Cập nhật: 16/05/2018 16:14:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Giáo dục là lĩnh vực phát triển khá nhanh trong thời gian qua với nhu cầu ngày càng đa dạng, ứng dụng nhiều phương pháp, hình thức mới. Do đó, việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh, đưa ra các quy định sát với thực tiễn đang biến đổi là mong mỏi bức thiết của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. 

Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) đã phối hợp với Bộ Giáo dục và Đào tạo tổ chức Hội thảo “Lấy ý kiến về cắt giảm, đơn giản hoá điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục” để tiếp tục hoàn thiện sửa đổi các quy định.

Nhiều điều kiện không cần thiết

Luật sư Nguyễn Kim Dung - thành viên nhóm công tác giáo dục và đào tạo Diễn đàn Doanh nghiệp Việt Nam cho rằng việc cắt giảm, đơn giản hóa điều kiện kinh doanh là mong mỏi bức thiết của các nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục. 

Có nhiều góp ý vướng mắc về điều kiện kinh doanh. Ảnh:VGP/Huy Thắng

Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD&ĐT) cần phải đơn giản hóa thủ tục cấp phép. Bởi lẽ nếu chỉ cắt giảm điều kiện kinh doanh mà không cắt giảm thủ tục hành chính song hành thì hiệu quả cắt giảm điều kiện kinh doanh sẽ không cao. 

Bà Nguyễn Kim Dung cũng kiến nghị rằng ngoài 110 điều kiện kinh doanh được Bộ GD&ĐT rà soát cắt giảm, Bộ nên tiếp tục cắt giảm một số điều kiện kinh doanh không hợp lý khác như: Điều kiện hạn chế mức phần trăm tiếp nhận học sinh Việt Nam vào học tại các cơ sở đào tạo nước ngoài, điều kiện xin giấy phép thành lập đối với cơ sở đào tạo ngắn hạn… 

Tại hội thảo, đại diện các cơ sở giáo dục đã có nhiều ý kiến phản ánh những bất cập trong các quy định hiện hành ảnh hưởng đến hoạt động đầu tư kinh doanh trong lĩnh vực này.

Bà Lại Phương Thảo – đại diện Trường mầm non Reggio Việt Nam cho biết, hiện nay thị trường lao động đối với các trường giáo dục mầm non rất sôi động. Tuy nhiên, các yêu cầu thủ tục cấp phép thành lập, trong đó có quy định về số lượng hồ sơ giáo viên ký hợp đồng lao động là chưa hợp lý.

Thực tế hiện nay khi thành lập các cơ sở giáo dục cần có thời gian tìm kiếm tuyển dụng giáo viên. Các trường mầm non quốc tế, giáo viên đào tạo theo chuẩn Reggio, nhưng đặc thù của hệ thống này trên toàn thế giới là không cấp chứng chỉ, nhưng ở Việt Nam thì yêu cầu phải có chứng chỉ theo quy chuẩn.

Riêng về quản lý hệ thống sổ sách, hiện tại các trường quốc tế đã áp dụng tin học hoá, sử dụng phần mềm quản lý trên máy tính. Dù vậy, một số quy định của cơ quan quản lý phải viết tay nhiều loại sổ sách, ví dụ như sổ tính khẩu phần ăn của trẻ… Trong bối cảnh đó, trường nào dùng phần mềm lại phải đề nghị giáo viên thay nhau bỏ thời gian ngồi chép tay lại, lãng phí thời gian…

Một vấn đề nữa là các công cụ học tập, theo phương pháp của Reggio là sử dụng một số nhiên liệu thô, tự nhiên, cành cây, giấy, sử dụng các bàn ánh sáng (có đèn led), hoặc bàn gương, kích thích trí tưởng tượng, quan sát không gian 3 chiều…nhưng lại không giống theo chuẩn cơ quan quản lý.

Có cùng quan điểm, bà Anh Hoa đến từ Học viện mầm non Montesorri Việt Nam, một trường quốc tế khác, cho rằng, các trường quốc tế có mức đầu tư cao, học phí cao, áp dụng các phương pháp mới được quốc tế áp dụng nhiều năm nhưng do các quy định thiếu cập nhật, nên chương trình lại khó áp dụng. 

