Cập nhật: 19/05/2018 10:30:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Với nhiều điểm thay đổi đột phá so với Luật năm 2012, Dự thảo Luật Giáo dục Đại học (GDĐH) đang thu hút sự quan tâm đặc biệt của dư luận. Không ít người băn khoăn: tại sao chỉ sau 5 năm ban hành, Luật GDĐH đã phải sửa đổi?

Nhiều bất cập sau 5 năm đi vào cuộc sống

Trong báo cáo đánh giá tác động của Luật GDĐH 2012 do Bộ Giáo dục và Đào tạo thực hiện, Luật GDĐH năm 2012 đã có nhiều quy định đổi mới trong GDĐH, đặt nền móng pháp lý ban đầu đối với tự chủ đại học, tạo điều kiện thuận lợi cho các cơ sở GDĐH nâng cao chất lượng đào tạo, khẳng định vị thế và vai trò quan trọng của GDĐH trong hệ thống giáo dục quốc dân, góp phần phát triển kinh tế - xã hội của đất nước và nâng cao sức cạnh tranh của quốc gia trong khu vực và thế giới.

Luật Giáo dục đại học sửa đổi lần này sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn.

Tuy nhiên, thực tế 5 năm qua đã cho thấy tốc độ phát triển nhanh chóng của khoa học công nghệ cũng như sự vận động, biến đổi không ngừng của đời sống văn hóa, chính trị, kinh tế - xã hội trên toàn thế giới. GDĐH cần có môi trường pháp lý phù hợp hơn để bắt kịp và thích ứng với những thay đổi này.

Cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 với dự báo thay đổi cơ cấu ngành nghề, phương thức sử dụng lao động; sự bùng nổ của các hình thức đào tạo từ xa tận dụng triệt để những lợi thế của khoa học công nghệ dẫn đến những thay đổi về quan điểm, tiêu chí về trường đại học; xu hướng học tập suốt đời và xây dựng xã hội học tập... đã tác động không nhỏ tới quá trình đào tạo nhân lực trình độ cao. GDĐH ngày nay không chỉ phát triển trong phạm vi quốc gia mà còn phải có tính cạnh tranh toàn cầu.

Trong bối cảnh đó, Luật GDĐH năm 2012 đã bộc lộ một số hạn chế, bất cập trước yêu cầu mới của thực tiễn quản lý, tổ chức và hoạt động GDĐH trong điều kiện phát triển kinh tế - xã hội và hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.

Cùng với yêu cầu thực hiện các chủ trương đổi mới của Đảng và Nhà nước, những hạn chế, bất cập này của Luật GDĐH năm 2012 đã trở thành những điểm nghẽn, nút thắt trong quá trình thực hiện đổi mới căn bản, toàn diện GDĐH.

Dự kiến, theo kế hoạch, dự án Luật sẽ trình xin ý kiến quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây.

Nhiều chính sách cũ không còn phù hợp với thực tế mới, một số thực tế phát sinh đòi hỏi Luật GDĐH cũng phải thay đổi để điều chỉnh, thích ứng. Gần đây nhất chính là câu chuyện bổ nhiệm hiệu trưởng GS Trương Nguyện Thành không đủ điều kiện bổ nhiệm Hiệu trưởng ĐH Hoa Sen vì vướng những yêu cầu liên quan tới kinh nghiệm, thâm niên quản lý.

Luật GDĐH năm 2012 chưa quy định rõ về quyền tự chủ đại học và quản trị đại họC; Các quy định về tài chính, tài sản chưa hoàn toàn phù hợp với chủ trương thực hiện tự chủ đại học; Quyền tự chủ trong hoạt động chuyên môn (đào tạo, khoa học và công nghệ, hợp tác quốc tế…) của các cơ sở GDĐH còn bị hạn chế; Quản lý đào tạo còn chưa phù hợp với xu hướng quốc tế; Quản lý nhà nước còn nhiều điểm chưa phù hợp với điều kiện tự chủ đại học…

Hơn nữa, sau thời điểm Luật GDĐH có hiệu lực, hàng loạt chủ trương, chính sách của Đảng, văn bản pháp luật của Nhà nước mới ra đời có ảnh hưởng trực tiếp đến việc thực hiện Luật GDĐH khiến cho một số quy định về thẩm quyền ban hành văn bản, các tiêu chuẩn, nhiệm vụ quản lý nhà nước về giáo dục ... được quy định tại Luật GDĐH không còn phù hợp với các quy định của pháp luật hiện hành.

