Cập nhật: 08/10/2018 10:06:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Thành phố Hải Phòng hiện có 20 trường đại học, cao đẳng; 63 tổ chức khoa học - công nghệ của trung ương và thành phố, 8 doanh nghiệp khoa học và công nghệ, với tổng số nhân lực là 4.900 người, đóng vai trò chủ đạo trong hoạt động nghiên cứu và phát triển công nghệ.

Sinh viên Trường đại học Hải Phòng (TP Hải Phòng) trong giờ thực hành nghiên cứu khoa học. Ảnh: THẢO ANH

Không dừng lại ở các nghiên cứu lý thuyết, các trường đại học tại Hải Phòng đang được xác định là nơi ươm mầm các dự án khoa học - công nghệ, khởi nghiệp sáng tạo hữu ích phục vụ đời sống. Trong giai đoạn 2013 - 2018, các viện, trường, tổ chức, doanh nghiệp khoa học - công nghệ tại Hải Phòng đã thực hiện 206 nhiệm vụ cấp Nhà nước, cấp bộ; tham gia thực hiện triển khai 71 trong tổng số 129 nhiệm vụ cấp thành phố trên các lĩnh vực. Từ các nhiệm vụ triển khai và thực hiện, nhiều đơn vị đã phát triển ý tưởng ban đầu thành những dự án khởi nghiệp đổi mới sáng tạo.

Nhiều trường đại học ở Hải Phòng đã tạo mối liên hệ với giới doanh nghiệp và khu vực công, đồng thời tích cực tham gia các hội thảo, hội chợ triển lãm về khoa học - công nghệ.

Các trường đại học coi trọng nâng cao năng lực hoạt động, nghiên cứu bám sát định hướng phát triển khoa học - công nghệ của thành phố, nhu cầu của thực tiễn. Ðẩy mạnh các hoạt động nghiên cứu khoa học và công nghệ theo hướng ứng dụng công nghệ cao, công nghệ hiện đại, đáp ứng xu hướng phát triển của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0.

Mới đây, TP Hải Phòng đề xuất một số giải pháp thúc đẩy hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ ở các trường đại học như: xây dựng mạng lưới hoạt động nghiên cứu khoa học và phát triển công nghệ liên trường, liên kết với địa phương, doanh nghiệp để hình thành các định hướng nghiên cứu chuyên sâu mang tính hệ thống, tránh sự chồng chéo trong hoạt động. Hải Phòng cần xây dựng cơ chế khuyến khích, hỗ trợ chuyển giao công nghệ, ứng dụng kết quả nghiên cứu vào sản xuất và đời sống, trong đó các tổ chức khoa học và công nghệ địa phương đóng vai trò đầu mối, cầu nối để triển khai, nhân rộng và phổ biến các kết quả nghiên cứu từ các trường đại học.

* Tỉnh Thừa Thiên - Huế đang tích cực triển khai thực hiện nhiều chính sách giảm nghèo vùng miền núi và dân tộc thiểu số. Từ năm 2008 đến nay , tỉnh Thừa Thiên - Huế đầu tư gần 257 tỷ đồng nguồn vốn Chương trình 135, trong đó hơn 196 tỷ đồng đầu tư xây dựng hạ tầng tại các địa phương. Ðến nay, cơ sở hạ tầng nông thôn miền núi ở Thừa Thiên - Huế đã được đầu tư cơ bản đồng bộ; tất cả các xã có đường ô-tô đến trung tâm xã, có trường tiểu học, trung học cơ sở, trạm y tế được đầu tư kiên cố và bán kiên cố... Ðến nay, tỉnh đã triển khai thực hiện được chín điểm định canh, định cư tập trung cho đồng bào dân tộc thiểu số, thực hiện các chính sách hỗ trợ di dân, định canh, định cư cho đồng bào dân tộc thiểu số với nguồn hỗ trợ hơn 95,2 tỷ đồng. Trong đó, ba dự án cơ bản hoàn thành đưa dân về định canh, định cư ổn định.

Hiện tại, ngoài đầu tư của Nhà nước, tỉnh đã ban hành kế hoạch phân công các sở, ban, ngành đoàn thể, trường học giúp đỡ các xã có tỷ lệ hộ nghèo ở các huyện A Lưới, Nam Ðông. Tỉnh phấn đấu đưa tỷ lệ hộ nghèo hai huyện miền núi Nam Ðông và A Lưới giảm từ 25% xuống còn từ 15 đến 20% trong giai đoạn từ nay đến năm 2020...

Theo PV/nhandan.com.vn

Tệp đính kèm