Giáo dục mở có nghĩa là từng người dân đều có thể học tập thuận lợi. Đây là công việc của toàn xã hội chứ không của riêng bộ ngành, địa phương nào.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nhấn mạnh yếu tố mở đã được đưa vào nhiều chương trình, đề án thực hiện Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo. Ảnh: VGP/Đình Nam
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam đã nhấn mạnh điều này tại hội thảo khoa học quốc gia về “Hệ thống giáo dục mở trong bối cảnh tự chủ, hội nhập quốc tế", tổ chức ngày 16/5.
Gỡ bỏ các rào cản trên con đường đến với giáo dục
Trong phần phát biểu đề dẫn, GS.TS Trần Hồng Quân, Chủ tịch Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam cho rằng tư tưởng mở là một thuộc tính của nền giáo dục Việt Nam. “Ngay khi đất nước giành được độc lập, phong trào Bình dân học vụ đã góp phần xoá mù chữ cho 95% dân số. Những năm tiếp theo hệ thống các trường phổ thông được thành lập ở những nơi xa xôi, khó khăn nhất”.
Sau hơn 30 năm đổi mới hệ thống giáo dục Việt Nam đã có nhiều thay đổi tích cực với sự xuất hiện của nhiều mô hình giáo dục ngoài công lập. Tuy nhiên, nhìn chung hệ thống giáo dục Việt Nam vẫn còn khép kín, chưa tạo điều kiện cho mọi người được tiếp cận giáo dục một cách bình đẳng, rộng rãi.
“Hiện nay đã xuất hiện các trường, lớp theo hướng giáo dục mở, trung tâm tài nguyên học thuật mở xuyên quốc gia, mang tính quốc tế tạo ra khả năng nhiều người tiếp cận với giáo dục cùng sự lựa chọn rất cao của người học, khắc phục được chi phí cao của mô hình giáo dục truyền thống. Đây là động lực để đẩy mạnh xây dựng nền giáo dục mở ở Việt Nam”, GS.TS Trần Hồng Quân nói.
Tại hội thảo, các nhà khoa học tập trung làm rõ quan điểm hệ thống giáo dục mở không phải là hệ thống bên cạnh, bổ sung cho giáo dục truyền thống mà yếu tố mở nằm trong toàn bộ hệ thống giáo dục.
Tất cả các giải pháp của nền giáo dục mở nhằm tạo cơ hội tiếp cận giáo dục rộng rãi cho mọi người. Trong đó người học có thể lựa chọn phương thức học thích hợp với cá nhân từ mục tiêu đào tạo, trường học, chương trình, tốc độ hoàn thành chương trình, giáo viên, tuỳ chỉnh những nội dung thích hợp theo yêu cầu riêng.
Tự chủ cao của người học tạo điều kiện thực hiện cá nhân hoá giáo dục, một ước mơ của các nhà sư phạm, nhằm khai thác, phát huy tiềm năng từng cá nhân. Đồng thời rèn luyện cho người học tự chủ, có suy nghĩ, tư duy độc lập cùng thói quen hoài nghi khoa học và phản biện.
Hệ thống giáo dục mở thể hiện ở sự đa dạng, linh hoạt và dân chủ về loại hình và phương thức đào tạo, tôn vinh thực học, thực nghiệp.
Tham luận của TS. Vũ Ngọc Hoàng đặc biệt nhấn mạnh đến việc bảo đảm thực chất về quyền tự chủ đầy đủ và toàn diện cho các cơ sở giáo dục đại học, cao đẳng về chuyên môn học thuật, bộ máy tổ chức, tài chính. Cùng với đổi mới hệ thống kiểm định, đánh giá chất lượng giáo dục theo hướng các tổ chức kiểm định độc lập đánh giá các cơ sở giáo dục, công khai kết quả để xã hội, người dân giám sát; gắn đào tạo với thị trường.
Đáng chú ý, nhiều nhà khoa học cho rằng, xây dựng hệ thống giáo dục mở, đòi hỏi thay đổi về phương thức quản lý, “tạo không gian đủ rộng cho các cơ sở giáo dục, giáo viên tuỳ biến trong phạm vi nhiệm vụ cụ thể”.
TS. Phạm Đỗ Nhật Tiến đã “điểm danh” 5 rào cản đối với phát triển hệ thống giáo dục mở ở Việt Nam là: Nhận thức, chính sách, kinh tế, sức ì và lợi ích từ hệ thống giáo dục truyền thống.
Nhiều ý kiến đồng tình với quan điểm của GS. Trần Hồng Quân về việc rà soát lại những quy định quản lý, kể cả vấn đề liên quan đến luật pháp, pháp quy để tháo gỡ, tạo điều kiện cho giáo dục mở phát triển. Thời gian tới cần xây dựng và phát triển các trung tâm tài nguyên học tập, học liệu mở có sự liên kết và chia như nhiều trường đại học lớn trên thế giới đã đưa hàng ngàn giáo trình trên mạng và cho sử dụng miễn phí.
Ảnh: VGP/Đình Nam
Giáo dục phải đi trước một bước
Đánh giá cao việc tổ chức hội thảo ở quy mô quốc gia về giáo dục mở, song Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam cũng nhấn mạnh vấn đề này đã được nêu trong Nghị quyết Đại hội Đảng lần thứ X (năm 2006), xác định rõ việc chuyển dần hệ thống giáo dục hiện tại sang hệ thống giáo dục mở.
