Nhắc đến tranh dân gian, theo lẽ thường, người ta sẽ nghĩ ngay đến vùng Kinh Bắc nức tiếng với dòng tranh dân gian Đông Hồ.
Nét vẽ và bố cục tranh làng Sình còn thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn.
Nhưng trên dải đất hình chữ S còn rất nhiều địa danh đang mang trong mình sứ mệnh gìn giữ nét văn hóa truyền thống, trong đó phải kể đến tranh làng Sình. Cùng với dòng chảy của lịch sử, những bức tranh dân gian làng Sình vẫn luôn là một phần trong văn hóa thờ cúng của người dân Huế.
Nét riêng của tranh làng Sình
Tranh làng Sình (xã Phú Mậu, huyện Phú Vang, Thừa Thiên - Huế) thuộc về dòng tranh thờ. Nó đã trở thành nhu cầu của đời sống văn hóa, là thành tố của mỹ thuật cổ truyền và hợp thành văn hóa truyền thống xứ Huế.
Lâu nay, tranh làng Sình chia làm 3 thể loại chính là tranh nhân vật, tranh đồ vật và tranh con vật. Tranh nhân vật thường là tranh thế mạng hoặc các tranh trang ông, trang bà, trang bếp, đó là những vị thần bổn mạng bảo trợ cho gia chủ. Tranh đồ vật là tranh in hình các loại áo quần, khí dụng như cung tên hoặc các loại tế phẩm như áo ông, áo bà, áo binh có in hoa văn trang trí. Tranh con vật là những bức in hình 12 con giáp cúng cho tuổi của mỗi gia chủ để cầu cho vật nuôi tránh được dịch bệnh hoặc cầu mong cho chúng không giáng họa cho con người. Các nhà nghiên cứu văn hóa nhận định, tranh làng Sình đã mang lại “những đặc trưng tiêu biểu cho loại hình hội họa dân gian của một vùng đất”.Nét vẽ và bố cục tranh làng Sình còn thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn.
Khi nghiên cứu về tranh làng Sình, nhiều nhà nghiêu cứu cho rằng gam màu sử dụng trên tranh làng Sình gần giống với gam màu được sử dụng trên tranh pháp lam tại các kiến trúc kinh thành Huế: hòa sắc giữa vàng với chàm, đỏ với bích ngọc, xanh với hỏa hoàng, phí thủy với hổ phách. Bức tranh khi hoàn thành sẽ lấp lánh bởi vỏ điệp, nền nã bởi chất màu thô mộc, quyến rũ và quan trọng hơn cả là khi bức tranh đến tay người sử dụng đã ẩn chứa một cái gì đó thiêng liêng của cõi tâm linh.
Tranh làng Sình hoàn toàn làm thủ công. Để có một bức tranh phải trải qua đủ 7 công đoạn, từ xén giấy, quét điệp, in tranh trên mộc bản, phơi tranh, pha màu, tô màu, cuối cùng là điểm nhãn. Giấy dó được quét điệp cho dai, giữ màu. Vỏ điệp được nhập từ phá Tam Giang rồi người làm tranh phải tỉ mẩn ngồi giã, nghiền thật nhỏ, trộn với lớp bột gạo thành một lớp mịn quét đều lên giấy.
Chẳng riêng quét hồ điệp lên giấy, pha màu tự nhiên cũng đòi hỏi không ít công phu. Tranh làng Sình có đủ các màu xanh, đỏ, tím, vàng, cam, đen... đều được làm từ cây cỏ.
Mỗi bức tranh là một khuôn gỗ hoàn chỉnh, người làm tranh dùng mực màu đen phết lên bản mộc, rồi dùng giấy in thành một bức tranh thô. Đem phơi tranh cho khô mực, rồi tỉ mẩn dùng các loại màu tô lên tranh. Nét độc đáo ở tranh làng Sình là màu sắc, mỗi bức mang một nét riêng. Tông màu chính là xanh, đỏ, đen, vàng, tím. Bố cục màu được quy định chặt chẽ nhưng không hề đơn điệu bởi sắc màu tươi tắn cùng đường nét tự nhiên.
Tháo gỡ khó khăn
So sánh dòng tranh làng Sình với các dòng tranh dân gian khác sẽ thấy không lẫn vào đâu được. Nét vẽ và bố cục còn rất thô sơ, mộc mạc nhưng lại rất có hồn. Mới nhìn đã thấy bức tranh toát lên sự linh thiêng, uy nghiêm của tranh thờ cúng, không phải để thưởng ngoạn. Hiện nay, làng Sình có khoảng 30 hộ gia đình chuyên tâm làm nghề vẽ tranh kiếm sống. Nhưng vì thu nhập thấp, chỉ người già và phụ nữ làm. Trung bình mỗi ngày khá lắm cũng chỉ kiếm được khoảng 20.000 đồng/người nên lớp trẻ không ai muốn theo học nghề nữa.
Những năm gần đây, tranh làng Sình được nhìn nhận lại theo chiều hướng tích cực, đặc biệt là khi dòng tranh này được tôn vinh như một di sản văn hóa của dân tộc cần được gìn giữ, bảo tồn. Cùng với sự quan tâm của Nhà nước là sự phát triển của loại hình Du lịch văn hóa làng nghề đã tạo điều kiện hồi sinh cho tranh cổ làng Sình. Nhiều gia đình nghệ nhân trong làng cũng đã quay lại với nghề làm tranh.
Hiện tại làng Sình có tới hơn 30 hộ gia đình làm tranh bán khắp các tỉnh miền Trung từ Quảng Bình, Quảng Trị cho đến Quảng Nam, Quảng Ngãi cho đến tận TP. Hồ Chí Minh. Du khách bốn phương, đặc biệt là khách du lịch nước ngoài rất yêu thích tranh làng Sình. Vài năm trở lại đây, ngày nào làng Sình cũng đón tiếp khách du lịch đến tham quan, tìm hiểu nét đẹp văn hóa và mua tranh làm quà lưu niệm.
Có thể nói, tranh làng Sình đã dần lấy lại được hình ảnh và vị trí quan trọng trong đời sống văn hóa, xã hội. Nhiều đề tài nghiên cứu, nhiều nghệ nhân cũng đã khẳng định giá trị nghệ thuật và giá trị văn hóa của tranh làng Sình trong đời sống, đặc biệt là những giá trị trong đời sống tâm linh.
ST