Cập nhật: 31/07/2017 14:50:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ðoàn kiểm tra liên ngành BHXH kiểm tra tại nhà người bệnh có số lượt khám nhiều lần trong năm. Ảnh: TÔ HÀ

Trong những năm qua, lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), đã có không ít tổ chức, cá nhân thực hiện những hành vi chiếm đoạt, lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, nhất là Quỹ Ốm đau - Thai sản với số tiền lớn... Ðiều này, đòi hỏi cần tăng cường, nâng cao hơn nữa công tác đấu tranh phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN...

Nhiều thủ đoạn gian lận tinh vi

Những năm gần đây, cơ quan BHXH và công an ở các tỉnh, thành phố đã phát hiện nhiều vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật về lạm dụng các chế độ, chính sách để trục lợi quỹ BHXH, BHYT với số tiền lớn. Thí dụ, tại TP Hồ Chí Minh, năm 2015, cơ quan Công an thành phố đã thụ lý và điều tra vụ việc hai vợ chồng đối tượng Phạm Thị Ngọc Hằng, sinh năm (SN) 1987 và Lê Thành Thắng, SN 1979 (hộ khẩu thường trú tại số 85, đường Trịnh Hoài Ðức, phường Hiệp Phú, quận 9) lập 10 công ty “ma” ở sáu quận, huyện trong thành phố để trục lợi chế độ thai sản.

Theo khai nhận và hồ sơ xác minh của cơ quan điều tra, vợ chồng Thắng và Hằng đã thực hiện 25 lần lĩnh tiền “thai sản đơn vị” (trị giá 961.500.000 đồng), năm lần lĩnh tiền “dưỡng sức” (7.762.500 đồng) và 10 lần lĩnh tiền “thai sản cá nhân” (335.778.000 đồng)... Cơ quan điều tra đã kết luận hành vi của Thắng và Hằng có dấu hiệu của tội phạm “lừa đảo chiếm đoạt tài sản” và tội “làm giả con dấu, tài liệu của cơ quan, tổ chức theo quy định tại Ðiều 139 và Ðiều 267 Bộ luật Hình sự. Số tiền chiếm đoạt có giá trị rất lớn, thuộc tài sản của Nhà nước và diễn ra trên phạm vi toàn thành phố, liên quan nhiều cơ quan, đơn vị khác...

Và mới đây, Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Hải Dương đã xác định, trong thời gian từ năm 2013 đến tháng 9-2015, đối tượng Nguyễn Thị Phương, SN 1984 (nguyên là cán bộ nhân sự Công ty TNHH may mặc MAKALOT) đã cùng đồng bọn thực hiện lập khống 36 hồ sơ người lao động, làm giả 44 hồ sơ thanh toán, quyết toán chế độ thai sản tại BHXH huyện Thanh Hà (Hải Dương) để chiếm đoạt số tiền 867 triệu đồng...

Hay trường hợp bà Ngô Thị Lan, làm đại diện thu BHYT tự nguyện (phường Phương Ðông, TP Uông Bí (Quảng Ninh) đã có hành vi sửa chữa, tẩy xóa thẻ BHYT (đối với thẻ BHYT cũ đã hết hạn và in đè hạn sử dụng mới) để chiếm đoạt hơn 300 triệu đồng. Cơ quan BHXH đã thu hồi được 148 thẻ BHYT tẩy xóa, sửa chữa và bàn giao hồ sơ cho cơ quan công an khởi tố vụ án “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản”, quá trình điều tra đã làm rõ vụ án và truy tố hai bị can liên quan.

Vụ trưởng Thanh tra - Kiểm tra Trần Ðức Long (BHXH Việt Nam) cho biết: Có rất nhiều phương thức, thủ đoạn tinh vi trong hoạt động tội phạm nhằm chiếm đoạt, trục lợi. Như, các tổ chức, cá nhân lợi dụng kẽ hở của pháp luật và một số quy định chưa chặt chẽ về BHXH, BHYT để thực hiện những hành vi lạm dụng, trục lợi quỹ BHXH, BHTN, nhất là Quỹ Ốm đau - Thai sản. Lợi dụng kẽ hở của chính quyền địa phương trong việc chứng thực các văn bản, giấy tờ để làm giả Giấy khai sinh, hoặc Giấy chứng sinh bản sao và thực hiện lập hồ sơ giả mạo đề nghị cơ quan BHXH thanh toán tiền trợ cấp thai sản. Tình trạng thu gom sổ BHXH của người tham gia BHXH đã nghỉ việc mà không nhận lại sổ, sau đó lập hồ sơ BHXH khống, chiếm đoạt tiền BHXH...