Cùng với đó, những nội dung mới đặt ra trong Nghị quyết số 29 của Trung ương Đảng; những vấn đề và xu hướng mới đặt ra từ thực tiễn của Việt Nam cũng như các nước tiên tiến trên thế giới… đặt ra cho GDĐH những vấn đề bất cập cần giải quyết để đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của đất nước.

Vì vậy, Dự thảo Luật được đề xuất sửa đổi 39/73 điều, chiếm 53% tổng số điều của Luật GD ĐH năm 2012 và bổ sung 2 điều, tập trung vào 04 nhóm chính sách lớn: Mở rộng phạm vi và nâng cao hiệu quả tự chủ đại học; Đổi mới quản trị đại học; Đổi mới quản lý đào tạo; Đổi mới quản lý nhà nước trong điều kiện tự chủ đại học.

Xuất phát từ những lý do trên, Bộ GD-ĐT đã xây dựng Dự thảo sửa đổi, bổ sung Luật GD ĐH nhằm khắc phục những hạn chế, bất cập về pháp luật đối với GDĐH trong thời gian qua; hoàn thiện khung pháp lý, giải quyết những vấn đề mới phát sinh và đáp ứng yêu cầu đổi mới GDĐH trong thời gian tới, phục vụ yêu cầu phát triển kinh tế, xã hội, đào tạo nguồn nhân lực chất lượng cao trong thời kỳ đẩy mạnh công nghiệp hoá, hiện đại hoá đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế.

Việc xây dựng Dự án Luật cũng sẽ thể chế hóa quan điểm đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục đại học của Đảng và Nhà nước, đáp ứng yêu cầu của thực tiễn để phát triển và hội nhập quốc tế

Cân nhắc sửa toàn bộ Luật GDĐH

Qua các ý kiến góp ý của các cơ quan: Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội (UBVHGDTNTNNĐQH)…, Bộ GD-ĐT đã phối hợp với các cơ quan liên quan nghiên cứu, tiếp thu để chỉnh lý Dự án Luật với tổng cộng 31 vấn đề, trong đó dự kiến tiếp thu 16 vấn đề, giải trình 12 vấn đề và tiếp tục nghiên cứu 03 vấn đề.

Trong đó, tiếp thu ý kiến của Thường trực UBVHGDTNTNNĐQH đề nghị “Dự thảo Luật trình sửa đổi 39/73 điều, bổ sung 2 điều nhưng có những vấn đề chưa phải là cốt lõi”, cơ quan soạn thảo đã rà soát lại, lược bỏ một số điều chưa phải là cốt lõi, dự kiến đề xuất sửa đổi, bổ sung 32/73 điều, chiếm 43%; bổ sung 2 điều và rà soát một số điều về kỹ thuật.

Ngoài ra, Dự thảo Luật đã chỉnh lý một số nội dung như: quy định rõ điều kiện để cơ sở GDĐH được tự chủ; hoàn thiện các quy định liên quan đến Hội đồng trường…

Trong số 12 vấn đề giải trình, có ý kiến đề nghị cân nhắc rà soát lại phạm vi sửa đổi toàn diện Luật vì số lượng điều khoản được lựa chọn sửa đổi, bổ sung tương đối lớn và liên quan đến hầu hết các vấn đề cơ bản, quan trọng của Luật GDĐH 2012.

Về vấn đề này, Vụ trưởng Vụ GD ĐG, bà Nguyễn Thị Kim Phụng – Thành viên Ban soạn thảo cho hay, Dự thảo Luật đã bao quát hầu hết các vấn đề cần sửa đổi, bổ sung đối với Luật GDĐH năm 2012, và các nội dung này đã được tích hợp trong 04 chính sách cần sửa đổi, bổ sung của Dự án Luật.

Do vậy, cơ quan soạn thảo đề xuất được giữ tên của dự thảo Luật như đã được phê duyệt tại Nghị quyết số 34/2017/QH14 là: Luật Sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học nhằm giải quyết một số vấn đề bức xúc và vướng mắc của GDĐH hiện nay. Tuy nhiên, tại Kỳ họp tháng 5 năm 2018, nếu Quốc hội yêu cầu xây dựng Luật GDĐH sửa đổi, bổ sung thì Cơ quan soạn thảo tiếp tục rà lại và thực hiện theo Nghị quyết của Quốc hội.

Dự kiến, theo kế hoạch, dự án Luật sẽ trình xin ý kiến quốc hội tại kỳ họp thứ 5 và tiếp tục trình Quốc hội thông qua vào kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIV tới đây./.

 

Theo PV/VOV.VN

Tệp đính kèm