Cập nhật: 31/05/2018 12:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nghị quyết của Đảng quy định, lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp. Tuy nhiên, Dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục vừa được báo cáo tại Quốc hội vừa qua lại không đề cập tới việc tăng lương cho giáo viên. Đây là bất cập mà nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ quan điểm bên lề Quốc hội.

Đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp), Ủy viên thường trực Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh nhiên, Thiếu niên, Nhi đồng của Quốc hội.

Lương giáo viên phải được ưu tiên xếp cao nhất

Trong Báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục, Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội Phan Thanh Bình cho biết, đối với chính sách lương của nhà giáo, Ủy ban đề nghị ban dự thảo bám sát Nghị quyết của Đảng để thể chế hóa trong Luật, tạo cơ sở để Chính phủ xây dựng các đề án cải cách tiền lương. Nghị quyết quy định “lương của nhà giáo được ưu tiên xếp cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp và có thêm phụ cấp tùy theo tính chất công việc, theo vùng”.

Ủy ban cũng đề nghị bổ sung quy định ưu đãi lương gắn với trình độ đào tạo hoặc văn bằng của nhà giáo để khuyến khích sinh viên theo học trình độ phù hợp, khuyến khích nhà giáo tích cực học tập để nâng chuẩn đào tạo.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa (Đồng Tháp) cho biết, nhiều người, đặc biệt là giáo viên kỳ vọng lần sửa đổi Luật Giáo dục này sẽ giải quyết vấn đề về lương cho giáo viên. Bộ GD-ĐT ngay từ dự thảo ban đầu cũng có đề xuất lương của giáo viên phải ở bậc cao nhất đúng theo tinh thần Nghị quyết 29. Nhưng ý kiến một số bộ, ngành liên quan lại cân nhắc không đề xuất về lương giáo viên trong Luật.

Từ góc độ là thành viên Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội, đại biểu này cho rằng, cần quy định trong Luật Giáo dục sửa đổi lần này liên quan đến chính sách tiền lương, thu nhập cho nhà giáo.

“Nếu không có những quy định có tính chất ưu đãi về lương, để lương giáo viên thấp thì rõ ràng không bao giờ thu hút được người giỏi. Thầy thuốc cũng như thầy giáo được xã hội coi trọng. Lương bác sĩ cũng rất thấp nhưng thực tế, số sinh viên đăng ký vào ngành y toàn người giỏi và điểm chuẩn rất cao. Rõ ràng thu nhập của người bác sĩ không phải là lý do để cho những người giỏi không chọn ngành y. Nhưng lương của giáo viên thấp, điều kiện làm việc của giáo viên không bảo đảm là một trong những lý do các em học sinh giỏi không lựa chọn thi vào sư phạm. Nên đây là vấn đề cần phải tính trong việc sửa đổi Luật Giáo dục lần này”, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa nói.

Đại biểu Phạm Tất Thắng, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, Giáo dục, Thanh niên, Thiếu niên và Nhi đồng của Quốc hội bày tỏ quan điểm, Nghị quyết của Đảng xác định lương của giáo viên là lương cao nhất trong hệ thống thang bậc lương hành chính sự nghiệp có cách đây cả chục năm nhưng chưa thể chế hóa. “Tới điểm này, khi tiến hành sửa đổi Luật Giáo dục, chúng tôi muốn Luật sẽ đề cập đến việc xây dựng thang bảng lương cho đội ngũ nhà giáo, cán bộ quản lý giáo dục theo đúng tinh thần Nghị quyết của Đảng”, đại biểu này cho hay.

Về vấn đề này, đại biểu Nguyễn Ngọc Phương (Quảng Bình) bày tỏ, hiện nay về mặt xã hội và đánh giá chung giáo viên thiệt thòi hơn về lương. “Thang bảng lương của giáo viên thiệt thòi so với bảng lương của công chức nhà nước. Thí dụ, giáo viên cao cấp phổ thông lương cũng chỉ bằng chuyên viên chính. Như vậy, thang bảng lương bất cập. Lương giáo viên so với ngành khác thấp, đặc biệt là giáo viên mầm non. Việc cải cách tiền lương lần này tăng lương cho giáo viên là cần thiết”, đại biểu này bày tỏ quan điểm.

Nâng chuẩn giáo viên

Trong báo cáo thẩm tra dự án Luật sửa đổi, Ủy ban cơ bản tán thành với việc nâng trình độ chuẩn đào tạo của giảng viên đại học và giáo viên trung học cơ sở như trong Dự thảo Luật, đồng thời nhấn mạnh, việc chuẩn hóa đội ngũ không chỉ ở tiêu chí trình độ đào tạo, mà quan trọng là chất lượng đào tạo và năng lực làm việc phù hợp với vị trí việc làm của nhà giáo.

Đối với giáo viên tiểu học, báo cáo thẩm tra cho biết, nhiều đại biểu còn băn khoăn về tính khả thi của phương án nâng chuẩn trình độ đào tạo từ trung cấp lên đại học vì hiện nay, còn đến 40% (khoảng 160 nghìn) số giáo viên tiểu học có trình độ đào tạo từ cao đẳng trở xuống, trong đó chủ yếu tập trung ở các địa bàn khó khăn, thiếu giáo viên. Do vậy, cần đánh giá đầy đủ hơn tình hình thực tiễn, xác định lộ trình, phương thức đào tạo nâng chuẩn để bảo đảm tính khả thi; đánh giá tác động đối với hệ thống các trường cao đẳng sư phạm và số giáo sinh sư phạm đang theo học hệ cao đẳng khi chính sách này được thực hiện.

Bên hành lang Quốc hội, đại biểu Nguyễn Thị Mai Hoa chia sẻ quan điểm, với giáo viên bậc tiểu học, việc nâng chuẩn về giáo dục đào tạo chỉ là một phần trong yêu cầu đối với giáo viên. “Việc nâng chuẩn giáo viên không phải chỉ là vấn đề phụ cấp. Điều tôi băn khoăn và xã hội mong muốn là nâng cao năng lực, kỹ năng sư phạm của người đứng lớp. Đối với bậc học mầm non, tiểu học thì việc trình độ đào tạo cao chưa hẳn đã quyết định chất lượng giáo viên mà còn là kỹ năng sư phạm, còn là tình cảm, tâm huyết để nhà giáo có thể hỗ trợ cho người học trong việc tiếp cận các kiến thức tại nhà trường. Bên cạnh việc nâng chuẩn phải tính đến bồi dưỡng thêm cho các nhà giáo”, đại biểu này bày tỏ. 

Theo NHÓM PHÓNG VIÊN/nhandan.com.vn

 

Tệp đính kèm