Cập nhật: 19/07/2017 15:15:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghệ nhân Phùng Văn Dích  làng nghề Bích Chu.

Nằm ở vùng đất bên sông Hồng thuộc xã An Tường, huyện Vĩnh Tường, Bích Chu như một nét nhấn trong bức tranh tổng thể của làng quê Vĩnh Phúc. Từ rất lâu, Bích Chu nổi tiếng về kỹ thuật làm đồ gỗ  tinh xảo như bàn ghế, sập gụ, tủ chè, đồ thờ cúng hay nội thất. Tay nghề của họ có thể sánh với thợ Hà Tây, Nam Định hay những hàng mộc ở Đồng Kị - những địa phương có tiếng về nghề mộc.

Từ làng nghề truyền thống

Theo sử sách ghi lại và thông qua những lời kể của các nghệ nhân cao niên, làng mộc Bích Chu thuộc xã An Tường đã có từ mấy trăm năm trước. Hằng năm cứ đến ngày mồng 6 mồng 7 tháng Giêng âm lịch cả làng lại tưng bừng mở hội tại nhà thờ Ông tổ mộc. Mấy trăm năm nay, người làng Bích Chu đều sống bằng nghề mộc. Sản phẩm mộc qua đôi tay khéo léo của người thợ với óc sáng tạo đã trở thành những vật dụng độc đáo, quý giá. Nhiều hiện vật còn lưu giữ trong các đình, chùa như cột kèo, kiệu… Sản phẩm mộc của làng không chỉ được bán cho những vùng lân cận mà giờ đây đã  được rải đi khắp mọi miền Tổ quốc và xuất khẩu ra thị trường thế giới.

Có được thành quả ấy, đồ gỗ Bích Chu phải trải qua bao sóng gió, đặc biệt trong thời buổi kinh tế thị trường, sản phẩm nhập từ nước ngoài vào với mẫu mã đẹp mà giá thành lại rẻ hơn rất nhiều, gỗ Bích Chu không cạnh tranh được. Người dân trong vùng phải chuyển sang làm các nghề khác để kiếm sống. Làng mộc tưởng như bị mai một, những người thợ trong làng phải vác cưa, đục bôn ba đi khắp các địa phương trong cả nước để kiếm sống. Song không vì thế người dân ở đây bỏ cuộc, trong làng vẫn còn những người  bám trụ nghề, cố giữ lấy cái nghề truyền thống của cha ông để lại. Họ tìm mọi cách để cho làng nghề phát triển trở  lại như xưa.

Cụ Phùng Văn Dục, một nghệ nhân của làng cho biết: Những năm 1990  là năm khó khăn nhất, cả làng ồ ạt đi các tỉnh khác làm ăn, sản phẩm làm ra không có chỗ tiêu thụ, người thì đi xây, người lên tận biên giới làm cửu vạn để kiếm sống. Một vài nhà phải mang sản phẩm của mình đi bán rong ở khắp mọi nơi, trước là để bán lấy tiền sống qua ngày. Nhưng cái chính vẫn là nhằm mục đích giới thiệu để tìm kiếm thị trường cho làng mộc của mình.

Trời không phụ công người, trong mấy năm gần đây xu hướng  người tiêu dùng ưa chuộng đồ trang trí nội thất làm từ gỗ.  Những sản phẩm của làng làm ra luôn được đánh giá cao cả về chất lượng lẫn mẫu mã. Hiện nay sản phẩm của làng có mặt khắp các tỉnh trong Nam ngoài Bắc như Hà Nội, Thái Nguyên, Hải Phòng.

Đến làng doanh nghiệp

Về Bích Chu hôm nay mới thấy rõ sự thay da đổi thịt của làng quê này. Không còn những mái nhà lợp lá, thay vào đó là những ngôi nhà cao tầng, mỗi nhà là một xưởng sản xuất thu nhỏ. Chỉ sau một vài năm vực lại nghề mộc, cuộc sống người dân nơi đây đã có sự thay đổi khá rõ rệt. Trong thôn không còn hộ nghèo, bình quân thu nhập đầu người từ 800.000 đến 1 triệu đồng/tháng. Đây là mức thu nhập mơ ước của nhiều vùng quê khác. Hiện nay, trong tổng số 563 hộ dân ở Bích Chu thì có tới 50% hộ khá, giàu. Trong thôn có gần 10 doanh nghiệp lớn như Cty TNHH Hải Âu, Cty TNHH Thanh Bình, Cty TNHH Mộc An Tường... với tổng số vốn lên đến hàng trăm tỉ đồng, góp phần giải quyết việc làm cho hàng nghìn lao động trong xã và các vùng lân cận. Điển hình là Cty TNHH  Phát triển nhân lực và mộc nội thất Hải Âu do anh Kiều  Hải làm giám đốc. Năm 2005, tại Triển lãm hàng nông nghiệp quốc tế AGROVIET với chủ đề là giới thiệu khái quát về lịch sử, văn hóa Việt Nam, anh đã mang bộ sản phẩm cửa Xuân Hạ Thu Đông đến tham gia triển lãm và giành Cúp vàng. Cty của anh chỉ mới được thành  lập cách đây 3 năm nhưng chàng doanh nhân Kiều Hải đã được Tỉnh đoàn Vĩnh Phúc bình chọn là tài năng trẻ của tỉnh.

Tay nghề của người thợ làng gỗ Bích Chu không chỉ nổi tiếng trong cách tạo ra những sản phẩm dùng để trang trí nội thất trong gia đình mà còn rất khéo léo trong việc phục chế những đồ cổ, kiến trúc đình chùa cổ  xưa. Bác Phùng Văn Dích sinh trưởng trong một gia đình có truyền thống làm mộc, cụ thân sinh được Nhà nước công nhận là nghệ nhân có bàn tay vàng trong  nghề mộc, bản thân ông là một trong số 10 thợ giỏi của thôn. Năm 1990, tại Bảo tàng Hồ Chí Minh, ông có hai sản phẩm tham dự và đạt giải hiện vẫn còn lưu giữ  tại bảo tàng. Ông  luôn là người có mặt và giữ vai trò quan trọng trong việc trùng tu các di tích, kiến trúc cổ.

Dù vậy, ông và người dân nơi đây vẫn không ngừng sáng tạo cho sản phẩm làng mình có một thương hiệu trên thị trường. Bởi lẽ nó không chỉ góp phần quảng bá cho sản phẩm đó mà còn là yếu tố lưu giữ và phát triển cho một làng nghề truyền thống.

 

Sưu tầm

Tệp đính kèm