Bồ công anh tên khác hoàng hoa địa đinh, cây mũi mác. Lá bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào các kinh...
Hoa bồ công anh.
Bồ công anh tên khác hoàng hoa địa đinh, cây mũi mác. Lá bồ công anh có vị ngọt, đắng, tính hàn, vào các kinh: tỳ, vị, thận, đại tràng, tiểu tràng, bàng quang, can đởm. Có tác dụng: thanh nhiệt, giải độc, trị chứng ủng tắc, tán nhiệt kết, tiêu viêm, điều trị các chứng bệnh như: phụ nữ sưng vú đau, ung nhọt vú, đau ngực do can khí uất, các đinh độc ngoài da. Chứng nhiệt lâm sáp thống (viêm đường tiết niệu do bàng quang nhiệt). Chứng đởm khí uất (viêm tắc túi mật không do sỏi), chứng loa lịch (quai bị), viêm họng, chứng mục xích (đau mắt đỏ), chứng phế ung (áp-xe phổi) chứng viêm loét hang vị dạ dày... Liều dùng: ngày uống 8-30g lá khô. Dùng lá tươi giã nhỏ đắp ngoài trị một số bệnh ngoài da như ung nhọt ở vú của phụ nữ khi mới phát, hậu bối mới phát... Thuốc đã phơi khô để vào thùng hoặc lọ, hộp đậy kín tránh mốc mọt, thời gian sử dụng trong 3 tháng, quá thời hạn trên dùng kém tác dụng. Khi dùng để chữa bệnh phải phối hợp với các vị thuốc khác mới có tác dụng.
Trị viêm phổi: bồ công anh 30g, bại tướng thảo 40g, hoàng cầm 12g, tiền hồ 12g. Sắc uống ngày một thang.
Chữa phụ nữ vú sưng đau: bồ công anh 120g, sài đất 80g, thông thảo 12g, quả chộp phơi khô (vương bất lưu hành) 30g, gai bồ kết 20g. Sắc uống.
Trị viêm hang vị dạ dày: bồ công anh 30g, hoàng cầm 8g, bạch thược 12g, uất kim 12g, cam thảo 6g. Sắc uống.
Chú ý: Bệnh nhân không mắc chứng khí trệ, không sưng nóng thì không được dùng bồ công anh. Người cơ thể gầy còm, già yếu tân dịch kém, trẻ em dưới 6 tuổi khi dùng phải cân nhắc liều lượng.
Kiêng kỵ: Khi đang dùng bồ công anh để chữa bệnh: không ăn rau muống, đỗ xanh, cay, rượu, bia làm mất tác dụng của thuốc hoặc phản tác dụng.
TTND.BS. Nguyễn Xuân Hướng
Theo suckhoedoisong.vn