Cập nhật: 14/08/2017 14:35:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Trích đoạn Vợ chồng thuyền chài, Đoàn Chèo Thanh Hóa

Số lượng diễn viên trẻ dự thi đông; nhiều tài năng trẻ lấp lánh khiến hội đồng giám khảo lúng túng khi tỷ lệ trao giải vẫn giới hạn theo quy chế… là những điểm mới, thấy rõ tại Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên sân khấu Tuồng, Chèo 2017. Nhưng ít ai biết, đằng sau thành công của các diễn viên trẻ là sự nỗ lực lớn của lãnh đạo các đoàn, là công sức của các thế hệ nghệ sĩ lớn tuổi khi đã vượt khó để đưa lớp diễn viên trẻ tài năng đến với cuộc thi.

 Đầu tư tốt, tài năng trẻ có bệ phóng

Trong khi nhiều đơn vị nghệ thuật địa phương chỉ đưa diễn viên trẻ tới dự phần thi của mình rồi lập tức “khăn gói” quay trở về thì các Nhà hát ở Trung ương và Hà Nội lại đầu tư mạnh cả về tiền bạc, công sức, thời gian để các diễn viên trẻ của đoàn mình có cơ hội bật lên tại cuộc thi. Không chỉ có nhiều cơ hội để diễn, tập luyện thường xuyên so với các diễn viên ở các đoàn địa phương, khi đi thi diễn viên của các đơn vị nghệ thuật ở Trung ương và Hà Nội còn được các NSND, NSƯT của ngành, của đơn vị đầu tư kèm cặp, tập luyện kỹ càng. Không ngại tốn kém, Nhà hát Chèo VN, Nhà hát Chèo Hà Nội, Nhà hát Tuồng VN còn đưa cả dàn nhạc của nhà hát cũng như huy động lực lượng nghệ sĩ tên tuổi tham gia vào các vai diễn phụ trợ, thậm chí cả dàn nghệ sĩ hát phụ hoạ cho diễn viên trẻ dự thi. NSƯT Lê Chức, Phó chủ tịch Hội Nghệ sĩ sân khấu VN nhận định: “Tôi thấy một số đơn vị nghệ thuật địa phương chưa thực đầu tư đúng hướng. Vai trò chỉ đạo nghệ thuật cũng như giám đốc, trưởng đoàn rất mờ nhạt. Quanh năm họ không có lớp tập huấn hay rèn giũa các vai diễn cho diễn viên trẻ . Khi có cuộc thi thì vội vã mời thầy dạy cấp rập đôi tuần. Cũng vì thế, tiết mục dự thi của những đơn vị này đầu tư rất sơ sài không có phông cảnh, người phụ diễn thì non nghề không tiếp sức và hỗ trợ cho người thi. Một trích đoạn Tuồng hay Chèo thì cũng cần phải có bối cảnh, không gian để tạo cảm hứng cho người diễn thì lại không hề được quan tâm”.

Và những tiếng lòng...

Tại cuộc thi lần này, Đoàn Chèo Quảng Ninh, Đoàn Chèo Hải Phòng là đơn vị duy nhất có một tiết mục của một nghệ sĩ dự thi. Trưởng đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành cho biết: “Chúng tôi gặp nhiều khó khăn khi xin kinh phí cho diễn viên trẻ tham gia cuộc thi bởi ngân sách thường phải lập kế hoạch trước 1 năm. Đưa một diễn viên đi dự thi, đoàn cũng đã rất cố gắng cân đối các nguồn khi cử cả dàn nhạc cùng tham gia biểu diễn. Thấy “nhà khó” nên thí sinh cũng phải chung tay đóng góp chi phí tự nguyện cho đoàn”. Ông Thành cũng chia sẻ những cái khó khi làm trưởng đoàn nghệ thuật ở địa phương. Nhà nước quy định chế độ ưu đãi nghề nghiệp và bồi dưỡng cho diễn viên chính trung bình 200.000 đồng/1 buổi diễn nhưng địa phương chỉ có thể chi 100.000 đồng/1 buổi diễn do doanh thu biểu diễn rất hạn chế. Hoạt động khó khăn nên việc đào tạo diễn viên trẻ và giữ chân diễn viên trẻ ở lại đơn vị cũng vô cùng nan giải. Đoàn Chèo Hải Phòng đang thực hiện tinh giảm biên chế 10% và không kí hợp đồng chỉ tiêu biên chế tiếp. Đó là lý do mà Bộ VHTTDL có đưa dự án đào tạo tuyển sinh về giúp Hải Phòng tổ chức thi tuyển diễn viên bổ sung nguồn lực nhưng đoàn không dám nhận vì không có chỉ tiêu biên chế, sợ học sinh đào tạo ra trường không có “đầu vào” nhận về.

