Cập nhật: 07/03/2018 14:33:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Vào những năm 90 của thế kỷ trước, làng nghề Tảo Phú khá nổi tiếng với những sản phẩm mây tre đan như: Thúng, rổ, nong nia… Tuy nhiên, theo thời gian sự chuyển biến mạnh mẽ của nền kinh tế và sự thay đổi trong nhu cầu tiêu dùng, nghề truyền thống của làng bắt đầu bị mai một. Cuộc sống của người dân Tảo Phú ngày một khó khăn, chật vật.

Trong bối cảnh  đó, sự xuất hiện của nghề tơ nhựa đã tạo bước chuyển mình mạnh mẽ cho Tảo Phú, cuộc sống của người dân nơi đây cũng bắt đầu thay đổi. Từ năm 1993, một số người dân của Tảo Phú làm nghề buôn bán dây thừng đã mang nghề về làng nhưng ban đầu người dân Tảo Phú thật sự chưa tin tưởng bởi đây là nghề hoàn toàn mới lại đòi hỏi vốn đầu tư ban đầu cao do phải mua một số máy móc tiết bị… Nhưng đến nay,  nghề tơ nhựa đã thực sự trở thành nghề chính của làng. Hiện cả thôn có 400 hộ gia đình thì có đến 300 hộ làm nghề, không chỉ tạo việc làm cho lao động trong thôn mà nghề tơ nhựa đã tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương xung quanh như: Lập Thạch, Vĩnh Tường, Phú Thọ… Nghề mới, sản phẩm mới có chất lượng cao đã dần chiếm lĩnh thị trường trong và ngoài tỉnh, tạo việc làm tại chỗ, ổn định cho hàng nghìn lao động, thu nhập của người dân được nâng lên đáng kể.

Sản phẩm chính của Tảo Phú là các loại dây thừng to, nhỏ khác nhau và được sản xuất từ các bao tải cũ và các vỏ nhựa phế thải. Bên cạnh khâu sản xuất, một số hộ gia đình của Tảo Phú kiêm luôn khâu phân phối và tiêu thụ hàng của làng nghề nên sản phẩm của làng nghề luôn “chạy” và thu nhập của người dân nơi đây lên tới hàng chục triệu đồng/người/tháng.

Tuy nhiên, khó khăn hiện nay của các hộ làm nghề là thiếu mặt bằng sản xuất; ô nhiễm môi trường từ nghề ảnh hưởng đến đời sống của nhiều hộ gia đình trong khu dân cư và giao thông nông thôn; các sản phẩm mây tre đan, tơ nhựa của làng nghề đang phải chịu áp lực cạnh tranh với các sản phẩm bằng nhựa, có giá thành rẻ hơn và độ bền, mẫu mã đa dạng, phong phú hơn là những lý do khiến cho nhiều hộ dân tại đây dần chuyển đổi sang các ngành nghề khác. Đặc biệt là hiện nay làng nghề chế biến tơ nhựa vẫn xen lẫn với khu dân cư dẫn đến tình trạng ô nhiễm môi trường rất nghiêm trọng. Tại các khu vực thu gom, phân loại rác, không có chế độ bảo hộ lao động hợp lý sẽ tác động rất nặng nề đến người dân.

Ủng hộ quyết tâm dám nghĩ dám làm của người dân, du nhập nghề mới về làng nghề, đã thu hút được sự quan tâm đặc biệt của Chương trình khuyến công. Trung tâm khuyến công và Tư vấn phát triển công nghiệp Vĩnh Phúc đã phối hợp với UBND xã Tam Hồng bảo lãnh cho người dân Tảo Phú vay vốn phát triển sản xuất. Và nhờ sự ủng hộ này mà nghề tơ nhựa vượt qua được những khó khăn thử thách ban đầu và phát triển ngày một mạnh mẽ đem lại diện mạo tươi sáng cho Tảo Phú.

Được biết, để nghề tơ nhựa của Tảo Phú phát triển hơn nữa, UBND tỉnh Vĩnh Phúc đã quy hoạch cụm công nghiệp làng nghề rộng 2,5 ha và đầu tư hàng chục tỷ đồng xây dựng hệ thống giao thông, điện, nước, hệ thống xử lý chất thải… để các hộ vào sản xuất tập trung và đảm bảo môi trường sống xanh sạch cho người dân nơi đây.

Đến làng nghề Tảo Phú bây giờ, chúng ta sẽ thấy tơ nhựa chăng khắp nơi. Người làm nghề có thể tận dụng cả những bờ ruộng, ở lề đường làng để sản xuất. Không khí trong làng lúc nào cũng nhộn nhịp, tiếng máy sản xuất chạy suốt ngày đêm.Với nhịp độ phát triển của làng nghề như hiện nay, sản phẩm của làng nghề Tảo Phú sẽ ngày càng phát triển phong phú.

 

 

Sưu tầm

 

Tệp đính kèm