Các nhà khoa học Australia mới đây phát hiện rằng một số cây có tốc độ chuyển hóa trong lá cao gấp 10 lần so với cây khác. Đây được coi là nhân tố then chốt trong hiệu suất quang hợp của cây trồng, đồng nghĩa với việc giúp năng suất thu hoạch được nâng lên.
Ảnh minh họa. (Nguồn: AFP)
Phương tiện kết nối giữa các tế bào được gọi là sợi liên bào, những cấu trúc cực nhỏ đến mức 25.000 sợi có thể chỉ bằng đường kính của một sợi tóc người.
Tiến sỹ Florence Danila, công tác tại Trung tâm ARC nghiên cứu về quang hợp thuộc Đại học Quốc gia Australia (ANU), người thực hiện nghiên cứu trên, cho biết các sợi liên bào vận chuyển các phân tử nhỏ hoặc các chất chuyển hóa như cách xe ôtô chạy trên đường.
Có thể hình dung trong một thành phố càng có nhiều đường thì các phương tiện càng di chuyển với tốc độ nhanh hơn và nếu số lượng đường xá có hạn, tình trạng ùn tắc sẽ xảy ra.
Các nhà khoa học đã nhận ra những cây trồng có năng suất cao hơn, như cây ngô, có số lượng sợi liên bào cao hơn đến 10 lần so với các cây có năng suất thấp hơn và những sợi liên bào này có vai trò cực kỳ quan trọng trong việc di chuyển các chất chuyển hóa.
Các loại cây trồng thường sử dụng cách quang hợp kiểu C3 hoặc C4 để chuyển hóa cacbon nhờ ánh sáng Mặt trời. Quang hợp kiểu C4 là hình thức tiến hóa của C3 và có hiệu quả hơn nhiều so với hình thức C3.
Thông thường hình thức quang hợp kiểu C3 là cách quang hợp của các giống cây như lúa và lúa mỳ, 2 giống cây được trồng nhiều nhất thế giới.
Phó Giám đốc trung tâm ARC, Susanne von Caemmerer, cho biết phát hiện mới nêu trên có thể giúp thay đổi nhận thức trong việc trồng các cây sử dụng hình thức C3 sang sử dụng hình thức C4, giúp tăng năng suất và góp phần vào giải quyết nạn đói toàn cầu./.
Theo (TTXVN/VIETNAM+)
https://www.vietnamplus.vn/phat-hien-khoa-hoc-nang-suat-mua-mang-phu-thuoc-vao-la-cay/486963.vnp