TS Nguyễn Đăng Mạnh thăm khám cho bệnh nhân tại khu điều trị dã chiến bệnh SXH của Bệnh viện T.Ư Quân đội 108.
Dịch sốt xuất huyết (SXH) vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến hầu hết các bệnh viện (BV) chuyên khoa truyền nhiễm rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng, đang đòi hỏi ngành y tế có những giải pháp sớm ngăn chặn dịch bệnh.
Lập khu điều trị dã chiến
Tại khu điều trị dã chiến bệnh SXH BV T.Ư Quân đội 108 mới được thành lập đông kín bệnh nhân. Bà Phạm Thị Hương, 71 tuổi (phường Thanh Lương, Hà Nội) vừa nhập viện sau cơn sốt li bì. Bà cho biết, sau khi làm các xét nghiệm, xác định nhiễm SXH lòng thấy bất an. Ở nơi bà sinh sống, đã có vài trường hợp bị nhiễm bệnh, dù địa bàn này được phun thuốc muỗi, được tuyên truyền chống dịch rất mạnh. Cạnh đó, chị Trần Lan Anh, ở phố Minh Khai, Hà Nội cũng đang trong tình trạng sốt cao, người rét run toàn thân. Giường bên cạnh, em Kiều Minh Đức, sinh năm 2003, sốt trên 39 độ C và vẫn đang chờ kết quả xét nghiệm. Dường như trên gương mặt các bệnh nhân ai cũng lộ rõ sự mệt mỏi và lo lắng.
TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, hơn một tháng qua, mỗi ngày BV có hàng trăm bệnh nhân đến khám và điều trị. Cao điểm, có ngày BV tiếp nhận tới gần 400 bệnh nhân có biểu hiện SXH đến khám, chủ yếu bệnh nhân ở Hà Nội. Do áp lực quá tải, BV chỉ có thể tiếp nhận vài chục bệnh nhân trong số đó vào điều trị nội trú. Đó là những trường hợp có dấu hiệu cảnh báo nguy cơ biến chứng và đều ở ngày thứ ba trở đi kể từ khi bị SXH. Những bệnh nhân còn lại được phân tuyến về các BV của Hà Nội như: Đống Đa, Xanh Pôn, Thanh Nhàn… hoặc được chỉ định điều trị ngoại trú.
GS, TS Mai Hồng Bàng, Giám đốc BV T.Ư Quân đội 108 cho biết, để chung sức cùng cả nước phòng chống dịch, BV đã triển khai mọi biện pháp như tổ chức vệ sinh ngoại cảnh, phun thuốc diệt muỗi, tập huấn về SXH cho tất cả các bác sĩ, triển khai thu dung bệnh nhân, bổ sung giường bệnh, kê thêm giường gấp để hạn chế tối đa nằm ghép. Khu điều trị dã chiến thành lập tại khoa khám bệnh đa khoa C1.1 bắt đầu hoạt động từ ngày 12-8-2017 với 40 giường bệnh. Trung bình mỗi ngày khu dã chiến tiếp nhận, điều trị cho 200 bệnh nhân ở Hà Nội, bệnh nhân truyền dịch xong về nhà hôm sau đến điều trị tiếp.
Cũng nhằm đáp ứng nhu cầu chữa bệnh cấp thiết, trước đó tại nơi được coi là điểm nóng - BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, lần đầu phải biến hội trường thành phòng điều trị với 20 giường bệnh. Chỉ sau một ngày tận dụng hội trường BV để làm nơi điều trị, Trung tâm điều trị ban ngày đã đông kín bệnh nhân. Những ngày qua số lượng bệnh nhân đến khám tại BV này vẫn dồn dập liên tục. Với chưa đầy 300 bác sĩ và điều dưỡng, nhưng BV thường xuyên tiếp nhận 800 - 1.000 lượt bệnh nhân đến khám mỗi ngày, chưa kể số bệnh nhân điều trị nội trú liên tục gia tăng. Trước tình hình đó, PGS, TS Nguyễn Văn Kính, Giám đốc BV phải đề nghị sự hỗ trợ từ phía Bộ Y tế. Bộ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Kim Tiến yêu cầu làm đề xuất để tạo điều kiện cho BV được tuyển nhân lực hợp đồng trong lúc SXH đang trong giai đoạn nóng bỏng như hiện nay.
Theo dõi bệnh trước khi đến khám
Cả nước hiện có trên 80.550 người mắc, riêng Hà Nội đã có 16.000 người mắc, trong đó có bảy người chết. Theo ông Hoàng Đức Hạnh, Phó Giám đốc Sở Y tế TP Hà Nội, ngoài BV Bệnh nhiệt đới T.Ư, Hà Nội đang tổ chức hàng chục điểm tiếp nhận người bệnh, ước tính mỗi ngày thành phố có thêm trên 1.000 người mắc SXH mới.
Theo các chuyên gia y tế, dịch bệnh SXH vẫn chưa có dấu hiệu dừng lại, khiến hầu hết các BV chuyên khoa truyền nhiễm trên địa bàn TP Hà Nội rơi vào tình trạng quá tải trầm trọng. Các bác sĩ phải sàng lọc, trường hợp nào có dấu hiệu cảnh báo mới cho nhập viện. Chính vì vậy, trong ba ngày đầu tiên bị sốt, bệnh nhân hãy bình tĩnh ở nhà nghỉ ngơi, hạ sốt. Từ ngày thứ tư cần đến BV tái khám theo lịch hẹn của bác sĩ. Theo TS Nguyễn Đăng Mạnh, Viện trưởng Viện Lâm sàng các bệnh truyền nhiễm, vấn đề cốt lõi của căn bệnh này là hạ sốt và bù dịch. SXH trong ba ngày đầu có phản ứng sốt cao, như sốt vi-rút thông thường khác và thường chưa có biến chứng nên điều trị tại nhà bằng cách nghỉ ngơi tuyệt đối trong môi trường thoáng mát (có điều hòa nhiệt độ là lý tưởng), uống nước có pha bột điện giải oresol theo chỉ dẫn… Khi sốt, nhiệt độ cơ thể tăng lên, phải tìm mọi cách để làm cho cơ thể tỏa nhiệt ra bằng cách uống thuốc paracetamol hạ sốt. Trong ngày thứ tư đến ngày thứ bảy, người nhà đặc biệt chú ý, khi bệnh nhân có dấu hiệu bất thường như mệt lả, vã mồ hôi, chân tay lạnh, đau bụng, nôn, khó thở, chảy máu cam hoặc chân răng… cần đến ngay cơ sở y tế để chữa trị ngăn ngừa biến chứng.
PGS, TS Lương Ngọc Khuê, Cục trưởng Khám chữa bệnh, Bộ Y tế khuyến cáo, trong mùa dịch như hiện nay, khi bỗng nhiên sốt cao 39 - 40 độ C, người dân cần phải chú ý đi khám, theo dõi tại nhà để kịp thời được phát hiện nguy cơ SXH, các dấu hiệu cảnh báo nguy hiểm. Dự phòng dịch bệnh luôn là bước đi quan trọng hàng đầu để phòng chống dịch. Người dân cần chủ động tìm mọi cách để diệt muỗi, loăng quăng, sử dụng các biện pháp phòng chống dịch theo đúng chỉ dẫn của Bộ Y tế.
Bài và ảnh: NAM KHÁNH - MINH PHÚ
Theo nhandan.com.vn