Ông Đặng Quang Tấn, Phó Cục trưởng Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế) cho biết, bệnh dại ở Việt Nam có chiều hướng tăng cao trở lại, với số ca tử vong năm sau cao hơn năm trước. Nếu như năm 2016 cả nước có 91 ca tử vong do bệnh dại (tăng 17% so với năm 2015 và tăng 38% so với năm 2014) thì riêng chín tháng năm 2017 đã có 57 ca tử vong do bệnh dại.
Đây là thông tin được ông Đặng Quang Tấn chia sẻ trong buổi lễ hưởng ứng Ngày Thế giới phòng chống bệnh dại (28-9) với chủ đề “Không còn người chết vì bệnh dại từ năm 2030”. Việc gia tăng những ca mắc bệnh dại ở Việt Nam năm qua dẫn tới nhiều ca tử vong chủ yếu do công tác phòng chống dịch bệnh chưa hiệu quả, tỷ lệ tiêm vắc-xin phòng dại trên người và động vật còn thấp. Tại Việt Nam, tỷ lệ tử vong vì bệnh dại tập trung ở một số tỉnh, thành phố khu vực miền núi phía bắc và Bắc Trung Bộ.
Hiện nay, cả nước có hơn 7,7 triệu con chó nuôi và hơn 3,8 triệu hộ nuôi chó. Tuy nhiên, số chó được tiêm phòng vắc-xin dại chỉ đạt hơn 2,9 triệu con, chiếm tỷ lệ 41% tổng đàn. Tình trạng chó thả rông vẫn còn diễn ra phổ biến ở nhiều địa phương.
Các chuyên gia của Viện Vệ sinh dịch tễ T.Ư cảnh báo, qua theo dõi bệnh dại trong nhiều năm, điểm đáng lưu ý là 15 - 20% ca bệnh tử vong do nạn nhân tự ý điều trị bằng thuốc nam, chỉ đến khi phát bệnh mới đưa đến cơ sở y tế nên không thể cứu chữa. Vì thế, người dân không được chủ quan khi bị chó, mèo cắn hoặc có vết xước, rách da khi chơi đùa, tiếp xúc với các loài động vật này.
Tại Bệnh viện Nhiệt đới Trung ương, mỗi năm, bệnh viện ghi nhận khoảng hơn 10 ca bị chó dại cắn, nhưng không tiêm dự phòng vắc xin mà lại tìm thầy lang để điều trị và được tư vấn là không phải bị dại. Những ca bệnh này khi đến bệnh viện thì đã lên cơn dại và không thể cứu chữa.
ThS.BS. Nguyễn Trung Cấp, Trưởng Khoa Cấp cứu cho biết, số ca bệnh dại nhập viện ghi nhận ở nhiều tỉnh, thành phố trên cả nước, trong đó thường gặp trong những năm gần đây là ở Thái Nguyên, Hòa Bình, Hưng Yên, Thái Bình…
Thời gian tới, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với Bộ Y tế tiếp tục triển khai tốt hơn các giải pháp đã được đưa ra trong Chương trình quốc gia phòng chống bệnh dại giai đoạn 2017-2021.
Để phòng chống bệnh dại, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế khuyến cáo người dân cần thực hiện các biện pháp:
- Các gia đình cần tiêm phòng đầy đủ cho chó, mèo nuôi và tiêm nhắc lại hằng năm theo khuyến cáo của ngành thú y. Không thả rông chó, mèo; chó ra đường phải được đeo rọ mõm.
- Không đùa nghịch, trêu chọc chó, mèo.
- Nếu không may bị chó cắn, mèo cắn cần rửa vết thương dưới vòi nước chảy ngay lập tức với xà phòng liên tục 15 phút. Nếu không có xà phòng có thể xối rửa vết thương bằng nước thông thường. Đây là phương pháp sơ cứu hiệu quả nhất để chống lại bệnh dại.
- Sau đó cần rửa sạch vết thương với cồn 70%, cồn iốt hoặc povidone-iodine (nếu có); Hạn chế làm dập vết thương và không băng kín vết thương.
- Người bị chó cắn tuyệt đối không tự chữa hoặc nhờ thầy lang khám chữa và cần đến ngay Trung tâm y tế gần nhất để được tư vấn và tiêm phòng dại kịp thời. Chỉ có tiêm phòng mới ngăn ngừa không bị bệnh dại.
Trong thời gian tiêm phòng vẫn tiếp tục theo dõi con chó đã cắn mình. Nếu sau 10 ngày con chó vẫn bình thường, không phải chó dại thì có thể dừng tiêm. Không nên chờ đợi theo dõi chó ốm như nhiều người quan niệm, bởi nhiều con chó 2 - 3 tuần sau mới phát bệnh, lúc này người bị chó cắn mới vội đi tiêm thì đã muộn.
Theo THIÊN LAM/ nhandan.com.vn