Thiên tai đã và đang gây ra nhiều tổn thất to lớn cho người dân, đất nước. Muốn giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra, trước hết phải hiểu biết và đánh giá đúng về thiên tai. Tập bản đồ “Atlas thiên tai Việt Nam (phần đất liền)” vừa được GS Nguyễn Trọng Yêm chủ biên, TS Nguyễn Quốc Thành chủ nhiệm đề tài cùng các nhà khoa học của Viện Địa chất (Viện Hàn lâm Khoa học và Công nghệ Việt Nam) và nhiều cơ quan phối hợp hoàn thành, là cơ sở để quản lý thiên tai trên tầm vĩ mô ở nước ta.
Cảnh tan hoang sau trận lũ quét ở Vân Đồn (Quảng Ninh). Ảnh: Nguyễn Thành
Sau 5 năm nghiên cứu, trên cơ sở tích hợp các yếu tố ảnh hưởng tới sự hình thành và phát triển từng dạng thiên tai, kết quả nghiên cứu đã xây dựng được các bản đồ cảnh báo nguy cơ 12 loại thiên tai ác liệt nhất đã và sẽ gây nhiều thiệt hại trên đất nước ta như: Bão, hạn hán, lũ-lụt, trượt-lở, lũ quét-lũ bùn đá, xâm thực mương xói, karst (hiện tượng phong hóa đặc trưng của vùng núi đá vôi bị xói mòn), xói lở bờ sông, xâm nhập mặn, xói lở bờ biển, động đất và nứt đất.
Khác với các nghiên cứu trước đây về thiên tai, chủ yếu được diễn giải bằng lời văn, kết quả công trình nghiên cứu này được xây dựng theo hình thức bản đồ được coi là phương pháp nghiên cứu mới, cách thể hiện kết quả nghiên cứu dễ hiểu và hiệu quả...
Mỗi loại thiên tai được thể hiện trong một chương riêng, trong đó những đặc trưng tổng hợp được phản ánh trong bản đồ 1:3.000.000; những đặc trưng quan trọng, riêng biệt được phản ánh trong các bản đồ, sơ đồ, biểu đồ… Những khái niệm, đặc điểm của mỗi thiên tai, giải pháp chủ yếu để phòng, chống, giảm nhẹ thiệt hại do thiên tai gây ra được diễn tả ngắn gọn bằng lời.
GS Nguyễn Trọng Yêm, trưởng nhóm nghiên cứu chia sẻ, khó khăn nhất trong quá trình nghiên cứu đó là thống nhất các thành viên về quan điểm thực hiện. Thí dụ, đối với thiên tai nguy hiểm nhất ở nước ta là bão, lâu nay vẫn dùng khái niệm tốc độ bão, nhưng bản đồ đã thể hiện năm cấp độ nguy cơ là: rất thấp, thấp, trung bình, cao, rất cao trên cơ sở tốc độ gió trong bão và lượng mưa ba ngày trong bão.
Chẳng hạn, đối với bão, được thể hiện trên một bản đồ cảnh báo nguy cơ với dấu hiệu tốc độ gió dưới 20 m/s, lượng mưa dưới 50 mm thì nguy cơ bão rất thấp, nhưng nếu tốc độ gió hơn 50 m/s và lượng mưa hơn 200 mm thì nguy cơ xảy ra bão rất cao. Phân vùng nguy cơ thiên tai bão cũng thống nhất các tiêu chí đánh giá để lột tả được nguy cơ các vùng, tiểu vùng với số cơn bão trung bình năm, các tháng có bão nhiều nhất, mực nước dâng lớn nhất khi bão xảy ra. Hay cảnh báo nguy cơ trượt lở đất, lũ quét - lũ bùn đá đã chỉ ra trên bản đồ khu vực nguy cơ rất cao: Khu vực sườn đông dãy Hoàng Liên Sơn, hữu ngạn sông Hồng gồm các huyện Bát Xát, Sa Pa, TP Lào Cai; lưu vực sông Nậm Lay thuộc huyện Mường Chà và lưu vực sông Nậm Rốm gồm một phần các huyện Ðiện Biên Ðông, Ðiện Biên Tây và TP Ðiện Biên; khu vực thượng nguồn sông Gấm thuộc huyện Yên Minh, các nhánh tả ngạn sông Chảy và hữu ngạn sông Lô thuộc các huyện Xín Mần và Hoàng Su Phì (Hà Giang).
Các vùng trọng điểm này trên bản đồ thể hiện sự phân bố nguy cơ ở năm cấp độ khác nhau. Từ những thông tin cần thiết trên bản đồ giúp các nhà quản lý, các cơ quan hữu quan đưa ra giải pháp hữu hiệu trong việc phòng, chống thiên tai, chuyển đổi cơ cấu sản xuất, xây dựng cơ sở hạ tầng, phân bố dân cư, nhất là để quản lý, phòng, chống thiên tai, nghiên cứu dự báo, cảnh báo thời gian xuất hiện tai biến…
TS Nguyễn Quốc Thành cho rằng, trước khi đầu tư, các chủ đầu tư cần biết về rủi ro thiên tai, nhưng thực tế, nhiều trường hợp chưa chú trọng điều này, gây ra nhiều thiệt hại đáng tiếc. Chẳng hạn, đập thủy điện Thác Bà (Yên Bái) được xây dựng trên vị trí đứt gãy sông Chảy (hệ đứt gãy sông Hồng - sông Chảy), nhưng do nghiên cứu địa chất không kỹ cho nên sau khi xây dựng xong bị ảnh hưởng chất lượng, phải gia cố, xử lý.
Ở Chí Linh (Hải Dương) có một số công trình xây xong là nứt không rõ nguyên nhân, các nhà khoa học phát hiện do hiện tượng nứt đất, cần tính toán, xử lý lại nền móng chắc chắn hơn. Ðoạn đường giao thông Km 8-QL 4E, xã Trung Trải, huyện Sa Pa (Lào Cai), trước năm 2006, mỗi năm lại bị lún 30 đến 50 cm, cứ đắp đất lại bị tụt lún, nhiều người cho rằng "dốc ma", nhưng thực chất đây là đoạn đường nằm trên một khối trượt, các nhà khoa học đã kiến nghị làm cầu cạn bắc qua khối trượt.
Tại huyện Sa Pa, Bát Xát (Lào Cai) khi xây dựng khu trung tâm hành chính, các nhà khoa học cũng được mời tham gia đánh giá nguy cơ trượt lở, xử lý đất nền để bảo đảm công trình an toàn... Với tập bản đồ này, các nhà khoa học địa chất đánh giá là tài liệu hữu ích, giúp khắc phục tình trạng nêu trên khi biết khu vực nào an toàn, ít nguy cơ để quyết định đầu tư, xây dựng hoặc có các giải pháp phòng, chống an toàn, nhất là các công trình thủy điện, nhà máy hóa chất, đập, hồ.
Xuất bản tập bản đồ là bước ứng dụng đầu tiên của đề tài, nhưng việc ứng dụng, triển khai trong thực tế cho các nhà quản lý ở địa phương, cho việc học tập, nghiên cứu thì các bộ, ngành liên quan cần triển khai phổ biến rộng rãi, tránh những thiệt hại không đáng có do thiếu hiểu biết về nguy cơ thiên tai.
Theo HÀ LINH/nhandan.com.vn