Cập nhật: 09/01/2018 14:12:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giai đoạn 2016-2020 đánh dấu quá trình xây dựng nông thôn mới (NTM) trên địa bàn cả nước với mục tiêu nâng cao đời sống vật chất và tinh thần cho người dân; kết cấu hạ tầng kinh tế, xã hội phù hợp; cơ cấu kinh tế và các hình thức tổ chức sản xuất hợp lý, gắn phát triển NTM với đô thị. Sau gần hai năm thực hiện, bộ mặt nông thôn nhiều nơi đã khởi sắc và bắt đầu bước lên một lộ trình mới: phát triển thực chất, ổn định và bền vững…

Xây dựng nông thôn mới kiểu mẫu gắn với phát triển làng nghề để nâng cao thu nhập cho người dân. Ảnh: HUỆ MINH

Nâng cao chất lượng

Gần bảy năm qua, mặc dù trong bối cảnh nền kinh tế đất nước còn nhiều khó khăn, thách thức, nhưng Chính phủ cùng các bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền các cấp, cả hệ thống chính trị và nhân dân cả nước đã chung sức, đồng lòng thực hiện Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng NTM và đạt được nhiều kết quả nổi bật: Bộ mặt nhiều vùng nông thôn khang trang, xanh, sạch, đẹp hơn; hạ tầng thiết yếu về giao thông, thủy lợi, văn hóa, y tế, giáo dục… được quan tâm đầu tư, nâng cấp, xây dựng; sản xuất nông nghiệp tiếp tục phát triển, mang lại hiệu quả kinh tế và thu nhập cao; số hộ nghèo giảm nhanh, đời sống vật chất và tinh thần của người dân nông thôn từng bước được cải thiện; hệ thống chính trị cơ sở tiếp tục được củng cố.

Tuy nhiên, sau khi công nhận đạt chuẩn NTM, nhiều địa phương lúng túng, chưa xác định được nội dung chỉ đạo tiếp theo để các xã, huyện đã đạt chuẩn tiếp tục thực hiện xây dựng NTM bền vững, trong khi việc công nhận xã, huyện đạt chuẩn NTM chỉ là đánh giá và công nhận của từng giai đoạn, quá trình xây dựng NTM phải thường xuyên, liên tục. Mặt khác, có một số xã, huyện có dấu hiệu tự thỏa mãn sau khi đã hết sức cố gắng phấn đấu đạt chuẩn, khi đã được công nhận thì có dấu hiệu chững lại, cầm chừng. Vì vậy, để chỉ đạo các địa phương tiếp tục nâng cao chất lượng xây dựng NTM sau đạt chuẩn, Ban Chỉ đạo Trung ương đã chỉ đạo xây dựng kế hoạch duy trì và nâng cao chất lượng tiêu chí đối với các xã đã đạt chuẩn NTM. Đặc biệt, trong Bộ tiêu chí quốc gia về xã NTM giai đoạn 2016-2020, Thủ tướng Chính phủ đã rất chú trọng công tác chỉ đạo các địa phương tập trung nâng cao chất lượng sau đạt chuẩn NTM đối với các xã. Tuy nhiên, tính đến nay, mới có sáu tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương gồm: Hà Tĩnh, Quảng Ninh, Đồng Nai, Thái Nguyên, Quảng Nam, thành phố Hồ Chí Minh chủ động ban hành Bộ tiêu chí cấp tỉnh về xã NTM kiểu mẫu, trong đó đã đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể để triển khai thực hiện. Hiện vẫn còn nhiều tỉnh, thành phố khác đang nghiên cứu xây dựng, hoặc đang chờ Trung ương ban hành để có cơ sở xây dựng phù hợp điều kiện thực tế của địa phương.