Trích đoạn Kim Lân qua đèo, Nhà hát Tuồng VN

Tương tự, Nhà hát Nghệ thuật Hát bội TP.HCM cũng đau đầu đối với việc thu hút tài năng trẻ và giữ chân họ ở lại với đơn vị. Hiện, Nhà hát đang có một lứa gồm 14 diễn viên trẻ được tuyển theo tính chất đào tạo truyền nghề. Mới đây, thi tuyển viên chức chuyên ngành nghệ thuật chỉ có những em tốt nghiệp lớp 12 và có bằng trung cấp mới được thi. Trong khi đó, một số diễn viên trẻ tài năng, là lực lượng diễn xuất nòng cốt của đoàn do không đủ các tiêu chuẩn cứng để thi viên chức vẫn phải sống lay lắt với mức lương hợp đồng 3 triệu/ tháng.

Ông Huỳnh Hữu Nhi, Phó giám đốc Nhà hát NT Hát bội TP.HCM cho biết: “Chúng tôi đang làm công văn đề nghị Sở VHTT TP.HCM và Sở Nội vụ TP.HCM cho một cơ chế xem xét đặc thù với nghệ thuật truyền thống để làm sao giúp số diễn viên trẻ này được vào biên chế. Tại địa bàn TP.HCM, hát bội khó có thể cạnh tranh với các loại hình nghệ thuật khác. Chúng tôi tha thiết mong thành phố có phương án đưa hát bội vào các tour du lịch, chứ để chúng tôi bơi trong thị trường, bán vé “tay bo” thì là điều không thể”.

Điều lo lắng nhất của các đoàn nghệ thuật Tuồng, Chèo hiện nay đó là làm thế nào để xã hội hoá khi những loại hình nghệ thuật này không phải là nhu cầu thưởng thức của phần đông khán giả hiện nay. Một số địa phương đã tìm giải pháp sáp nhập các đoàn nghệ thuật truyền thống của địa phương với mô hình nhà hát nghệ thuật dân tộc. Trưởng đoàn Chèo Hải Phòng Vũ Huy Thành cho biết: “Việc đầu tư dàn trải cho quá nhiều loại hình nghệ thuật dẫn tới không loại hình nghệ thuật nào phát triển được. Nguy cơ nghiệp dư hoá đang là nỗi lo của các đơn vị nghệ thuật truyền thống địa phương. Tuy nhiên cá nhân tôi không đồng tình với việc sáp nhập nhiều loại hình nghệ thuật vào chung một nhà hát. Nên chăng mỗi địa phương nên lựa chọn một, hai loại hình đặc sắc mang tính vùng, miền nổi trội của mình để giữ gìn và phát triển”.

Làm thế nào để thực hiện xã hội hoá có hiệu quả? Làm thế nào để những đơn vị nghệ thuật truyền thống như Tuồng, Chèo... giữ gìn bản sắc và đặc trưng trong cơ chế thị trường hiện nay... Những nỗi niềm mà các đơn vị nghệ thuật cũng như nghệ sĩ Tuồng, Chèo hôm nay đang phải đối diện đó là Nhà nước cần phải vào cuộc để chọn lọc, tìm ra những đơn vị nghệ thuật tiêu biểu, có vị trí trong đời sống xã hội để đầu tư trọng điểm thay việc đầu tư dàn trải và phó mặc cho địa phương tách nhập một cách cơ học khiến nhiều thương hiệu nghệ thuật bị mất đi hoặc bị nghiệp dư hoá như thời gian qua.

 

Theo Thúy Hiền/ baovanhoa.vn

Tệp đính kèm