Chính sách về thị thực (visa) phải đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế- xã hội khác, nếu chúng ta đặt chính sách visa dưới góc độ tăng khách du lịch đến Việt Nam là chưa toàn diện. Nội dung họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018
Đó là chia sẻ của Ủy viên Thường trực Ủy ban Quốc phòng và An ninh của Quốc hội Nguyễn Thanh Hồng với Báo Tổ quốc (toquoc.vn) liên quan đến quyết định miễn thị thực (visa) cho công dân 5 nước châu Âu trong thời hạn 3 năm của Thủ tướng Chính phủ mới đây.
Ông Nguyễn Thanh Hồng khẳng định quyết định của Thủ tướng Chính phủ là một bước rất tích cực trong thực hiện Nghị quyết 08 của Bộ Chính trị về việc phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của đất nước. Quyết định này còn thể hiện việc bảo đảm an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, thực hiện đường lối chính sách đối ngoại của Đảng, khẳng định vị thế của Việt Nam trong giai đoạn mới.
Chính sách về visa là một trong những tiêu chí để đánh giá xếp loại sự cạnh tranh du lịch. Việc mở rộng đơn phương miễn visa là mục tiêu chúng ta nhắm tới để kích cầu du lịch, thu hút khách du lịch đến Việt Nam. Tuy nhiên, ông Nguyễn Thanh Hồng cho rằng chính sách visa của Việt Nam cần phải có các giải pháp tổng thể chứ không chỉ đơn thuần là đơn phương miễn thị thực. Chính sách visa phải đồng bộ với chính sách phát triển kinh tế - xã hội khác, còn nếu chúng ta đặt chính sách visa dưới góc độ tăng khách du lịch đến Việt Nam là chưa toàn diện.
Bởi, nguyên tắc visa thường căn cứ vào 3 điều kiện. Một là đối với các quốc gia đơn phương miễn thị thực thì phải có quan hệ ngoại giao; hai là căn cứ vào tình hình phát triển kinh tế đất nước trong từng giai đoạn; ba là bảo đảm yếu tố quốc phòng an ninh.
Cho nên, các bộ ngành (hải quan, y tế, hàng không, công an, biên phòng...) phải thống nhất trong việc hoàn thiện các chính sách liên quan đến chính sách visa (như chính sách xuất nhập cảnh…), ông Hồng cho biết. Cùng với đó, các doanh nghiệp du lịch, chính quyền địa phương phối hợp chặt chẽ trong việc tạo môi trường tốt để tăng tỷ lệ khách du lịch quay trở lại Việt Nam.
Còn theo ông Vũ Thế Bình, Phó Chủ tịch Thường trực Hiệp hội Du lịch Việt Nam, trong khi Chính phủ đã hỗ trợ hết mức bằng cơ chế, chính sách để thúc đẩy phát triển du lịch thì ngành du lịch và những người làm du lịch cần phải đẩy mạnh hơn nữa việc xây dựng sản phẩm du lịch hấp dẫn, phù hợp với từng thị trường. Đồng thời nâng cao chất lượng dịch vụ, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực du lịch có tay nghề cao, chuyên nghiệp, thái độ thân thiện để phục vụ khách du lịch…
Liên quan đến chính sách miễn thị thực, trả lời báo chí tại cuộc họp báo Chính phủ thường kỳ tháng 4/2018 mới đây, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Mai Tiến Dũng cho biết tại phiên họp này, Chính phủ đã đề cập đến đề xuất của Bộ VHTT&DL và các Bộ: Ngoại giao, Công an, Quốc phòng về việc tiếp tục miễn visa cho công dân 5 nước châu Âu (Anh, Pháp, Đức, Tây Ban Nha và Italy). Chúng ta có mốc miễn thị thực cho công dân 5 nước châu Âu tới 30/6/2018 là hết hiệu lực. Thời gian gia hạn, miễn cấp thị thực là 1 năm.
Sau khi nghe ý kiến của Bộ VHTT&DL và các bộ liên quan, Thủ tướng Chính phủ đã đồng ý tiếp tục miễn visa cho 5 nước châu Âu bắt đầu từ 1/7/2018 với thời hạn là 3 năm.
Bộ trưởng Mai Tiến Dũng cho biết Quốc hội đã cho phép Chính phủ thí điểm cấp visa điện tử. Có thể nói đây là cải cách rất mạnh mẽ của chúng ta. Chúng ta cũng không để cho khách quốc tế phải đến gặp trực tiếp các cơ quan ở nước ngoài, ở cửa khẩu. Du khách ở bất cứ nơi nào cũng đăng ký cấp visa, từ việc thuận tiện này chúng ta đã có lượng khách rất tốt…
Bộ trưởng, Chủ nhiệm Mai Tiến Dũng cũng cho biết vấn đề mở rộng thêm danh sách các nước được miễn thị thực thì tại phiên họp (ngày 3/5), Thủ tướng Chính phủ muốn đánh giá lại việc thí điểm, thực tiễn các việc đã làm được. Hiện, Thủ tướng chỉ đồng ý miễn visa cho 5 nước châu Âu thời hạn 3 năm, thực hiện từ 1/7/2018./.
Theo Thanh Xuân/Chinhphu.vn