Cập nhật: 24/10/2018 10:27:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Là vùng đất giàu tiềm năng, lợi thế về du lịch, các tỉnh, thành phố ở Đồng bằng sông Cửu Long đang nỗ lực đẩy mạnh phát triển du lịch, đặc biệt là xây dựng sản phẩm du lịch đặc thù.

Du lịch xanh hòa cùng thiên nhiên của du khách khi nghỉ dưỡng tại Tiền Giang. (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Nhiều chuyên gia ngành du lịch nhìn nhận, ngành du lịch các địa phương trong vùng đã có sự thay đổi, lượng khách đến tham quan ngày càng tăng. Tuy nhiên, để thực hiện mục tiêu phát triển ngành du lịch thành ngành kinh tế mũi nhọn, tương xứng với tiềm năng là một trong bảy vùng du lịch đặc trưng trên cả nước được Chính phủ phê duyệt trong Chiến lược phát triển du lịch Việt Nam đến năm 2020 và tầm nhìn đến năm 2030, còn nhiều thách thức.

Nhiều tín hiệu tích cực

Nhiều chuyên gia ngành du lịch cũng như du khách đánh giá những năm qua, ngành du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long đã có thay đổi tích cực, khai thác đặc thù riêng để có sản phẩm du lịch độc đáo, hấp dẫn du khách hơn so với trước đây.

Chẳng hạn, tỉnh An Giang đang tập trung triển khai phát triển 4 loại hình du lịch gồm du lịch tâm linh; du lịch tham quan, nghỉ dưỡng; du lịch sinh thái, sông nước; du lịch tham quan các di tích văn hóa, lịch sử.

Với 4 loại hình du lịch này, An Giang đã dựa trên thế mạnh những giá trị đặc trưng từ nét văn hóa truyền thống, phong tục tập quán, tín ngưỡng dân gian hay đặc trưng về địa hình, sinh vật, khí hậu, tài nguyên nước... để xây dựng, làm mới sản phẩm du lịch văn hóa gắn với các lễ hội truyền thống, tín ngưỡng tôn giáo, dân tộc, như Lễ hội Vía Bà Chúa xứ núi Sam, lễ hội đua bò Bảy Núi…

Theo tiến sỹ Huỳnh Thanh Tiến, Đại học An Giang, những năm gần đây, lượng du khách đến An Giang năm sau luôn cao hơn năm trước. Nếu như năm 2010, An Giang đón 4,7 triệu lượt khách, năm 2016 tăng lên khoảng 6,7 triệu lượt khách và năm 2017 đã đón khoảng 7,3 triệu lượt khách (tăng 12% so với cùng kỳ năm 2016, ước đạt 107% so với kế hoạch).

Tại tỉnh Bến Tre, theo ông Cao Văn Trọng, Chủ tịch Ủy ban Nhân dân tỉnh Bến Tre, địa phương đang tập trung xây dựng, phát triển sản phẩm du lịch đặc thù, tạo thương hiệu cho du lịch Bến Tre theo hướng xây dựng sản phẩm du lịch sinh thái sông nước, miệt vườn; du lịch tham quan di tích văn hóa, lịch sử; du lịch tâm linh; du lịch cộng đồng với mô hình khách ở nhà dân nghỉ dưỡng gắn với làng nghề; du lịch biển gắn với du lịch sinh thái rừng ngập mặn...

Từ đầu năm 2018 đến nay, hoạt động du lịch trên địa bàn tỉnh Bến Tre có nhiều khởi sắc với nhiều sản phẩm du lịch mới nên lượng khách, doanh thu tăng cao so với cùng kỳ năm 2017.

Cụ thể, trong 9 tháng năm 2018, tỉnh đã đón hơn 1,2 triệu lượt khách du lịch, tăng 24,4% so với cùng kỳ năm 2017 và đạt 84,2% kế hoạch năm, trong đó có hơn 524.000 lượt khách quốc tế, tăng 25,69% so với cùng kỳ năm 2017. Tổng doanh thu từ du lịch đạt hơn 1.000 tỷ đồng, tăng 28,2% so cùng kỳ năm trước.

Theo thống kê từ các địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long, 9 tháng năm 2018, vùng đã đón hơn 30 triệu lượt khách đến tham quan du lịch, tăng 12% so với cùng kỳ năm 2017.

Điều đáng nói là năm 2018, Trà Vinh, Bến Tre, Sóc Trăng, Hậu Giang, An Giang là những địa phương có tỷ lệ tăng ấn tượng về lượt khách. Trong số đó, An Giang là địa phương thu hút khách đến tham quan du lịch nhiều nhất với khoảng 8 triệu lượt, chủ yếu khách tham quan lễ hội, đồng thời là tỉnh có doanh thu du lịch cao nhất, đạt khoảng 4.000 tỷ đồng.

