Tôi nghe nói trẻ tiêm phòng rồi vẫn có thể bị sởi? Bị sởi có dấu hiệu thế nào? Tôi phải làm gì nếu con tôi bị sởi? (Nguyễn Thị Hải Yến - Hòa Bình)
Không có vắc-xin nào đạt hiệu quả 100%. Nếu mới tiêm phòng sởi mũi 1, chỉ đạt trên 80%, tiêm xong mũi 2 đạt trên 90%. Như vậy, trẻ mới tiêm mũi 1 có thể vẫn lây mắc sởi dù tỷ lệ này rất thấp.
Trẻ nhiễm bệnh sởi có thời gian ủ bệnh từ 7-21 ngày, sau đó có thể có các triệu chứng như: sốt cao trên 39°C, viêm long đường hô hấp trên, chảy nước mũi, ho khan kéo dài, khàn tiếng, có hạt Koplik trong miệng, chảy nước mắt, viêm màng tiếp hợp, mắt có gỉ kèm nhèm, sưng nề mí mắt. Ban mọc theo thứ tự bắt đầu ngày thứ nhất từ đầu, mặt, cổ, ngày thứ 2 ngực lưng cánh tay, ngày thứ 3 bụng, mông, đùi, chân, khi ban mọc tới chân hết sốt và ban bắt đầu bay.
Cách ly trẻ để tránh lây nhiễm. Người chăm sóc cần đeo khẩu trang, rửa tay sạch trước và sau mỗi lần tiếp xúc với trẻ bị bệnh. Cho trẻ uống thuốc hạ sốt khi sốt đến 38,5°C hoặc hơn theo chỉ định của bác sĩ. Không kiêng tắm để giữ vệ sinh thân thể, nhưng tránh gió, tránh bị lạnh. Cắt móng tay để tránh trẻ ngứa gãi làm xước da. Nhỏ mắt bằng nước muối 0,9% ngày 3 lần.Trẻ còn bú mẹ vẫn tiếp tục cho bú kết hợp chế độ ăn bổ sung hợp lý (nếu trẻ trên 6 tháng). Ăn đầy đủ dinh dưỡng. Trong trường hợp trẻ bị biến chứng tiêu chảy hoặc viêm phổi, cần bổ sung kẽm bằng đường uống. Trẻ lớn đảm bảo ăn đầy đủ chất dinh dưỡng, uống nhiều nước, nước ép hoa quả chứa nhiều vitamin A. Bổ sung vitamin A để bảo vệ mắt.
Theo BS. Hồng Minh/suckhoedoisong.vn