Bộ GD-ĐT thu hồi đề án 749 tỷ đồng không phải là chuyện mới. Qua việc này, Bộ cần rút kinh nghiệm để tránh gây tâm lý lo lắng cho người dân.
Mấy ngày nay, dư luận xã hội đang băn khoăn, lo lắng về Đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" của Bộ GD-ĐT với kinh phí được tính toán lên tới 749 tỷ đồng được đăng tải trên một số trang báo.
Ngay lập tức, ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ đã yêu cầu thu hồi để sửa đổi vì có nhiều khoản chi “trùng lặp”. Dù đánh giá việc Bộ thu hồi đề án thể hiện tinh thần cầu thị, tiếp thu ý kiến người dân và sửa đổi, nhưng nhiều ý kiến cũng cho rằng, Bộ GD-ĐT cần nghiêm túc rút kinh nghiệm để tránh lặp lại việc ban hành những đề án không khả thi, sau đó lại phải thu hồi.
Bộ GD-ĐT vừa thu hồi đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" với tổng kinh phí thực hiện hơn 749 tỷ đồng (ảnh minh họa)
Ngày 17/4/2018, Bộ GD-ĐT đã phê duyệt Đề án có tên "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" với tổng kinh phí thực hiện hơn 749 tỷ đồng. Mặc dù có tên là "đổi mới”, nhưng ngay trong nội dung đề án này thì trong ba năm thực hiện (từ năm 2018-2020), kỳ thi THPT quốc gia về cơ bản không thay đổi so với phương án thi THPT quốc gia đã thực hiện năm 2017 và phương thức thi THPT quốc gia năm 2018 đã công bố.
Việc đầu tư được chú trọng vào công tác xây dựng ngân hàng câu hỏi thi chuẩn hóa phục vụ ra đề thi, với tổng số tiền trên 266 tỷ đồng; đầu tư hạ tầng kỹ thuật phục vụ tổ chức thi và tuyển sinh; xây dựng và đầu tư hệ thống cơ sở hạ tầng trung tâm tổ chức thi vệ tinh quốc gia.
Sau gần 1 tháng được phê duyệt và một số trang báo thông tin về đề án, ngay lập tức đề án đã vấp phải sự phản đối của dư luận, đặc biệt là về khoản kinh phí hơn 749 tỷ đồng thực hiện đề án trong 3 năm.
Nhiều người đặt câu hỏi: liệu có quá lãng phí khi dành một khoản tiền lớn cho một đề án “về cơ bản không thay đổi” so với cái cũ? Trong khi đó, sau năm 2020 chưa xác định được phương thức thi ra sao do phụ thuộc vào việc triển khai chương trình giáo dục phổ thông mới... thì việc đầu tư số tiền lớn vào việc xây dựng ngân hàng câu hỏi liệu có hợp lý hay không?
Tiến sỹ Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT Đinh Tiên Hoàng, Hà Nội nói: “Đề án này đưa ra chỉ làm được một phần rất nhỏ trong đề án đổi mới thi, tức là đặt ra vấn đề chuẩn bị bộ đề trắc nghiệm, như thế là không đạt yêu cầu. Cái mong đợi của các nhà trường là sau 2020, từ 2021 trở đi thì sẽ thi thế nào. Ba năm nay mô hình ổn định rồi chỉ còn giải quyết vấn đề câu hỏi trắc nghiệm thì không phải là vấn đề lớn. Nếu giải quyết vấn đề câu hỏi trắc nghiệm thì chắc chắn không đến ngần ấy tỷ”.
Sau khi dư luận xã hội bày tỏ những băn khoăn, lo lắng về đề án này, ngay lập tức, ngày 22/5, Bộ trưởng Bộ GD-ĐT Phùng Xuân Nhạ chỉ đạo kiểm tra lại nội dung đề án và đưa ra kết luận: “Nội dung về tài chính được tính toán tích hợp từ nhiều nguồn liên quan, có sự trùng lặp, một số nội dung thiếu khả thi. Bên cạnh đó, có một số khoản mục là chi phí gián tiếp chứ không trực tiếp cho hoạt động tổ chức thi”. Do vậy, Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ đã chỉ đạo thu hồi đề án để tiếp tục hoàn thiện.
Việc Bộ GD-ĐT thu hồi một đề án “có nhiều vấn đề” để tiếp tục hoàn thiện được nhiều ý kiến đánh giá là có tinh thần cầu thị, lắng nghe, tiếp thu ý kiến từ dư luận, từ báo chí về tính hiệu quả, khả thi của đề án để xem xét lại. Tuy vậy, dư luận xã hội cũng đặt câu hỏi “phải chăng năng lực của một bộ phận cán bộ của Bộ GD-ĐT có vấn đề” khi xây dựng một đề án “không đạt yêu cầu” phải thu hồi để làm lại, bởi đây không phải là lần đầu tiên xảy ra tình trạng này.
Tiến sĩ Lê Viết Khuyến, nguyên Phó Vụ trưởng Vụ Giáo dục Đại học (Bộ GD-ĐT) nêu ý kiến: “Ngành giáo dục đã nhiều lần có những chuyện như thế. Thí dụ như đề án giáo dục phổ thông quốc gia mà khi đưa ra 34.000 tỷ đồng, sau đó rút xuống 800 tỷ, đề án đào tạo tiến sỹ thì cuối cùng cũng là đề án trên trời và hiệu quả rõ ràng không ổn, rồi đề án ngoại ngữ cũng có vấn đề. Đáng lý qua việc đó phải rút kinh nghiệm, khâu chuẩn bị phải tốt hơn cho việc xây dựng những đề án, nhưng mà chúng ta xây dựng đề án vẫn như trên trời. Đây là cái lỗi vội vàng quá và chủ quan quá của những người soạn thảo đề án này. Cho nên dứt khoát là phải rút kinh nghiệm”.
Có dư luận cho rằng, nếu không có báo chí vào cuộc, liệu đề án có được triển khai? Ông Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu Quốc hội của tỉnh Vĩnh Long cho rằng, mỗi đề án, chính sách của cơ quan quản lý nhà nước cấp Bộ đều có tác động trên phạm vi cả nước. Lĩnh vực giáo dục liên quan đến mọi gia đình, nên mỗi đề án, chính sách đều được người dân quan tâm. Vì vậy, Bộ GD-ĐT cần rút kinh nghiệm trong việc xây dựng các chương trình, đề án để tránh việc gây tâm lý lo lắng cho người dân.
“Tất cả những chính sách, đề án khi được công bố là phải được soạn thảo, được chuẩn bị một cách kỹ lưỡng, cẩn trọng, với một chất lượng tốt, để khi ban hành thì được dư luận đón nhận ủng hộ tránh tình trạng chúng ta vừa công bố 1 đề án mà chưa áp dụng thì đã phải thu hồi. Khi thu hồi lại là những lý do hết sức kỹ thuật, đó là số liệu không khớp, tổng hợp nhiều nguồn. Bộ GD-ĐT phải hết sức rút kinh nghiệm trong quá trình xây dựng các đề án và ban hành các chính sách của mình”, ông Phạm Tất Thắng nói.
Sự việc đề án "Đổi mới thi THPT quốc gia và tuyển sinh đại học, cao đẳng sư phạm, trung cấp sư phạm hệ chính quy giai đoạn 2018-2020" vừa được Bộ GD-ĐT phê duyệt, nhưng chưa kịp triển khai đã bị thu hồi để xem xét lại, về bản chất là Bộ chưa làm tròn trách nhiệm quản lý nhà nước được giao.
Theo Minh Hường/VOV.VN