Khi miễn học phí THCS, có trường kiến nghị cần hỗ trợ bù vào phần trăm tiền học phí mà không thu được để đảm bảo các hoạt động trong nhà trường.
Với 30 điều bổ sung, Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục khiến dư luận quan tâm vì có nhiều điểm mới, tác động trực tiếp đến đời sống và chất lượng đội ngũ giáo viên.
Vấn đề tăng thu nhập, nâng chuẩn giáo viên trong dự thảo được đại diện nhiều trường và các thầy cô nhắc đến với tâm lý phấn khởi.
Nhiều người mong rằng, những thay đổi này sẽ sớm được áp dụng để tạo nên các bước chuyển biến đột phá cho giáo dục phổ thông trong thời gian tới.
Trong Dự thảo Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục hiện hành mà Bộ GD-ĐT đang lấy ý kiến đóng góp rộng rãi, nội dung đề xuất tăng mức lương cho giáo viên thu hút sự quan tâm nhiều nhất.
Giáo viên phấn khởi trước thông tin có thể được nâng lương
Nâng lương, nâng chuẩn giáo viên là tín hiệu vui
Từ lâu nay, câu hỏi “Làm sao giáo viên sống được nhờ lương?” luôn được đặt ra tại nhiều buổi làm việc từ cấp cơ sở đến Trung ương và chưa tìm ra lời giải.
Nếu thay đổi này trong dự thảo được thông qua, đồng nghĩa với việc lương của nhà giáo sẽ được xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp.
Nhà giáo còn được hưởng phụ cấp ưu đãi nghề nghiệp, phụ cấp thâm niên và các phụ cấp khác theo quy định của Chính phủ. Như vậy, nhiều giáo viên sẽ sống được bằng thu nhập chính thức của mình.
Theo ông Bùi Văn Hòa, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Thăng Long, huyện Thống Nhất, tỉnh Đồng Nai, nội dung sửa đổi này tạo tâm lý phấn khởi cho tất cả những ai đang công tác trong ngành giáo dục.
“Tiền lương của giáo viên nếu tăng lên được như vậy thì chúng ta sẽ thu hút được các em theo nghề giáo. Bên cạnh đó, chúng ta sẽ tạo được điều kiện cho giáo viên, cán bộ quản lý tại các cơ sở giáo dục an tâm hơn trong việc đầu tư giảng dạy”, ông Bùi Văn Hòa nói.
Cùng với việc nâng lương, chuẩn giáo viên, cụ thể là giáo viên tiểu học cũng được đề xuất nâng để phù hợp với yêu cầu giảng dạy trong tình hình mới.
Nếu như hiện tại, chuẩn giáo viên tiểu học là tốt nghiệp trung cấp sư phạm trở lên thì trong dự thảo lần này, mức tối thiểu về bằng cấp là cao đẳng sư phạm.
Theo đại diện Sở GD-ĐT nhiều địa phương, đây là bước tiến cho giáo dục Việt Nam trong giai đoạn mới.
Tuy nhiên, với những ý kiến đề xuất nâng chuẩn giáo viên tiểu học lên đại học sư phạm thay vì cao đẳng, ông Tạ Ngọc Trí, Phó Vụ trưởng Vụ Tiểu học, Bộ GD-ĐT cho rằng, đây là chủ trương tốt nhưng chưa triển khai ngay được vì hiện nay trên cả nước, tỷ lệ giáo viên tiểu học đạt trình độ tốt nghiệp đại học trở lên chỉ chiếm 42%.
Bộ GD-ĐT cho biết, nếu nội dung này được thông qua, Bộ sẽ phối hợp cùng các đơn vị liên quan xây dựng lộ trình và các chương trình đào tạo, bồi dưỡng cụ thể nhằm giúp từng nhóm đối tượng giáo viên có điều kiện tốt nhất để phấn đấu hoàn thành việc nâng chuẩn đúng thời hạn.
Ông Tạ Ngọc Trí cho hay: “Với những giáo viên chỉ còn thời gian công tác từ 1 đến 5 năm, Bộ GD-ĐT sẽ căn cứ vào chuẩn nghề nghiệp giáo viên chuẩn bị công bố tới đây để xây dựng những chương trình bồi dưỡng giúp nâng cao năng lực cho đội ngũ này. Làm sao để đội ngũ thầy cô có số năm công tác không lâu nữa có thể kịp thời đáp ứng yêu cầu giảng dạy trong thời gian tới”.
Lấy tiền đâu đảm bảo hoạt động trong trường?
Vấn đề miễn học phí cho học sinh bậc trung học cơ sở cũng được đại diện nhiều trường đánh giá cao.
Theo các trường, chủ trương này sẽ giúp ban giám hiệu, đặc biệt là giáo viên chủ nhiệm các lớp giảm tải lượng lớn công việc, tập trung vào chuyên môn tốt hơn.
Từ trước đến nay, việc thu học phí sao cho đạt chỉ tiêu luôn khiến các trường cảm thấy nặng nề, nhất là các trường ở các địa phương khó khăn. Nếu ngưng thu học phí, tình trạng này sẽ không còn nữa.
Thế nhưng, các trường cũng mong được làm rõ về việc họ sẽ lấy khoản thu nào bù vào khoản học phí này trong thời gian tới.
Ông Võ Văn Nhân, Hiệu trưởng trường Trung học cơ sở Phan Bội Châu, huyện Châu Đức, tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu nói: “Hàng năm, các trường có được nguồn tiền tương ứng 60% tiền thu học phí để chi dùng cho các hoạt động, đặc biệt là các hoạt động chuyên môn. Khi các trường không thu học phí nữa, nguồn tiền này sẽ hụt đi. Do đó, chúng tôi kiến nghị nhà nước và các cơ quan chức năng có chính sách hỗ trợ cho các trường trung học cơ sở bù vào phần trăm tiền học phí mà chúng tôi không thu được để đảm bảo các hoạt động trong nhà trường”.
Trên cơ sở ý kiến đóng góp của các Bộ, ngành, ý kiến tại các cuộc hội thảo trên phạm vi cả nước, ý kiến của dư luận thông qua cổng thông tin điện tử của Chính phủ và của Bộ GD-ĐT, Bộ sẽ tiếp thu, chỉnh sửa, hoàn thiện trước khi trình Chính phủ phê duyệt dự thảo Luật Giáo dục sửa đổi vào tháng 1/2018./.
Theo Mỹ Dung/VOV.VN