“Phải nói thật là do có lo ngại kiểm tra nên trường phải bố trí giáo viên đi mua các học cụ theo kiểu truyền thống trên thị trường bày tạm ra đối phó, nhưng không rõ có bảo đảm chất lượng không”, bà Anh Hoa chia sẻ.

Bà Hoa cho rằng, không thể coi các phương pháp, cơ sở vật chất khác với quy định là không đúng mà cần phải đặt vấn đề các cơ quan quản lý cần phải cập nhật thông tin về các phương pháp giáo dục mới nhanh hơn, theo kịp yêu cầu của người dân, của thị trường.

Đại diện Học viện mầm non Montesorri Việt Nam dẫn nội dung trong thư gửi học sinh nhân ngày khai trường đầu tiên, Bác đã viết: “Non sông Việt Nam có trở nên vẻ vang hay không, dân tộc Việt Nam có được sánh vai các cường quốc năm châu hay không, chính là nhờ một phần lớn ở công lao học tập của các cháu”.

“Trong trường hợp hiện nay, tôi cho rằng ngoài công học tập của các cháu thì cũng nhờ sự cải tiến quy định của các cấp quản lý”, bà Hoa nói.

Kiểm soát sau chặt, thị trường sẽ sàng lọc

Ông Nguyên Xuân Khang, Hiệu trưởng Trường Trung học phổ thông Marie Curie phân tích, cần nhìn nhận rõ ràng hơn về giáo dục như một hoạt động kinh doanh, chứ không phải hoạt động xã hội. Các quy định quá rườm rà lúc đầu lại làm khó khăn hơn cho các cơ sở làm ăn chân chính, chứ không giúp cho quản lý tốt hơn. Ví dụ, các trường khi thành lập, chưa đủ thời gian tuyển dụng sàng lọc giáo viên, nhưng quy định yêu cầu phải có số lượng giáo viên nhất định, thì các chủ đầu tư hoàn toàn có thể làm giả vài chục hồ sơ.

Thực tế, với những cơ sở làm ăn chân chính thì họ sẽ buộc phải xây dựng uy tín bằng đội ngũ giáo viên chất lượng. Ngược lại, sẽ vẫn có những cơ sở giáo dục không đạt chuẩn, thể hiện qua một số vụ việc xấu về chất lượng đào tạo gần đây.

Còn bà Lại Phương Thảo chia sẻ, với việc bỏ tiền đầu tư khá lớn đầu tư trường mầm non quốc tế, đào tạo giáo viên, nếu không bảo đảm chất lượng, thì chính nhà đầu tư sẽ chịu hậu quả.

“Thực tế hoạt động của trường cho thấy phụ huynh là những người kiểm tra chất lượng sát sao nhất vì để đưa con em đến ở trường thì họ đã tìm hiểu các chương trình hoạt động,họ giám sát hằng ngày hằng giờ”, bà Lại Phương Thảo khẳng định.

Góp ý quy định về chương trình đào tạo, ông Hoàng Anh Đức – Công ty CP giáo dục Edufit cho biết, không nên yêu cầu các trường tư thục phải thực hiện chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành chung cho hệ thống công lập. Bộ nên đưa ra yêu cầu, mục tiêu chuẩn đầu ra cơ bản, còn việc thực hiện thì do cơ sở giáo dục tự lựa chọn các hình thức thực hiện, đảm bảo chất lượng cơ bản, đồng thời cập nhật linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ giáo dục thế giới.

Theo ông Hoàng Anh Đức, nên tạo cơ chế mở, cho phép doanh nghiệp làm những gì mà luật không cấm, thay vì việc chỉ được làm theo những gì luật cho phép.

Quy định không nên yêu cầu các trường tư thục phải thực hiện chương trình do Bộ GD&ĐT ban hành chung cho hệ thống công lập. Bộ nên đưa ra yêu cầu, mục tiêu kỳ vọng về chuẩn đầu ra cơ bản, còn việc thực hiện thì do cơ sở giáo dục tự lựa chọn các hình thức thực hiện, đảm bảo chất lượng cơ bản, đồng thời cập nhật linh hoạt và hiệu quả các tiến bộ giáo dục thế giới.

