Tờ Le Figaro của Pháp số ra ngày 2/1 đã đề cập những biến động quốc tế quan trọng hàng đầu với Liên minh châu Âu (EU) trong bài viết "Đối mặt với các biến động quốc tế lớn, liệu châu Âu có thể chấn hưng?"
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP/TTXVN)
Theo bài viết, biến động đầu tiên bắt nguồn từ tình hình chính trị nước Mỹ. Sau 1 năm cầm quyền, Tổng thống Donald Trump cần vượt qua cuộc bầu cử lập pháp vào tháng 11 tới cũng như cần tiếp tục có được đa số ghế tại quốc hội để duy trì quyền lực.
Tuy nhiên, đây là một mục tiêu khó khi nhà lãnh đạo này chỉ nhận được dưới 40% tỷ lệ ủng hộ của người dân Mỹ.
Biến động quốc tế lớn thứ hai đối với EU là viễn cảnh leo thang căng thẳng giữa Mỹ với Triều Tiên. Tờ Le Figaro cho rằng các nhà lãnh đạo châu Âu sẽ theo dõi rất sát tình hình liên quan vấn đề này.
Cụ thể, xung đột có nguy cơ bùng phát bất kỳ lúc nào giữa một bên là nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un chủ trương phát triển vũ khí hạt nhân, "có khả năng tấn công Mỹ," với một bên là Tổng thống Mỹ Donald Trump "sẵn sàng tấn công đáp trả" Bình Nhưỡng.
Nếu viễn cảnh này không xảy ra, các diễn biến của hồ sơ Triều Tiên cũng sẽ ảnh hưởng nhiều đến quan hệ Mỹ-Trung Quốc, tiềm ẩn nguy cơ về một cuộc chiến thương mại giữa hai nền kinh tế hàng đầu thế giới.
Theo tờ Le Figaro, hai thách thức lớn tiếp theo đối với EU liên quan vấn đề nội bộ của liên minh này, đáng chú ý là việc thành lập chính phủ liên minh tại Đức - quốc gia trụ cột của EU. Đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) kỳ vọng đến tháng Ba tới có thể đạt được một thỏa thuận với đảng Xã hội Dân chủ (SPD), song hiện chưa có gì chắc chắn về điều này.
Ngày 13/1 tới, các lãnh đạo đảng SPD sẽ phải thống nhất các chủ đề thương lượng và toàn đảng sẽ bỏ phiếu sau đó.
Khả năng bà Angela Merkel tiếp tục làm thủ tướng Đức hay không phụ thuộc vào việc lãnh đạo SPD Martin Schulz có thuyết phục được đa số thành viên trong đảng này ủng hộ một liên minh cầm quyền rộng rãi hay không. Nếu không đạt được thỏa hiệp, cử tri Đức sẽ bầu lại quốc hội và tình trạng bất ổn chính trị tại nước này sẽ kéo dài.
Thách thức nội bộ thứ hai của EU là “các rạn nứt chính trị” trong khối. Theo tờ Le Figaro, sau khi đồng euro hồi phục, tăng trưởng trở lại, các rạn nứt tiếp tục đe dọa EU trong năm 2018 là làn sóng ly khai tại vùng Catalonia, Tây Ban Nha và việc các quốc gia Trung Âu không có tiếng nói chung với EU, đặc biệt trong vấn đề chia sẻ gánh nặng người tị nạn và các nguyên tắc nhà nước pháp quyền.
Năm 2018 cũng là năm mà EU phải hoàn tất "thủ tục ly hôn" với Anh, cuộc đàm phán còn nhiều chông gai, cho dù các đường nét chung đã rõ ràng.
Theo TTXVN/VIETNAM+
https://www.vietnamplus.vn/lien-minh-chau-au-doi-dien-voi-4-thach-thuc-lon-trong-nam-2018/482402.vnp