Cẩm Giàng (Hải Dương) thuộc xứ Đông thành Thăng Long xưa. Mảnh đất xanh kết nối ba tỉnh Hải Dương, Hưng Yên và Bắc Ninh, cách Hà Nội chừng 40 km, với những cung đường tấp nập tàu xe. Văn miếu Mao Điền nơi đây là một địa chỉ văn hóa và du lịch tâm linh độc đáo thu hút du khách thập phương.
Bia Văn miếu Mao Điền
Văn miếu Mao Điền thờ Khổng Tử và các vị quan văn, đại nho nổi tiếng trong giai đoạn triều Mạc và Lê Trung Hưng. Bên cạnh khu Văn miếu còn là trường học và trường thi, tuyển chọn những người tài. Để khuyến học, Văn miếu thường dựng bia, khắc tên các vị đại khoa và hương khoa. Những dấu ấn đó vẫn còn được lưu giữ cho đến ngày nay.
Cách đây không lâu, huyện Cẩm Giàng làm lễ khánh thành hệ thống bia tiến sĩ và công bố quyết định của Hội đồng xác lập Kỷ lục Việt Nam công nhận Văn miếu Mao Điền là 1 trong 5 địa chỉ khuyến học lớn nhất Việt Nam. Về quy mô và diện tích Văn miếu Mao Điền chỉ đứng thứ hai sau Văn miếu Hà Nội nhưng lại là nơi duy nhất có hệ thống văn bia ghi chép đầy đủ danh sách 637 tiến sĩ và 12 trạng nguyên của trấn Hải Dương xưa, tính từ các khoa thi (1075-1919). Đây còn là địa chỉ văn hóa du lịch tâm linh và khuyến học lớn nhất ở phía Bắc, nơi thờ Khổng Tử và 8 vị Đại khoa, tiêu biểu cho các lĩnh vực và triều đại (trong đó có 7 vị là người Hải Dương).
Văn miếu Mao Điền thuộc làng Mậu Tài, xã Cẩm Điền, huyện Cẩm Giàng được lập ra từ thời Lê Sơ (1428-1527), với mục đích chỉ tổ chức thi Hương có trấn Hải Dương, cùng những kẻ sĩ ở các vùng đất phía đông kinh thành Thăng Long. Đặc biệt đến triều nhà Mạc (1529-1592) đã tổ chức 4 khoa thi Hội tại đây. Trong đó, tại khoa thi năm 1535, xuất hiện một ngôi sao sáng là Trạng nguyên Nguyễn Bỉnh Khiêm, người đã đỗ thủ khoa cả ba kỳ thi Hương-Hội-Đình. Sau này Nguyễn Bỉnh Khiêm với tài thao lược và trí tuệ siêu phàm trở thành quân sư cho nhiều đời vua chúa sau đó. Ngài cũng là một trong 8 vị Đại khoa được tôn thờ tại đây, cùng với những cái tên lừng lẫy như Chu Văn An, Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Trãi, Tuệ Tĩnh, Phạm Sư Mạnh, Vũ Hữu và Nguyễn Thị Duệ. Mỗi cuộc đời của 8 vị Đại khoa là một sự nghiệp tráng lệ, nổi danh với nhiều công trạng trong công cuộc xây dựng đất nước và sự nghiệp chiến đấu bảo vệ non sông. Họ đều là những tài năng lỗi lạc một thời và trở thành vị thánh hiền bất tử của miền đất Hải Dương.
