Cập nhật: 14/09/2017 15:25:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Bộ Y tế đang dự thảo Thông tư hướng dẫn phòng và xử trí phản vệ. Trong đó, Bộ nêu rõ hướng dẫn chẩn đoán, xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ.

Ảnh minh họa

Theo dự thảo, phản vệ là một phản ứng dị ứng có thể xuất hiện ngay lập tức từ vài giây, vài phút đến vài giờ, xảy ra ngay sau khi cơ thể tiếp xúc với dị nguyên, gây ra nhiều bệnh cảnh lâm sàng khác nhau có thể nghiêm trọng dẫn đến tử vong nhanh chóng. Nghi ngờ phản vệ khi xuất hiện ít nhất một trong các triệu chứng sau (có hoặc không tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ): Mày đay, phù mạch nhanh; khó thở, tức ngực, thở rít; đau bụng hoặc nôn; tụt huyết áp hoặc ngất.

Với các triệu chứng về da, niêm mạc, hô hấp, tuần hoàn... được mô tả trên, phản vệ có thể diễn biến theo một trong ba bệnh cảnh lâm sàng sau:

1- Các triệu chứng xuất hiện cấp tính (trong vài giây đến vài giờ) ở da, niêm mạc và ít nhất 1 trong 2 triệu chứng sau: Các triệu chứng hô hấp (khó thở, thở rít, ran rít); tụt huyết áp hay các hậu quả của tụt huyết áp như rối loạn ý thức, đại tiểu tiện không tự chủ.

2- Ít nhất 2 trong 4 triệu chứng sau xuất hiện trong vài giây - vài giờ sau khi người bệnh tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ: Biểu hiện ở da, niêm mạc: mày đay, phù mạch, ngứa; các triệu chứng hô hấp; tụt huyết áp hoặc các hậu quả của tụt huyết áp; các triệu chứng tiêu hóa (nôn, đau bụng ...)

3- Tụt huyết áp xuất hiện vài giây đến vài giờ sau khi tiếp xúc với yếu tố nghi ngờ mà người bệnh đã từng bị dị ứng: Trẻ em: giảm ít nhất 30% huyết áp tâm thu hoặc tụt huyết áp tâm thu so với tuổi (huyết áp tâm thu < 70mmHg); người lớn: Huyết áp tâm thu < 90 mmHg hoặc giảm 30% giá trị huyết áp tâm thu.

Xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ

Theo dự thảo, Adrenalin là thuốc duy nhất cứu sống người bệnh bị phản vệ và phải được xử trí đầu tiên trong phản vệ từ độ II trở lên. Nhân viên y tế (bác sĩ, điều dưỡng, nữ hộ sinh, kỹ thuật viên,...) được phép xử trí ban đầu cấp cứu phản vệ.

Khi có phản vệ đồng thời xử trí như sau: Ngừng ngay tiếp xúc với thuốc hoặc dị nguyên nếu có thể; cho bệnh nhân nằm tại chỗ, đầu thấp chân cao, nằm nghiêng trái nếu có nôn.

Bên cạnh đó, khẩn trương đánh giá tình trạng hô hấp, tuần hoàn, ý thức và các biểu hiện ở da, niêm mạc của người bệnh. Tiến hành ép tim, bóp bóng nếu có ngừng hô hấp, tuần hoàn. Trong trường hợp phù nề nặng đường hô hấp trên (khó thở thanh quản), nếu đặt nội khí quản khó khăn cần mở khí quản cấp cứu ngay (nếu có thể).

Adrenalin là thuốc thiết yếu nhất trong điều trị cấp cứu phản vệ. Liều adrenalin khởi đầu: 0,01mg/kg tương đương 0,01ml/kg dung dịch adrenalin 1/1.000 (pha loãng 1/10), tiêm bắp (ưu tiên ở mặt trước bên đùi) ngay khi phản vệ được chẩn đoán. Trong trường hợp xử trí tối cấp có thể sử dụng liều adrenalin tiêm bắp như trong phụ lục 1 (1/2 ống ở người lớn và 1/3 ống ở trẻ em). Tiêm nhắc lại adrenalin liều như trên 3-5 phút/lần cho đến khi huyết động ổn định, theo dõi huyết áp 5 phút/lần.

Cho bệnh nhân thở oxy 6-8l/phút (nếu có thể). Thiết lập đường truyền tĩnh mạch: tốt nhất nên dùng catheter ngoại vi hoặc kim tiêm cỡ 14 hoặc 16. Xin ý kiến tư vấn chuyên khoa cấp cứu, hồi sức hoặc chuyên khoa dị ứng (nếu có thể).

Mời bạn đọc xem toàn văn dự thảo và góp ý tại đây.

 

Theo Tuệ Văn/ Chinhphu.vn

Tệp đính kèm