Cập nhật: 21/03/2018 10:40:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Ở bản Pác Ngòi thuộc xã Nam Mẫu, huyện Ba Bể (Bắc Kạn), các homestay nhà sàn dù được đầu tư kỹ càng hay giản đơn đều thống nhất một khung giá chung cho khách du lịch.

Những ngôi nhà sàn ở bản Pác Ngòi - nét đẹp văn hóa dân tộc Tày - đã thu hút khá nhiều du khách trong và ngoài nước khi tới Ba Bể. Trong bản còn khá nhiều nhà sàn cổ với kiểu dáng kiến trúc độc đáo, lợp ngói máng âm dương.

 

Homestay có phòng riêng cho khách lẻ, phòng tập thể cho khách đoàn

Đậm nét văn hóa, trang bị hiện đại

Trước đây, các hộ dân trong bản - chủ yếu là dân tộc Tày - sinh sống bằng nghề trồng lúa ngô và đánh bắt cá tôm trên hồ Ba Bể. Giờ đây, ngày càng có nhiều hộ dân ở Pác Ngòi đến với một nghề mới - kinh doanh du lịch homestay.

Ông Ngô Văn Toàn, chủ homestay Khánh Toàn - cũng là hộ đầu tiên kinh doanh loại hình này (cách đây hơn 20 năm) ở Pác Ngòi, kể lại, mọi thứ bắt đầu khi một cặp vợ chồng người nước ngoài đến Ba Bể và mong muốn tìm hiểu bản sắc dân tộc trong bản, đã ở lại nghỉ cùng với gia đình ông, tham gia các hoạt động hàng ngày rồi gợi ý kinh doanh dịch vụ homestay.

 

Du khách nước ngoài dùng bữa sáng, tận hưởng cảnh sắc núi rừng Ba Bể.

Một tháng sau, người chồng cũng là giám đốc một công ty du lịch đã đưa một số du khách Pháp đến nhà ông khi đường sá vào bản còn bất tiện, phương tiện thông tin liên lạc hầu như không có.

Gia đình ông Toàn khi ấy chỉ có một nhà sàn chung, khách tới cùng ăn, cùng nấu rồi căng màn ngủ ngay trên sàn.

Người hướng dẫn đoàn đã chỉ cho vợ chồng ông cách nấu cách làm các món bánh tráng miệng như bánh chuối, bánh crep, nấu nướng nhiều món cho hợp khẩu vị khách và thậm chí mang theo cà phê giới thiệu khi dân bản chưa biết thứ đồ uống này là gì.

 

Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng bản Pác Ngòi.

Ông Hoàng Văn Chuyền, trưởng bản Pác Ngòi, cho biết, hiện trong thôn có 97 hộ gia đình thì có 24 hộ kinh doanh homestay, nhiều hộ khác đảm nhận việc cung cấp dịch vụ ăn uống, nuôi gà lợn, trồng rau, chế biến thực phẩm cung cấp cho các homestay.

Ban đầu, các hộ gia đình trong bản làm du lịch kiểu tự phát, tự học hỏi lẫn nhau. Kể từ khi có Dự án phát triển Du lịch bền vững Tiểu vùng sông Mekong mở rộng với vốn vay của Ngân hàng phát triển châu Á (ADB) nhằm mục đích hỗ trợ phát triển ngành du lịch bền vững tại 5 tỉnh của Việt Nam trong đó có Bắc Kạn, loại hình này mới phát triển mạnh và dần đi vào chuyên nghiệp.

Internet đến bản

Ông Nguyễn Văn Hà, Phó Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du Lịch Bắc Kạn, đánh giá, trước đây, hoạt động cung cấp dịch vụ du lịch của người dân chủ yếu là tự phát.

Sau khi có dự án, trong đó bao gồm cả việc đào tạo, bồi dưỡng và tập huấn thì hoạt động này trở nên chuyên nghiệp hơn, nâng cao được nhận thức cũng như kỹ năng giao tiếp ứng xử của người dân đối với khách du lịch.

 

Người Tày ở Pác Ngòi giờ đây biết sử dụng internet để quảng bá các sản phẩm du lịch. Lớp trẻ trong bản thường xuyên tra cứu Google để cập nhật thông tin, liên lạc và giao tiếp với các du khách nước ngoài.

Như gia đình ông Nguyễn Văn Toàn, thông thường ông bà cùng cô con gái đảm nhận việc nấu nướng, sắp xếp chỗ ngủ, chỉ dẫn hay đưa khách tham quan các điểm ở Ba Bể. Con rể của ông thì quản lý số lượng khách đặt buồng phòng thông qua phần mềm máy tính và là “phiên dịch viên” trong gia đình bằng vốn ngoại ngữ được trang bị qua các lớp tập huấn cũng như ứng dụng dịch trên Google.

Các homestay ở Pác Ngòi đều được giới thiệu chi tiết trên trang web du lịch lớn nhất thế giới (Tripadvisor). Mỗi homestay trong bản hiện nay có sức chứa lên đến 70 - 100 khách với các phòng riêng cho khách lẻ, phòng tập thể cho khách đoàn với sức chứa từ 15-20 người.

Không bóng bẩy sang trọng như resort nhưng vẫn đầy đủ tiện nghi. Tất cả đều được trang bị máy điều hòa, máy nước nóng, hệ thống vệ sinh riêng biệt rất sạch sẽ và truy cập Wi-Fi miễn phí.

 

Bản Pác Ngòi nằm dựa lưng vào núi, soi bóng xuống mặt hồ Ba Bể.

 

Không gian yên bình, nguyên sơ Ba Bể.

Ẩm thực đặc sắc

Bất kì du khách nào đến Pác Ngòi cũng được người dân đón tiếp nồng nhiệt, coi như là một thành viên trong gia đình.

Họ được tư vấn tham quan hồ Ba Bể, thưởng thức rất nhiều món ăn ngon rất riêng của vùng núi cao một cách đúng vị nhất. Các món ăn như cá nướng tôm rang đánh bắt trên hồ Ba bể, thịt lợn và lạp xưởng gác bếp; rượu men lá đặc trưng của người Tày; những món rau rừng như bò khai, dớn, ngót rừng, giảo cổ lam làm món xào hay canh ngọt mát, lạ miệng.

Toàn bản áp dụng một mức giá chung nghỉ đêm cho du khách 70.000 đồng/người Việt, 80.000 đồng/người nước ngoài. Mỗi suất ăn tùy theo khách đặt dao dộng từ 100.000-150.000 đồng.

Hàng tháng, các hộ kinh doanh dịch vụ homestay trong bản đều ngồi lại với nhau để họp bàn đánh giá kết quả hoạt động, rút kinh nghiệm để nâng cao chất lượng phục vụ. Lao động không tham gia kinh doanh homestay có thể đảm nhận việc nấu những món ăn đặc trưng của người bản xứ, vừa biểu diễn những lời ca, điệu múa dân gian, truyền thống phục vụ du khách vào các buổi tối.

Vẫn còn nhiều khó khăn phía trước như hạ tầng giao thông, ngôn ngữ giao tiếp hạn chế, thiếu loại hình vui chơi giải trí… nhưng không thể phủ nhận, nhờ phát triển du lịch đúng hướng, tỉ lệ hộ nghèo ở Pác Ngòi đã giảm rõ rệt, đời sống và dân trí của người dân được nâng cao.

ST

Tệp đính kèm