Theo ông Hoàng Anh Đức, không chỉ bị ảnh hưởng bởi quy định “thừa”, các cơ sở giáo dục cũng khó xử với các quy định thiếu rõ ràng.

Ví dụ Điều 22, Nghị định 46/2017/NĐ-CP quy định về điều kiện đầu tư và hoạt động trong lĩnh vực giáo dục yêu cầu phải có tủ hồ sơ trong lớp học. Điều này là không cần thiết với phương thức quản trị chuyên môn hoá của các trường tư thục. Thêm vào đó, hồ sơ hoàn toàn có thể được lưu trữ số hoá và chỉ in ra khi cần thiết, thay vì việc phải làm hồ sơ bản cứng theo một số sổ sách mẫu, rất bất tiện trong việc quản lý, vận hành.

Tại Hội thảo, lãnh đạo các đơn vị của Bộ GD&ĐT cũng đã phản hồi lại ý kiến của các đại biểu, đại diện các trường tư. Bà Mai Thị Anh - Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ GD&ĐT) chuyển lời của Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ tới các nhà giáo, nhà đầu tư trong lĩnh vực giáo dục khẳng định mong muốn nhận được và ghi nhận nhiều ý kiến đóng góp. Đây là một trong những kênh thông tin quan trọng trong việc xem xét, rà soát nghiêm túc việc cắt giảm các điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục. 


Bà Mai Thị Anh, Phó Vụ trưởng Vụ Pháp chế - Bộ GD&ĐT. Ảnh:VGP/Huy Thắng.

Còn bà Nguyễn Thị Hiếu, Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục mầm non (Bộ GD&ĐT) cho rằng, các quy định của Bộ GD&ĐT hướng tới bảo đảm tối đa chất lượng giáo dục. Thực tế, trên toàn quốc có hơn 15.000 cơ sở giáo dục ngoài công lập, gần xấp xỉ hệ thống trường công, có trường khai báo nhưng chất lượng không đúng yêu cầu. Do đó, vẫn cần có các biện pháp kiểm soát, các chế tài đầy đủ với các cơ sở không đảm bảo yêu cầu. Một số quy định về chương trình sẽ xây dựng theo hướng chương trình khung, các cơ sở giáo dục đào tạo vẫn bám theo và phát triển các chương trình theo phương pháp của mình. 

Ông Đậu Anh Tuấn, Trưởng ban Pháp chế (VCCI) khẳng định, công cuộc cải cách các quy định về điều kiện kinh doanh trong lĩnh vực giáo dục cần có góc nhìn song hành từ cơ quan quản lý và các doanh nghiệp, nhà đầu tư trong lĩnh vực này, việc đối thoại trao đổi thường xuyên là cần thiết.

Ông Đậu Anh Tuấn phân tích, nếu ban đầu đưa ra quá nhiều điều kiện kinh doanh thừa thì sẽ ảnh hưởng tới các động lực tham gia của nhà đầu tư. Về lâu dài điều này làm giảm khả năng cạnh tranh cho doanh nghiệp. Qua thực tiễn  xây dựng các quy định của Việt Nam cũng như trên thế giới, cần có khâu hậu kiểm chặt chẽ, đó là hướng đi đúng mà các cơ quan quản lý đang thay đổi theo. 

“Các cơ quan quản lý cũng cần nhìn lại yêu cầu của Chính phủ là cắt giảm và đơn giản hoá 50% điều kiện kinh doanh không chỉ mang tính cơ học (để thực hiện chỉ tiêu giao)  mà quan trọng cần quán triệt thông điệp lớn của Chính phủ, đó là dư địa cải cách còn nhiều. Điều này đòi hỏi các bộ ngành cần phải triển khai theo hướng tạo môi trường thật sự thuận lợi cho các doanh nghiệp, nhà đầu tư”, ông Đậu Anh Tuấn nhấn mạnh.  

 

Theo Huy Thắng/chinhphu.vn

 

Tệp đính kèm