Những ngày gần đây, nhiều ngân hàng liên tiếp thông báo về việc điều chỉnh mức phí giao dịch qua thẻ ATM, gây bức xúc cho người tiêu dùng. Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã kịp thời có động thái nhắc nhở tình trạng này. Qua đây một lần nữa cho thấy, việc thay đổi chính sách dù nhỏ, nhưng liên quan trực tiếp đến lợi ích của người dân, cần phải được cân nhắc, có lộ trình, bước đi thận trọng.
Khách hàng rút tiền trên máy ATM. Ảnh: TRẦN VIỆT
Hoa mắt với "rừng" phí
Hơn một tháng nay, tin nhắn thông báo biến động số dư từ tài khoản ngân hàng của chị Hà Thanh Hương (Hà Nội) liên tiếp được gửi tới điện thoại với nội dung trừ tiền dịch vụ. Nhẩm tính sơ sơ, đều đặn mỗi tháng tài khoản của chị bị trừ: 11.000 đồng tiền SMS banking, 11.000 đồng tiền mobile banking. Ðây là số tiền mới được phía ngân hàng điều chỉnh tăng, so với trước đó là 8.800 đồng/tháng. Ngoài ra, trong quá trình sử dụng, chị Hương cũng phải nộp nhiều loại phí khác, như phí quản lý thẻ 5.000 đồng/tháng, phí duy trì tài khoản, phí in sao kê, phí chuyển khoản,… Thậm chí, với chính sách thay đổi của một ngân hàng nơi chị mở tài khoản, hiện nay cho dù đến tận Phòng giao dịch của ngân hàng để thực hiện giao dịch gửi tiền, nhưng nếu chị quên giấy tờ chứng minh là chủ tài khoản, cũng sẽ bị mất phí tối thiểu là 10.000 đồng/lần gửi. Mới đây nhất, khi nhận được thông tin ngân hàng này lại tiếp tục tăng phí rút tiền nội mạng ATM, chị Hương thật sự ngán ngẩm.
Không riêng chị Hà Thanh Hương, hầu hết những người tiêu dùng khi được hỏi về việc ngân hàng dồn dập tăng các loại phí trong thời gian gần đây, đều bày tỏ thái độ bức xúc. Anh Lê Xuân Hùng, chủ một doanh nghiệp tư nhân tại Hà Nội cũng "choáng váng" với mức phí ngân hàng mỗi tháng. "Doanh nghiệp tôi lúc nào cũng duy trì một khoản tiền gửi không kỳ hạn gần một tỷ đồng tại ngân hàng. Nhưng tháng nào, tôi cũng phải đóng rất nhiều loại phí. Mới đây nhất, từ đầu tháng 5 này, dù không nhận được bất kỳ tin nhắn hay thông báo bằng thư điện tử nào từ phía ngân hàng, song khi thanh toán, bất ngờ lại được báo rằng ngân hàng đã tăng phí dịch vụ SMS từ 50.000 đồng lên 200.000 đồng/tháng, phí dịch vụ internet banking tăng từ 350.000 đồng/năm lên một triệu đồng/năm" - anh Hùng chia sẻ.
Cần minh bạch thông tin
Người tiêu dùng thì bức xúc khi ngân hàng tăng phí. Nhưng phía các ngân hàng, cũng có những nguyên nhân giải thích cho việc điều chỉnh của mình. Tuy nhiên, vấn đề đặt ra là làm thế nào để hài hòa lợi ích của cả hai bên? Và phía ngân hàng đã thật sự minh bạch về các loại phí cũng như lộ trình tăng phí với khách hàng hay chưa?
Ðơn cử như việc tăng phí rút tiền qua thẻ ATM trong những ngày qua, Chủ tịch Hội Thẻ Ngân hàng Việt Nam kiêm Phó Tổng Giám đốc Ngân hàng thương mại cổ phần Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) Ðào Minh Tuấn lý giải: Thông tư số 35/2012/TT-NHNN của NHNN quy định về phí dịch vụ thẻ ghi nợ nội địa cho phép các ngân hàng được thu phí thẻ ATM nội mạng kể từ ngày 1-3-2013. Cụ thể, mức phí áp dụng tối đa cho một giao dịch rút tiền nội mạng trong năm 2013 là 1.000 đồng, tiếp đó tăng dần lên 2.000 đồng vào năm 2014 và 3.000 đồng từ năm 2015 trở đi. Nhưng, trên thực tế, đến nay mức trần thu phí thẻ ATM mới được một số ngân hàng áp dụng. Do đó, việc tăng phí là phù hợp quy định cũng như thông lệ, đã được tính toán trong lộ trình từ sáu năm trước.