Trong khi các nhà khoa học tiếp tục làm rõ các khái niệm khoa học về giáo dục mở ở nhiều góc độ khác nhau, từ triết lý đến khái niệm, nhận xét tình hình, thực trạng, giải pháp…, thì đã có nhiều đề án, công việc được phê duyệt và triển khai liên quan đến nội dung này trong Nghị quyết 29/NQ-TW về đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục và đào tạo.
Cụ thể như ban hành khung hệ thống giáo dục, khung trình độ giáo dục; phê duyệt các đề án đổi mới chương trình, sách giáo khoa; đào tạo từ xa; tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giảng dạy; tăng cường dạy ngoại ngữ. Gần đây nhất Chính phủ đã phê duyệt đề án Xây dựng hệ tri thức Việt số hóa với mục tiêu số hoá tất cả các tri thức, trong đó có cơ sở học liệu, nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho người dân có thể tự học, nâng cao trình độ của mình.
“Nhiều đề án cụ thể đã hoàn toàn tiếp cận theo hướng giáo dục mở. Tới đây chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các đề án này”, Phó Thủ tướng cho biết.
Đề cập đến vai trò đi trước của giáo dục trong bối cảnh cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam nêu yêu cầu “phải xóa mù về tri thức công nghệ”, đẩy mạnh tự chủ để tạo điều kiện phát triển giáo dục theo hướng mở.
Phân tích cụ thể đối với giáo dục phổ thông, Phó Thủ tướng cho rằng đây là một trong số ít những chỉ số của Việt Nam xếp hạng dưới 50 trên thế giới. Do vậy, để phát triển theo hướng mở ở cấp học này cần tiếp tục đổi mới cơ chế quản lý trong các trường phổ thông theo hướng phát huy tinh thần sáng tạo, dân chủ, huy động tập thể cán bộ giáo viên của nhà trường cùng với phụ huynh học sinh và học sinh cùng tham gia.
Trong khi đó, giáo dục đại học cần quyết liệt thực hiện đổi mới bởi so với thế giới chúng ta còn rất yếu. Đơn cử, trong số 300 đại học hàng đầu thế giới không có trường nào của Việt Nam, còn trong 350 đại học hàng đầu châu Á cùng chỉ có một vài trường của Việt Nam. Số bài báo khoa học, công trình nghiên cứu công bố trên các tạo chí khoa học quốc tế của các trường đại học Việt Nam rất thấp, không trường nào có tạp chí khoa học được quốc tế xếp hạng.
Vì vậy, phải kiên trì, kiên quyết không chỉ khuyến nghị mà phải đưa vào hành lang pháp lý, có bước tạo sức ép, buộc các trường đại học tự chủ. Từ đó tạo sự cạnh tranh, động lực để các trường phát triển các phương pháp, chương trình đào tạo tiên tiến, hiện đại, theo hướng mở.
Phó Thủ tướng Vũ Đức Đam trao đổi với phóng viên báo chí bên lề hội thảo. Ảnh: VGP/Đình Nam
Đồng tình với nhiều nhà khoa học, Phó Thủ tướng khẳng định những rào cản đối với tinh thần giáo dục mở, cản trở người học, người dạy, cơ sở giáo dục cần phải được gỡ bỏ một cách kiên quyết. Đồng thời tập trung xây dựng hệ thống học liệu mở, một thành phần của đề án Xây dựng hệ tri thức Việt số hóa.
“Hiện một số trường đại học lớn đã cam kết tình nguyện tham gia để làm nòng cốt, kêu gọi tất cả các trường khác cùng tham gia phát triển trước hết cho các trường đại học. Chúng ta cần kêu gọi toàn bộ cộng đồng tham gia Việt hóa các chương trình đào tạo quốc tế có uy tín. Hệ thống học liệu mở có thể phát triển xuống tận các trường phổ thông”, Phó Thủ tướng nói.
Trao đổi thêm về cơ hội từ cuộc cách mạng công nghiệp 4.0, Phó Thủ tướng cho rằng cần cụ thể hoá bằng những việc thiết thực nhằm đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong các lĩnh vực đời sống xã hội mà trước hết là trong giáo dục “sao cho tới đây bằng ứng dụng công nghệ thông tin thì giáo dục hướng tới giáo dục cá nhân, người học có thể học mọi lúc, mọi nơi, trên các thiết bị di động”.
“Giáo dục mở có nghĩa là từng người dân đều có thể học tập thuận lợi. Đây là việc của toàn xã hội chứ không riêng Bộ GD&ĐT, Hiệp hội các trường đại học, cao đẳng Việt Nam, các cơ sở giáo dục. Chúng ta không chỉ tháo gỡ rào cản, mà quan trọng hơn là làm cho cả xã hội và từng cá nhân nhận thức được: học không phải chỉ để lấy bằng cấp mà học để biết, để làm việc, chung sống tốt hơn, sáng tạo ra tri thức để đóng góp cho xã hội”.
Theo Đình Nam/Chinhphu.vn