Cập nhật: 07/09/2017 14:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thời đại công nghệ thông tin bùng nổ, các trang mạng xã hội ra đời và phát triển như vũ bão với rất nhiều tiện ích và thú vị, hấp dẫn, lôi cuốn người sử dụng, nhất là giới trẻ. Một số thống kê cho thấy tại Việt Nam có tới 35 triệu người có tài khoản facebook, trong đó hơn 20 triệu người truy cập vào mạng xã hội facebook hằng ngày. Đáng lo ngại, đã có nhiều người thành nghiện, mỗi ngày dành rất nhiều thời gian để lướt mạng xã hội.

Theo các bác sĩ Viện Sức khỏe tâm thần (Bệnh viện Bạch Mai), đến nay, chưa tiếp nhận người bệnh nhập viện vì nghiện mạng xã hội riêng lẻ, trên thế giới cũng chưa có mã bệnh chính thống về chứng nghiện mạng xã hội, nhưng đã có nhiều người phải vào bệnh viện điều trị các bệnh trầm cảm, phân liệt, ảo giác… có yếu tố do thường xuyên sử dụng mạng xã hội. Có cháu bé mới hơn mười tuổi được bố, mẹ đưa đến khám do hay bị co giật sau khi bị tịch thu điện thoại (thời gian sử dụng điện thoại thường xuyên lên đến hơn mười giờ mỗi ngày). Bác sĩ kê đơn cho sử dụng thuốc loạn thần, tình trạng ảo giác của bệnh nhi hết, thời gian sử dụng điện thoại vào mạng xã hội cũng giảm và không thấy hiện tượng co giật.

Một sinh viên đại học bị đuổi học, về quê có những hiện tượng lạ, cứ chiều chiều sang ngôi nhà bỏ hoang ngồi một mình lặng lẽ hàng giờ đồng hồ. Vì sợ con bị trầm cảm, gia đình đưa đến bệnh viện, qua khai thác tiền sử của người bệnh, bác sĩ được biết anh này sử dụng máy tính từ rất sớm, khi lên đại học, ngoài máy tính cá nhân còn có điện thoại thông minh, thế là tối ngày vào mạng chơi game, vào facebook, lướt mạng… Kết quả test chẩn đoán cho thấy người bệnh bị trầm cảm mức độ nhẹ, là trầm cảm thứ phát do nghiện mạng xã hội. Bên cạnh phác đồ điều trị bệnh trầm cảm, các bác sĩ tư vấn gia đình tạo việc làm để người bệnh không có thời gian nhàn rỗi.

Khác với chứng nghiện game thường rơi vào lứa tuổi trẻ, nghiện mạng xã hội có thể rơi vào bất cứ đối tượng nào không phân biệt nam - nữ, già - trẻ. Nhiều người luôn muốn sử dụng mạng xã hội với thời gian, mức độ ngày càng nhiều. Họ gặp khó khăn trong kiểm soát thời gian sử dụng mạng xã hội, ảnh hưởng các hoạt động công việc, học tập, trong việc duy trì mối quan hệ với gia đình, bạn bè ngoài đời thật… Người nghiện mạng xã hội dễ mất ngủ, bị trầm cảm, không quan tâm cuộc sống thực tại, chỉ quan tâm thế giới ảo, rối loạn ăn uống, giấc ngủ…

Các bác sĩ cho biết, đến nay chưa có loại thuốc nào chữa nghiện mạng xã hội, mà chỉ dùng các can thiệp về tâm lý để người bệnh hạn chế dần, ngừng sử dụng mạng xã hội. Nếu sử dụng, người bệnh phải có kế hoạch, thời gian làm việc, học tập, vui chơi hợp lý, để không có thời gian rảnh rỗi tham gia thế giới ảo.

 

Theo TRUNG HIẾU/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm