoàn thiện trên tường của 13/18 nóc nhà trong xóm. Toàn bộ kinh phí 150 triệu đồng đều lấy từ nguồn xã hội hóa. Thành quả là đây, những ngôi nhà có phần đơn sơ, giản tiện bỗng trở nên sống động, thành bức hoạ rực rỡ giữa núi đồi biên cương.
Ông Đặng Văn Chiến, cựu chiến binh xóm họ Đặng hào hứng nói: "Lúc đầu vận động, bà con không thích, đến giờ thì rất đồng tình ủng hộ. Chương trình này rất hay, tạo cảnh vẻ đẹp làng quê cho du khách đến thăm, tạo điểm du lịch xã biên giới. Diện mạo của xóm đổi thay, hòa hợp với thiên nhiên. Mong là có thêm nhiều tranh tường ngày càng đẹp hơn".
Xóm họ Đặng, thôn Pò Hèn được chọn làm điểm trong xây dựng nông thôn mới. Nhà đẹp hơn, bà con cũng có ý thức dọn dẹp, giữ gìn cảnh quan môi trường hơn hẳn. Lúa ngô gọn ghẽ, sân nhà sạch đẹp, ngõ xóm phong quang, những hàng rào, vườn hoa nhỏ xinh dần mọc lên khoe sắc.
Em Sằn Móc Chiu, học sinh lớp 10 trường Dân tộc nội trú Quảng Ninh tự hào: "Nhà em có tranh voi, em thấy đẹp lắm. Từ khi có tranh thì nhà đẹp hơn, em cũng chăm quét dọn vệ sinh hơn, vận động mọi người cùng giữ gìn, bảo vệ tranh".
Chị Nguyễn Thị Thùy Dương, bí thư đoàn thôn Pò Hèn chia sẻ, từ khi có những bức bích họa, khách du lịch tới đây ngày một nhiều hơn, nhận thức của đồng bào cũng dần thay đổi.
Chị Dương nói: "Bà con ở đây rất ngại giao tiếp với khách lạ, đoàn thanh niên dẫn khách du lịch vào đây, các đoàn viên trong xóm vận động chính người thân thay đổi nhận thức người thân, bớt đi sự ngại ngùng, từ đó phát triển du lịch".
Pò Hèn, Hải Sơn dù là vùng cao khó khăn nhưng lại có lợi thế lớn với các điểm du lịch sinh thái, lịch sử cách mạng, văn hóa đồng bào đặc sắc. Đây cũng là nơi kết nối tuyến du lịch trải nghiệm trên tuyến biên giới đang được TP Móng Cái xây dựng.
Bí thư Thành đoàn Móng Cái Hà Thị Mai chia sẻ: "Nhờ các bức tranh vẽ, chúng tối thấy việc thu hút du lịch cộng đồng, đặc biệt là các bạn trẻ có mong muốn khám phá biên giới đến đây nhiều hơn, tham quan, chụp ảnh, tìm hiểu đời sống của đồng bào dân tộc thiểu số. Chúng tôi sẽ nhân rộng mô hình vẽ tranh tường ở các địa phương khác để thí điểm phát triển du lịch cộng đồng".
Trong tương lại gần, tại mũi Trà Cổ, đảo Vĩnh Thực sẽ có những bức tranh tường mang hình ảnh làng chài, tạo thêm một sản phẩm du lịch thân thiện. Những bức bích họa sẽ trở thành sứ giả góp phần đưa khách phương xa đến biên giới, hải đảo Móng Cái, Quảng Ninh. Với định hướng phát triển du lịch cộng đồng lâu dài, một sự đổi thay hứa hẹn sẽ tới với cuộc sống của đồng bào nơi biên cương địa đầu đất nước./.
Theo Trường Giang/VOV.VN