Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ và nhà thơ Xuân Quỳnh được truy tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh về Văn học - nghệ thuật lần lượt vào các năm 2000, 2017. Cho đến nay, đây là hai vợ chồng duy nhất của văn đàn Việt Nam cùng được nhận giải thưởng cao quý này. 30 năm sau ngày Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ ra đi trong một tai nạn giao thông. Đêm thơ, nhạc, kịch “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại” tổ chức tại Nhà hát Lớn, Hà Nội tối 26-8 đã thắp lại ngọn lửa của tài năng và tình yêu trong lòng công chúng.
Tiết mục biểu diễn trong Đêm thơ, nhạc, kịch Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại
Một triển lãm sắp đặt nhỏ ngay sảnh Nhà hát Lớn mở ra cả bầu trời ký ức. Những áp phích quảng cáo các vở kịch nổi tiếng của Lưu Quang Vũ, những bài thơ tình lãng mạn của Xuân Quỳnh, các bức ảnh tư liệu về những tháng năm hạnh phúc, những trang bản thảo còn dang dở… thấm đẫm tình yêu và tinh thần thời đại. Trong chưa đầy hai giờ đồng hồ, Tình yêu ở lại mở ra không gian nghệ thuật bay bổng, lãng mạn mà đầy ắp xúc cảm của Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, thể hiện qua các giọng đọc truyền cảm, giàu sức lay động của NSND Vương Hà, NSND Lê Khanh, NSƯT Lê Chức, nhà thơ Anh Ngọc, nhà thơ Hồng Thanh Quang… Xuân Quỳnh đã sống với Lưu Quang Vũ bằng trái tim “biết yêu anh ngay cả khi chết đi rồi” (Tự hát). Và Lưu Quang Vũ cũng dành cho người vợ gắn bó suốt 15 năm những tình cảm đong đầy khắc khoải “Phút cuối cùng tay vẫn ở trong tay/ Ta đã có những ngày vui sướng nhất/ Đã uống cả men nồng và rượu chát/ Đã đi qua cùng tận của con đường/ Sau vô biên dẫu chỉ có vô biên/ Buồm đã tới và lúa đồng đã gặt” (Bài hát ấy vẫn còn dang dở). Dù 30 năm đã qua, tình yêu ấy vẫn hiển hiện sống động qua những phóng sự: “Lưu Quang Vũ: Thơ, kịch, văn, tình yêu con người, giá trị con người trong tác phẩm”, “Nhà thơ Xuân Quỳnh: vẻ đẹp của tình yêu”…, và càng thăng hoa hơn trong giai điệu âm nhạc bay bổng của các ca khúc như: Tiếng Việt (phổ thơ Lưu Quang Vũ), Bầu trời trong quả trứng, Sóng, Thuyền và biển (phổ thơ Xuân Quỳnh).
Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh, 15 năm chung sống cũng là khoảng thời gian đỉnh cao của tình yêu và sự nghiệp. Nhà viết kịch Lưu Quang Vũ cho ra đời hàng chục vở kịch gây chấn động sân khấu cả nước như: Nàng Sita, Hẹn ngày trở lại, Nếu anh không đốt lửa, Hồn Trương Ba da hàng thịt, Lời thề thứ 9, Khoảnh khắc và vô tận, Bệnh sĩ, Tôi và chúng ta, Ông không phải là bố tôi, Điều không thể mất, Ai là thủ phạm, Hoa cúc xanh trên đầm lầy, Lời nói dối cuối cùng, Mùa hạ cuối cùng… Còn với nhà thơ Xuân Quỳnh, bà đã viết những vần thơ đầy ắp tình yêu của người phụ nữ. Nhiều tập thơ của bà để lại dấu ấn trong lòng độc giả như: Gió Lào cát trắng, Lời ru trên mặt đất, Sân ga chiều em đi, Tự hát, Hoa cỏ may, Thơ Xuân Quỳnh (1992, 1994), Thơ tình Xuân Quỳnh - Lưu Quang Vũ, Hát với con tàu… Ngoài ra, Xuân Quỳnh còn viết nhiều thơ, truyện cho thiếu nhi như: Bầu trời trong quả trứng, Truyện Lưu Nguyễn, Mùa xuân trên cánh đồng, Bến tàu trong thành phố, Vẫn có ông trăng khác
30 năm đã qua, nhưng những đêm kịch Lưu Quang Vũ vẫn sáng đèn; những bài thơ, tập thơ của Xuân Quỳnh vẫn được in, tái bản, chép tay. Và những ký ức về họ vẫn vẹn nguyên trong nỗi nhớ của người thân, bè bạn. Không xúc động sao được khi nghe NSƯT Lê Chức hồi tưởng lại giây phút ông cùng anh em nghệ sĩ túc trực trong nhà tang lễ đưa tiễn những người bạn thân rời xa cõi tạm. Không nghẹn ngào sao được khi nghe nhà phê bình văn học nghệ thuật, TS Nguyễn Thị Minh Thái rưng rưng kể lại những kỷ niệm thuở làm chung Tạp chí Sân khấu với nhà thơ, nhà viết kịch Lưu Quang Vũ hay khi gặp gỡ nhà thơ Xuân Quỳnh lúc học ở Liên Xô... Đặc biệt, NSND Doãn Châu vẫn còn nhớ như in ngày trước khi xảy ra tai nạn giao thông, gia đình ông cùng gia đình Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh và các con đã ngồi bên nhau ở bãi biển Hải Phòng. Chẳng hiểu sao, họ cùng ôn lại những thăng trầm sướng khổ trên chặng đường đời mình đã đi qua. Lưu Quang Vũ nói với ông: “Dù cuộc đời có khó khăn và vất vả tới đâu chúng ta cũng phải sống thật đẹp, thật có ích cho cuộc đời này”. Không thể ngờ, đó là lời dặn dò cuối cùng của Lưu Quang Vũ trước khi từ biệt cõi nhân gian. NSND Doãn Châu chia sẻ, nghĩ đến Lưu Quang Vũ, ông thường nhớ đến câu thơ “Vì chưng hay ghét cũng là hay thương” của nhà thơ Nguyễn Đình Chiểu. Tại sao những vở kịch của Lưu Quang Vũ chống phá cái xấu, cái ác đến tận cùng, quyết liệt đến vậy, ấy là bởi ông quá yêu thương cuộc đời này, mong muốn cuộc sống tốt đẹp hơn. Điều đó cũng lý giải vì sao những vở kịch của ông không hề cũ mà luôn đi cùng, thậm chí đi trước thời đại với tính dự báo mạnh mẽ. Và dường như để minh chứng, đêm diễn khép lại bằng trích đoạn vở diễn “Hoa cúc xanh trên đầm lầy” - tác phẩm đã mang đến cho Nhà hát Tuổi trẻ Huy chương vàng trong Liên hoan Sân khấu kịch nói chuyên nghiệp toàn quốc năm 2018, kể về những xung đột tinh thần của con người hiện đại trên hành trình đi tìm giá trị sống trong xã hội mà công nghệ lên ngôi, trí tuệ nhân tạo phát triển…
NSƯT Lê Chức xúc động nói: “30 năm trôi qua nhưng Quỳnh, Vũ và cháu Thơ vẫn chưa xa cuộc đời này. Họ vẫn sống trong lòng người ở lại, bên cạnh tình yêu và nỗi nhớ. Họ vẫn sống với những tác phẩm văn học nghệ thuật đã đi vào lòng người và cả những điều chưa bao giờ cũ trong những tác phẩm sân khấu của Vũ”. Đó có lẽ cũng là điều ông nói hộ nhiều người dự Đêm thơ, nhạc, kịch “Lưu Quang Vũ - Xuân Quỳnh: Tình yêu ở lại”.
Theo nhandan.com.vn