Theo các chuyên gia y tế, người bị nhiễm vi khuẩn HP có nguy cơ mắc ung thư dạ dày, đại tràng… cao hơn những người khác. Tuy nhiên, việc bị nhiễm vi khuẩn HP hoàn toàn có thể chữa khỏi nếu sử dụng kháng sinh hợp lý theo chỉ định của bác sĩ.
Tại hội nghị quốc tế “Tiêu hóa - gan mật” tổ chức tại BV Bạch Mai ngày 16/9, ông Vũ Trường Khanh, Trưởng Khoa Tiêu hóa, BV Bạch Mai cho biết, theo một nghiên cứu về tỷ lệ nhiễm vi khuẩn HP tại Việt Nam, ở Hà Nội cứ 1.000 người dân thì có khoảng 700 trường hợp có thể nhiễm vi khuẩn HP, ở TP HCM, khoảng 90% số người bị viêm dạ dày có vi khuẩn HP.
GS.Goto Hedemi, Trưởng Khoa Tiêu hóa-Gan mật, BV Đại học Nagoya (Nhật Bản) chia sẻ, bệnh nhân nhiễm vi khuẩn HP thì nguy cơ mắc ung thư đại tràng, ung thư dạ dày hoặc các bộ phận tiêu hóa khác cao hơn người bình thường.
Ở Nhật Bản, một trong những nguyên nhân là do thói quen sử dụng thức ăn nhiều muối nên nhiều ca bệnh bị viêm loét dạ dày, sau đó tiến triển ung thư dạ dày. Trong khi đó ở châu Âu và nước Mỹ, người dân chủ yếu sử dụng thực phẩm là thịt nên số ca mắc ung thư đại tràng nhiều hơn.
Vi khuẩn HP lây qua đường ăn uống nên dẫn đến tình trạng nhiều người trong gia đình có thể bị nhiễm và có thể mắc đi mắc lại nhiều lần. Tuy nhiên, bệnh này hoàn toàn có thể chữa khỏi thông qua sử dụng kháng sinh, nhưng phải tuân thủ chỉ định sử dụng kháng sinh của bác sĩ, để loại bỏ vi khuẩn HP, từ đó làm giảm nguy cơ xuất huyết tiêu hóa, thủng dạ dày hoặc mắc ung thư hệ tiêu hóa.
Tuy nhiên, hiện nay, việc lạm dụng kháng sinh ở nước ta đang phổ biến. Tình trạng này do nhiều nguyên nhân, trong đó có nguyên nhân từ phía người bệnh không tuân thủ chỉ định, liều lượng, thời gian uống thuốc… nên dẫn đến tình trạng kháng kháng sinh. Từ đó khiến việc chữa trị trở nên khó khăn và mất nhiều thời gian hơn.
“Ở nước ta do tỷ lệ kháng kháng sinh rất cao, có loại kháng kháng sinh đến 80-90%, kể cả trẻ em. Vì vậy, việc sử dụng kháng sinh loại bỏ vi khuẩn HP ở Việt Nam không cao. Nhiều loại thuốc điều trị vi khuẩn HP tại Nhật Bản phát huy tác dụng trên 80% đến 90% số trường hợp thì ở Việt Nam tỷ lệ thành công chỉ dưới 80%, thậm chí có những loại thuốc, tỷ lệ thành công trong điều trị chỉ còn 50%”, BS. Vũ Trường Khanh chia sẻ.
Bên cạnh đó, nếu thường xuyên sử dụng thức ăn mặn, thực phẩm lên men, muối chua, thịt hun khói… khi trong trường hợp nhiễm vi khuẩn HP cũng sẽ dễ phát sinh ung thư hơn. Do vậy, chế độ ăn cho người bị nhiễm HP cần tránh đồ chua cay, tránh ăn mặn, nên dùng củ nghệ vì có tính chất bảo vệ chống ung thư, làm lành những tổn thương trong viêm loét bao tử.
Theo Thúy Hà/Chinhphu.vn