Mỗi khi bước chân đến đây, dưới gốc cây gạo hơn 200 năm tuổi, tiếng khánh, tiếng chuông ngân lên với những câu chuyện kể cùng những vần thơ chan chứa nỗi lòng vì non sông yêu dấu. Không ai không nhớ đến Thiền sư Tuệ Tĩnh, ông tổ của ngành thuốc Việt Nam, người con của Cẩm Giàng lưu lạc đất khách quê người. Ông sinh năm 1330, tại một gia đình nông dân ở Cẩm Vũ, Cẩm Giàng. Nhưng cha mẹ mất sớm nên được nhà chùa nuôi ăn học thành tài và chuyên trị chữa bệnh cứu người. Ông đỗ đạt cao ở các khoa thi Hương và thi Đình, nhưng lại về chùa nghiên cứu thuốc Nam và tìm ra những bài thuốc pha chế bằng những lá cây và hoa quả thiên nhiên… Nhiều lần ông đã trị bệnh cho vua và các vị quan trong triều đình nhà Trần và xây dựng hàng chục bệnh xá, tại các nhà chùa để cứu nhân độ thế. Thiền sư Tuệ Tĩnh nức tiếng gần xa, về đức độ và tài năng trị bệnh. Có lần trận dịch lớn xảy ra khắp nơi nhưng đã bị dập tắt nhờ tài danh trị bệnh bằng cây thuốc lá của thiền sư, cứu được hàng trăm người. Nhân gian coi ngài là Thần y. Nhưng bi kịch xảy ra khi Thiền sư ở tuổi 55 (1358) bị đi cống cho triều đình nhà Minh. Tuệ Tĩnh là người chuyên chữa bệnh cho vua nhà Minh và được phong là Đại y Thiền sư. Vì Tổ quốc, Tuệ Tĩnh đã hy sinh cuộc đời mình trên xứ người. Ngôi mộ của Thiền sư Tuệ Tĩnh nay vẫn nằm trên đất Giang Nam, Trung Quốc, với dòng chữ ghi trên bia: “Ai về nước Nam cho tôi về với”. Đó là tiếng vọng muôn thuở của người con vĩ đại muốn trở về đất mẹ trong nỗi tuyệt vọng khôn cùng.
Sự nghiệp của Tuệ Tĩnh đã để lại bộ sách “Nam dược thần hiệu” và bộ “Hồng Nghĩa giác y thư”, với bản thảo 500 bài thuốc Nam, viết bằng thơ Nôm Đường luật. Kèm theo đó Tuệ Tĩnh còn viết bài “Phú thuốc Nam”, 630 vị cũng bằng chữ Nôm. Có thể coi đây là những tác phẩm văn học ở thời kỳ đầu văn học chữ Nôm ở nước ta. Trước khi đi sứ, Tuệ Tĩnh còn để lại 3.873 phương thuốc chữa trị cho 182 chứng bệnh mà ông đã tích luỹ qua 30 năm hoạt động chữa bệnh cứu người. Đến nay không ai không nhớ đến câu thơ về phương pháp dưỡng sinh của ông: “Bế tinh- dưỡng khí- tồn thần. Thanh tâm- quả dục- thủ chân- luyện hình”. Đó là bài học nhấn mạnh tác dụng việc rèn luyện thân thể và sinh hoạt điều độ. Hàng trăm năm qua, nhiều sĩ tử đã về Mao Điền, cùng đền thờ tại quê hương thiền sư và Y miếu ở Hà Nội, để ngưỡng vọng hồn xưa. Họ luôn nhớ đến một cuộc đời tận tụy cứu nhân độ thế của thần y, với tâm thế lắng nghe lời dạy rằng: “Nam dược trị Nam nhân”. Đó là tiêu chí có tính định hướng quan trọng xuyên suốt 700 năm qua, đối với ngành Dược Việt Nam.
Văn miếu và trường thi trấn Hải Dương có một lịch sử oanh liệt, nơi đào tạo hàng nghìn cử nhân, tú tài và trên 620 tiến sĩ nho học. Đây là con số đứng hàng đầu cả nước về số lượng tiến sĩ tính theo đơn vị tỉnh/ thành và cũng là thành tựu lớn trong nền giáo dục nước nhà. Văn miếu trấn Hải Dương được xây dựng và bảo tồn ngày một khang trang, nhưng vẫn giữ được nét cơ bản mô hình di sản quý của kiến trúc xưa. Những gương hiếu học và tài năng của đất nước đã tồn tại trụ vững với thời gian.
Người ta coi đây là mảnh đất linh thiêng đem lại hy vọng cho những người con ưu tú của đất nước. Văn miếu Mao Điền xứng đáng với những hoài bão ấy và là địa chỉ có tác dụng to lớn về giáo dục và khuyến học, là không gian tâm linh mà mọi người luôn hướng về, nuôi chí hướng phát triển tài năng.
Theo LƯU KƯỜNG/baovanhoa.com.vn