Bên cạnh đó, là tình trạng doanh nghiệp cố tình lập và sử dụng hai hệ thống thang bảng lương khác nhau: Một hệ thống lương dùng để chi trả lương thực tế cho người lao động; một hệ thống lương dùng để đăng ký tham gia và làm cơ sở tính mức đóng BHXH. Với thủ đoạn này, các doanh nghiệp đã trốn đóng một khoản tiền BHXH mà theo quy định pháp luật họ phải đóng cho cơ quan BHXH. Cán bộ, nhân viên tại một số cơ sở y tế đã lạm dụng sự thiếu hiểu biết của người dân khi cấp phát thuốc trong khám, chữa bệnh (KCB) để thực hiện thay đổi các loại thuốc có giá trị thấp hơn loại thuốc được bác sĩ kê đơn nhằm trục lợi...

Tăng cường phòng, chống các hành vi trục lợi

Kết quả báo cáo 5 năm thực hiện quy chế phối hợp giữa BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát phòng, chống tội phạm (nay là Tổng cục Cảnh sát, Bộ Công an) giai đoạn 2012-2017 cho thấy, BHXH các địa phương phối hợp chặt chẽ cơ quan công an các tỉnh, thành phố trong điều tra, xử lý các vụ việc nghiêm trọng, có dấu hiệu vi phạm pháp luật và chuyển hồ sơ vụ án sang Viện Kiểm sát nhân dân. Trong 5 năm, BHXH các tỉnh, thành phố thường xuyên chủ động thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra theo kế hoạch; kịp thời trao đổi thông tin; phối hợp công an và các cơ quan có liên quan ở địa phương thực hiện 835 cuộc thanh tra, kiểm tra, xác minh liên ngành tại 2.308 đơn vị (trong đó có 2.228 đơn vị sử dụng lao động; 80 cơ sở KCB BHYT; phối hợp xác minh làm rõ 86 hồ sơ, vụ việc có dấu hiệu vi phạm pháp luật)...

Tuy nhiên, việc phối hợp giữa hai đơn vị còn nhiều khó khăn, vướng mắc, nhất là trước tình trạng lạm dụng chế độ, chính sách để trục lợi ngày càng phức tạp và số tiền nợ BHXH, BHYT, BHTN ngày càng tăng, khó có khả năng thu hồi.

Ðể nâng cao hiệu quả phòng, chống tội phạm và các hành vi vi phạm pháp luật trong lĩnh vực BHXH, BHYT, cũng như nâng cao nhận thức của người sử dụng lao động và người lao động trong việc tham gia BHXH, BHXH Việt Nam và Tổng cục Cảnh sát (Bộ Công an) sẽ tổng kết Quy chế phối hợp số 1853/QCPH-TCCSPCTP-BHXH giai đoạn 2012-2017, đồng thời ký kết Quy chế phối hợp mới để phù hợp tình hình hiện nay.

Vụ trưởng Trần Ðức Long cho biết, so với quy chế cũ, điểm mới của quy chế lần này là hai cơ quan sẽ phối hợp trong việc phát hiện, điều tra, xử lý các hành vi vi phạm pháp luật hình sự trong lĩnh vực BHXH, BHYT, BHTN. Theo đó, trong quá trình thanh tra, kiểm tra các doanh nghiệp, đơn vị sử dụng lao động, nếu cơ quan BHXH phát hiện có dấu hiệu vi phạm thì sẽ hoàn thiện hồ sơ tài liệu theo hướng "điều tra" chuyển sang cơ quan công an để thực hiện công tác điều tra và khởi tố theo quy định của pháp luật.

Bên cạnh đó, tăng cường phối hợp giữa hai ngành trong công tác thanh tra, kiểm tra liên ngành về đóng BHXH, BHYT, BHTN nhằm chủ động phát hiện sớm các hành vi chậm đóng, trốn đóng BHXH để có biện pháp xử lý kịp thời. Khi phát hiện có dấu hiệu vi phạm pháp luật, cơ quan BHXH và cơ quan quản lý nhà nước về BHXH chủ động tăng cường phối hợp xử lý kịp thời, tránh để hiện tượng nợ đọng BHXH, BHYT, BHTN với số tiền lớn, trong thời gian dài...

 

Theo LAN VŨ/ nhandan.com.vn

Tệp đính kèm