Trong khi đó, về chi phí duy trì ATM, hiện vẫn cao hơn rất nhiều mức phí mà các ngân hàng đang thu. "Tại Việt Nam, 97% các giao dịch với thẻ ghi nợ nội địa vẫn là để rút tiền, thay vì thanh toán các hàng hóa dịch vụ. Chính thực tế này dẫn đến việc các ATM ở Việt Nam đang quá tải và xuống cấp nhanh hơn các quốc gia khác. Con số 7.000 đến 10.000 đồng cho một giao dịch các ngân hàng đưa ra đã tính mọi chi phí, gồm cả bảo trì, duy trì một ATM trong nhiều năm" - ông Ðào Minh Tuấn chia sẻ.
Tuy việc tăng phí ATM của các ngân hàng phù hợp quy định và theo lộ trình, nhưng một số chuyên gia kinh tế chia sẻ, sở dĩ ngân hàng vẫn gặp phải phản ứng gay gắt từ phía khách hàng là bởi sự thiếu minh bạch trong vấn đề thu phí cũng như công khai các mức phí. Cụ thể, như việc có ngân hàng quy định thu phí giao dịch nộp tiền vào tài khoản đối với người giao dịch không phải là chủ tài khoản; hay tài khoản bị "bỏ quên" trong nhiều năm, khi chủ tài khoản đến giao dịch lại bị thu rất nhiều loại phí,… Hay như đối với việc điều chỉnh tăng phí ATM, dù ngân hàng thường xuyên gửi thông tin quảng bá dịch vụ hoặc khuyến cáo bảo mật tới khách hàng, song nhiều khách hàng lại không nhận được bất kỳ một tin nhắn hay thư điện tử thông báo nào về thu phí. Người tiêu dùng chỉ biết đến việc tăng phí qua việc tình cờ truy cập vào website của ngân hàng hoặc phương tiện thông tin đại chúng.
Ngay sau khi một số ngân hàng lớn thông báo tăng phí rút tiền nội mạng ATM từ 1.100 đồng lên 1.560 đồng, NHNN kịp thời chỉ đạo, yêu cầu các ngân hàng cân nhắc dừng tăng phí rút tiền ATM nội mạng nhằm tạo sự đồng thuận trong dư luận. Ðồng thời, còn yêu cầu các ngân hàng cần minh bạch trong thu phí để khách hàng hiểu rõ khung biểu phí theo quy định. "Quan điểm của NHNN là bảo vệ quyền lợi hợp pháp của khách hàng và cân bằng lợi ích giữa ngân hàng và khách hàng để tạo ra sự hài hòa giữa người cung cấp và người sử dụng dịch vụ. Theo đó, nếu có tăng, cần phải có lộ trình và có sự chia sẻ để người dân chấp nhận; đồng thời, bảo đảm ngân hàng thương mại cũng có nguồn lực để đầu tư vào công nghệ vận hành máy móc tốt hơn" - đại diện lãnh đạo NHNN chia sẻ.
Thực tế hiện nay, mức phí thu của các ngân hàng không cao, nhưng vẫn vấp phải phản ứng của khách hàng là vì có quá nhiều loại phí, thậm chí có những loại phí vô lý như vắn tin, sao kê tài khoản, chuyển tiền nội mạng,... Các loại phí như: phí thường niên, mở thẻ,... ngân hàng cũng không nên thu mà có thể áp dụng quy định duy trì số dư tối thiểu trên tài khoản, số dư càng cao thì phí càng thấp. Khi tăng phí dịch vụ, người dân sẽ có xu hướng quay lại sử dụng tiền mặt. Ðiều này sẽ ảnh hưởng đến chủ trương thanh toán không dùng tiền mặt của Chính phủ. Do đó, các ngân hàng nên xem xét lại tổng thể biểu phí, tránh gây bức xúc cho khách hàng.
TS Nguyễn Trí Hiếu-Chuyên gia kinh tế
Nếu tính toán đầy đủ, khách hàng đang phải thực trả từ 7.000 đồng đến 10.000 đồng/giao dịch, chứ không phải 3.000 đồng/giao dịch. Mức phí này luôn có xu hướng tăng. Vậy liệu đầu tư vào một cây ATM bao nhiêu tiền, bắt khách hàng phải chịu hết phí hay không? Hiệp hội thẻ Việt Nam nên đưa ra một mức thu phí hài hòa lợi ích của ngân hàng và mong muốn của khách hàng.
PGS, TS Nguyễn Thị Mùi-Chuyên gia tài chính ngân hàng
Theo HỒNG ANH/nhandan.com.vn