Còn nhiều thách thức

So với tiềm năng của vùng, kết quả thu hút, phát triển du lịch chưa đạt như mong muốn, chưa tương xứng với tiềm năng. Điều này có thể thấy rõ trong 6 tháng đầu năm 2018, vùng Đồng bằng sông Cửu Long chỉ đón được gần 1,6 triệu trong tổng số hơn 7,8 triệu lượt du khách quốc tế đến Việt Nam, mặc dù ngành du lịch các địa phương trong vùng đã tập trung vào công tác quảng bá, kết nối với các trung tâm du lịch ngoài vùng như Đà Nẵng, Lâm Đồng, Thành phố Hồ Chí Minh... Bên cạnh đó, các địa phương cũng đã chủ động tham gia nhiều sự kiện du lịch.

Đáng lưu ý, theo các chuyên gia, thực tế du khách tới Đồng bằng sông Cửu Long chủ yếu là đến và đi trong ngày, thời gian lưu trú ngắn, chi tiêu ít khiến doanh thu thấp. Hiện tỷ lệ lưu trú của khách ở vùng chỉ đạt trung bình 1,95 ngày với khách quốc tế, 1,7 ngày với khách trong nước.

Theo quy hoạch tổng thể phát triển du lịch vùng Đồng bằng sông Cửu Long, đến năm 2020, vùng sẽ đón khoảng 34 triệu lượt khách, trong đó 3,5 triệu lượt khách quốc tế và đạt 25.000 tỷ đồng doanh thu. Để đạt được mục tiêu này, các địa phương trong vùng phải làm sao để giữ chân du khách lâu hơn, tăng số lần khách quay lại...

Về nguyên nhân, theo ý kiến của một số công ty du lịch, mặc dù các tỉnh, thành phố đang nỗ lực tạo ra sản phẩm du lịch đặc thù nhưng vẫn chưa thể tìm ra lời giải cho sự trùng lắp sản phẩm du lịch. Bởi lẽ, chính điều kiện thời tiết, khí hậu, thổ nhưỡng, thậm chí văn hóa có sự tương đồng đã tạo nên sự trùng lặp về tài nguyên du lịch giữa các địa phương trong vùng. Từ đó, sự cạnh tranh nội bộ trong việc thu hút khách du lịch giữa các địa phương, điểm đến đã và đang diễn ra hàng ngày.

Do đó, muốn giải quyết triệt để thực trạng trên, việc phát triển các sản phẩm du lịch đặc thù của từng địa phương cần được đặt trong bối cảnh xây dựng liên kết du lịch cho từng vùng, tiểu vùng. Điều này sẽ giúp mỗi địa phương nghiên cứu, chọn lựa để tập trung tạo ra sản phẩm du lịch phát huy các “giá trị nhân văn” riêng biệt.

Quan trọng hơn, mục tiêu cuối cùng là làm sao cải thiện tư duy làm du lịch của cả cộng đồng dân cư, bởi đây là ngành kinh tế tổng hợp, có tính liên ngành, liên vùng, mang đậm bản sắc văn hóa và tính xã hội hóa cao.

Một góc khu du lịch Lan Vương (Bến Tre). (Nguồn: Báo ảnh Việt Nam)

Theo ông Lâm Quang Hiển, Hội Văn hóa dân gian tỉnh An Giang, cần đặt mình vào vai người du lịch để biết nhu cầu của khách mới có những sản phẩm du lịch phù hợp, “níu chân” du khách, từ đó tạo nên sức bật cho ngành du lịch.

Ông Hiển dẫn chứng, vừa qua, ông đã dẫn đoàn khách Trường Đại học Sư phạm Kỹ thuật Thành phố Hồ Chí Minh tham quan chùa Mỹ Á (xã Núi Voi, huyện Tịnh Biên, tỉnh An Giang). Đoàn du khách có ấn tượng rất tốt khi nhận được sự đón tiếp nồng hậu của các nhà sư và được giao lưu văn hóa thông qua dàn nhạc ngũ âm, điệu nhảy Lâm Thôn rộn ràng của đồng bào Khmer.

Đây là tài nguyên du lịch chúng ta đang có sẵn nhưng không phải tốn nhiều công sức để đầu tư. Nếu biết tận dụng, đầu tư đúng mức sẽ tạo ra những sản phẩm du lịch đặc trưng, góp phần phát triển du lịch sạch và xanh, ông Lâm Quang Hiển cho biết.

Thế nhưng, những tài nguyên này vẫn chưa được ngành du lịch của địa phương quan tâm. Chẳng hạn, vào năm 2015, ý tưởng mô hình “sinh hoạt văn hóa truyền thống kết hợp du lịch và phát triển kinh tế cộng đồng dân tộc Chăm tại xã Đa Phước, tỉnh An Giang” đã được xây dựng thành dự án, nhưng đến nay vẫn còn nằm trên giấy.

Một số chuyên gia cho rằng việc nâng cao chất lượng nguồn nhân lực du lịch là vấn đề cần được ưu tiên giải quyết trước tiên nhằm từng bước thay đổi tư duy làm du lịch trong cộng đồng dân cư. Đây sẽ là nền tảng tạo ra những sản phẩm du lịch mang màu sắc riêng biệt cho từng địa phương vùng Đồng bằng sông Cửu Long./.

Theo ANH ĐỨC-VIỆT ÂU (TTXVN/VIETNAM+)

https://www.vietnamplus.vn/phat-trien-du-lich-dong-bang-song-cuu-long-nhieu-tin-hieu-tich-cuc/530563.vnp

Tệp đính kèm