Theo Bộ trưởng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường, không thể khác, muốn xây dựng NTM phát triển ổn định, phải phát triển mạnh mẽ kinh tế nông nghiệp, theo nguyên tắc thị trường, trong đó chú trọng đầu tư các nhóm ngành chủ lực, trọng điểm, những ngành hàng có thế mạnh. Qua đó, khuyến khích sản xuất theo chuỗi giá trị gia tăng, có sự đóng góp quan trọng của các hộ gia đình, một lực lượng quan trọng của lĩnh vực sản xuất nông nghiệp.

Cần lộ trình mới để phát triển bền vững

Xuất phát từ vấn đề nêu trên, việc nghiên cứu, ban hành nội dung xây dựng xã đạt chuẩn NTM nâng cao; điều kiện, tiêu chí xét, công nhận xã NTM kiểu mẫu và định hướng chỉ đạo xây dựng tiêu chí huyện NTM kiểu mẫu là rất cần thiết. Các xã, huyện đã được công nhận đạt chuẩn NTM, phải tiếp tục phấn đấu để trở thành xã, huyện NTM nâng cao, hướng tới xây dựng nông thôn tiên tiến, hiện đại và bền vững hơn, nhưng phải giữ được những nét điển hình của nông thôn truyền thống, thể hiện được những đặc trưng nổi bật mang tính điển hình cho khu vực nông thôn mỗi vùng, miền và địa phương. Đối với việc xây dựng xã NTM nâng cao, Trung ương chỉ đưa ra định hướng nội dung trọng tâm, còn các tiêu chí, chỉ tiêu cụ thể, do từng tỉnh, thành phố quy định hoặc bổ sung phù hợp đặc điểm tự nhiên, kinh tế, văn hóa, xã hội của địa phương. Để được công nhận xã, huyện NTM kiểu mẫu, ngoài việc nâng chất toàn diện các tiêu chí NTM, phải đạt được một hoặc một số hình mẫu tiêu biểu có thể nhận diện được bằng trực quan để các địa phương khác nghiên cứu, học tập, như: sản xuất, văn hóa, xã hội, môi trường, an ninh trật tự, cảnh quan sinh thái…

Hiện nay, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn đang lấy ý kiến góp ý dự thảo Quyết định của Thủ tướng Chính phủ ban hành nội dung trọng tâm xây dựng xã, huyện NTM nâng cao; điều kiện, tiêu chí xét, công nhận NTM kiểu mẫu. Trong đó đưa ra các tiêu chí, chỉ tiêu tập trung vào một số vấn đề chính như phát triển hạ tầng kinh tế - xã hội bảo đảm đồng bộ, hiện đại và vẫn giữ được bản sắc văn hóa tốt đẹp của nông thôn truyền thống; phát triển kinh tế nông thôn theo hướng nâng cao giá trị gia tăng và bền vững; tập trung ứng dụng các tiến bộ khoa học - kỹ thuật, nhất là công nghệ cao gắn với phát triển mỗi xã một sản phẩm, nâng cao đời sống của người dân; nâng cao chất lượng công tác giáo dục, y tế, văn hóa trên địa bàn nông thôn; chú trọng bảo vệ môi trường nông thôn bền vững; xây dựng nông thôn văn minh, tiến bộ; bảo đảm an ninh, trật tự xã hội. Hy vọng, thời gian tới, công tác xây dựng NTM sẽ được nâng cao hơn nữa về chất lượng. Qua đó, tạo sự đồng thuận trong nhân dân, huy động tối đa vật chất, tinh thần của cộng đồng xã hội trong xây dựng NTM, phù hợp với điều kiện thực tiễn mỗi địa phương.

Năm 2017, cả nước đã có hơn 2.880 xã được công nhận đạt chuẩn NTM (đạt 32,30%), tăng 524 xã (chiếm 5,87%) so với cuối năm 2016. Đối với cấp huyện, cả nước có 43 đơn vị cấp huyện thuộc 24 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương được công nhận đạt chuẩn NTM, tăng 13 huyện so với cuối năm 2016, vượt năm đơn vị cấp huyện so với mục tiêu năm 2017…

 

Theo DŨNG MINH/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm