Bão số 12 lịch sử đã qua, nhiều tỉnh bị thiệt hại nặng nề, ngành du lịch cũng chịu chung số phận. Trong khi chính quyền các cấp đang gấp rút khắc phục hậu quả của cơn bão thì ngành du lịch cũng đang gấp rút để đón khách trở lại.
Biển Nha Trang vẫn đang còn rác nhiều sau bão
Thiệt hại lớn
Hầu hết sau cơn bão, các bãi biển, khu du lịch, khu nghỉ dưỡng đều tan hoang, ngập tràn rác thải. Không khó để nhận ra nhiều ánh mắt không thiện cảm của du khách khi các bãi biển ngập rác thải sau bão. Bà Nguyễn Thị Lệ Thanh, Phó giám đốc Sở Du lịch Khánh Hòa thừa nhận, một bãi biển ngập rác sẽ rất phản cảm. Nhiều du khách sẽ e ngại khi muốn tắm biển, hoặc ra biển dạo chơi, ngắm cảnh. “Nha Trang cũng ngập rác, nhưng hơn nhiều nơi khác ở chỗ, ngay sau bão, cơ quan chức năng ưu tiên làm sạch bãi biển trước. Vì vậy cảnh tan hoang, xơ xác cũng giảm phần nào”, bà Thanh nói. Trong khi đó, bãi biển Quy Nhơn (Bình Định), theo ghi nhận sau 6 ngày cơn bão đi qua, rác thải vẫn còn rất nhiều. “Rác nhiều quá, dọn không xuể. Bình thường nhìn rất đẹp, nhưng nay rác, mà chủ yếu là rác sinh hoạt tràn ngập, rất xấu xí và cảm giác sợ sợ”, anh Nguyễn Minh Thu (trú Quảng Ngãi) nhận xét về bãi biển Quy Nhơn.
Ngoài ra, theo khảo sát của phóng viên, ngoài hai tỉnh Khánh Hòa và Phú Yên chịu ảnh hưởng trực tiếp của cơn bão số 12, các tỉnh như Lâm Đồng, Bình Định, Đắk Lắk, Đắk Nông cũng chịu thiệt hại nặng về du lịch. Trao đổi nhanh với phóng viên, bà Nguyễn Thị Nguyên, Giám đốc Sở VHTTDL Lâm Đồng cho biết, ảnh hưởng của bão đối với tỉnh này thiệt hại rất nặng về du lịch. “Hầu hết các nhà vườn đều hư hỏng, có nhà sập hoàn toàn. Các điểm du lịch sinh thái nhiều nơi vẫn còn đóng cửa đến nay chưa hoạt động lại vì hư hại quá nhiều. Việc hư hại cơ sở vật chất, kéo theo việc các công ty du lịch phải huỷ tour, bỏ chuyến, vì khách có đến cũng không còn chỗ tham quan nữa”, bà Nguyên thông tin. Còn bà Nguyễn Thị Lệ Thanh cũng thừa nhận, mặc dù đã có phương án rất kỹ về bảo vệ sơ sở vật chất, nhưng thực tế thiệt hại vẫn quá lớn cho các doanh nghiệp. Trong đó, nặng nhất vẫn là các khu du lịch sinh thái, công ty lữ hành quốc tế.
Giúp nhau gượng dậy
Ngay sau cơn bão đi qua, Sở Du lịch Khánh Hòa đã tiến hành khảo sát các địa điểm bị hư hại nặng, đồng thời lên kế hoạch “hâm nóng” lại thị trường du lịch của tỉnh. “Trước mắt, Sở sẽ tạo điều kiện cho các đơn vị kinh doanh du lịch được mở cửa, mặc dù về điều kiện cơ sở vật chất chưa đảm bảo vì hư hại quá nhiều sau bão. Ngoài ra, Sở làm việc với các ngành chức năng liên quan để nối lại các chuyến bay đi và đến Khánh Hòa”, bà Nguyễn Thị Lệ Thanh nói.
Anh Cù Anh Tuấn, Giám đốc điều hành Khu du lịch sinh thái Nhân Tâm (huyện Diên Khánh, Khánh Hòa) cho biết, gần như cơ sở vật chất và các công trình phục vụ du khách hư hỏng hoàn toàn. Tuy nhiên, nhờ sự giúp đỡ của các bạn làm ăn, những người trong câu lạc bộ doanh nghiệp trẻ Khánh Hòa, chỉ sau năm ngày tích cực khắc phục, tạm thời khu du lịch của anh có thể đón khách trở lại.
Còn ông Trương Văn Thọ, Giám đốc Công ty Vietnamtourism Charter JSC - Chi nhánh Nha Trang cho biết, vì bão số 12 mà công ty phải hủy rất nhiều chuyến bay. “Hủy chuyến khiến công việc làm ăn không thuận lợi, đó là chưa kể một vài đơn vị còn đòi bồi thường vì mình hủy tour. Ngay sau bão, công ty đã liên hệ ngay với đối tác và nối lại tour, tuyến. Đến hôm nay các chuyến bay đã trở lại, nhưng thiệt hại vẫn lớn”, ông Thọ nói và cho rằng, việc đòi bồi thường của khách cũng chỉ số ít, vì sau khi giải thích nguyên nhân vì bão họ cũng thông cảm. Ông Trần Minh Đức, Phó giám đốc Công ty cổ phần du lịch Long Phú khẳng định, tuy bị thiệt hại lớn nhưng công ty đã cố gắng khắc phục nhanh nhất có thể, đến nay du lịch Long Phú đã mở cửa đón khách. “Đã có các đoàn khách liên hệ và ký hợp đồng tham quan, chúng tôi đang tiếp tục kết nối với các tour du lịch đảo, trong những ngày tới lượng khách sẽ tăng”, ông Đức cho biết.
Theo Lê Xuân-X.Hướng/baovanhoa.vn