Cập nhật: 25/11/2018 16:21:00 Article Rating
Xem cỡ chữ

Nguồn nước ngầm tại tỉnh ta khá phong phú. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm vẫn còn nhiều hạn chế, gây ra những tác động không nhỏ đến chất lượng và trữ lượng tài nguyên nước ngầm. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước ngầm được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, cần có sự quan tâm, phối hợp giữa các ban, ngành chức năng.

Nguồn nước ngầm tại tỉnh ta khá phong phú. Tuy nhiên, do ảnh hưởng của biến đổi khí hậu và các hoạt động quản lý, khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm vẫn còn nhiều hạn chế, gây ra những tác động không nhỏ đến chất lượng và trữ lượng tài nguyên nước ngầm. Vì vậy, bảo vệ tài nguyên nước ngầm được xác định là nhiệm vụ rất quan trọng, cần có sự quan tâm, phối hợp giữa các ban, ngành chức năng.

Hiện nay trên lãnh thổ Việt nam có 3.450 sông, suối với chiều dài từ 10 km trở lên. Các sông suối này nằm trong 108 lưu vực sông được phân bố và trải dài trên cả nước. Trong vài thập kỷ gần đây, Việt Nam đã đạt được những thành tựu phát triển to lớn cả về kinh tế và xã hội. Tỷ lệ nghèo đói trên cả nước đã được giảm đáng kể. Kinh tế Việt Nam có mức tăng trưởng vượt bậc, đặc biệt là trong lĩnh vực nông nghiệp và công nghiệp. Để có được những thành tựu trên không thể phủ nhận sự đóng góp vô cùng quan trọng của tài nguyên nước.

Thực hiện Nghị quyết 02-NQ/TU của Tỉnh ủy về tăng cường công tác quản lý, sử dụng tài nguyên trên địa bàn tỉnh từ năm 2012 đến năm 2015, định hướng đến năm 2020, những năm qua, các cấp, ngành chức năng trong tỉnh đẩy mạnh công tác điều tra, đánh giá các nguồn tài nguyên, trong đó, có tài nguyên nước. Từ đó, xây dựng các quy hoạch, kế hoạch bảo vệ, quản lý, sử dụng hợp lý, hiệu quả và bền vững tài nguyên nước, đáp ứng nhu cầu của người dân cũng như phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh.

Nước là tài nguyên thiên nhiên quý giá, là điều kiện tất yếu để tồn tại sự sống trên trái đất. Hiện nay, cùng với sự phát triển của đời sống kinh tế - xã hội và sự gia tăng của các hoạt động sản xuất công, nông nghiệp, dịch vụ đã kéo theo nhu cầu sử dụng nước ngày một gia tăng. Do hệ thống cung cấp nước tập trung hiện nay chưa đáp ứng được nhu cầu sử dụng nước sạch cho các hoạt động sản xuất, sinh hoạt nên việc khoan giếng để khai thác nước ngầm đang diễn ra phổ biến và không có sự quản lý chặt chẽ của các cơ quan quản lý đã dẫn tới nguy cơ suy thoái chất lượng, trữ lượng nước ngầm. Thực hiện công tác quản lý nguồn tài nguyên nước, Sở Tài nguyên và môi trường đã tiến hành kiểm tra việc sử dụng nguồn nước ngầm tại một số đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn thành phố Phúc Yên. Tại Lữ Đoàn 113, theo báo cáo của Lữ Đoàn đơn vị có sử dụng 2 giếng khoan từ năm 1979 với trữ lượng khai thác khoảng 60m3/ngày đêm. Việc sử dụng giếng khoan nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt của Lữ Đoàn. Bên cạnh việc sử dụng giếng khoan Lữ Đoàn đã ký hợp đồng với công ty cổ phần cấp thoát nước số 2 cung cấp nước sạch với trữ lượng 70m3/ngày đêm cho đơn vị.

Để đảm bảo việc khai thác, sử dụng nguồn nước ngầm theo đúng quy hoạch đã được UBND tỉnh phê duyệt và các quy định của pháp luật hiện hành; Sở tài nguyên và môi trường đề nghị Lữ Đoàn 113 cần hoàn thiện việc xây dựng hồ sơ xin cấp phép khai thác nguồn nước ngầm trình các cấp có thẩm quyền phê duyệt, tuyệt đối không để việc khai thác nước ngầm làm ảnh hưởng đến chất lượng, trữ lượng nước ngầm của tỉnh.

Với vai trò là đơn vị quản lý nhà nước về công tác môi trường trên địa bàn thành phố Phúc Yên, hàng năm Phòng tài nguyên và môi trường đã xây dựng và tham mưu giúp UBND thành phố ban hành kế hoạch kiểm tra về hoạt động khai thác, sử dụng tài nguyên nước của các đơn vị, doanh nghiệp đóng trên địa bàn. Qua hoạt động kiểm tra nhằm đánh giá những bất cập trong công tác quản lý hoạt động tài nguyên nước, từ đó có kiến nghị cơ quan có thẩm quyền chỉnh sửa, bổ sung các qui định về tài nguyên nước cho phù hợp với tình hình thực tế, tăng cường hiệu quả công tác quản lý nhà nước về khai thác, sử dụng và bảo vệ tài nguyên nước trên địa bàn.

Vĩnh Phúc là địa phương có nguồn tài nguyên nước tương đối dồi dào, bao gồm: Nguồn nước mặt, nước ngầm và nước mưa. Hệ thống nước mặt, tỉnh ta có mạng lưới sông suối, hồ đầm, ao khá đa dạng và phong phú, có khoảng hơn 180 hồ chứa nước, tổng dung tích 79,12 triệu m3. Về nguồn tài nguyên nước ngầm có trữ lượng tự nhiên qua thăm dò cho thấy tổng trữ lượng khai thác tiềm năng của toàn tỉnh khoảng 2,12 triệu m3/ngày đêm. Tuy nhiên sự phân bố nguồn nước ngầm lại không đồng đều, có khu vực rất ít nước và có khu vực khá nhiều nước. Do đó, nguồn nước ngầm được đánh giá là nguồn tài nguyên quý giá, cần phải được quản lý chặt chẽ và khai thác sử dụng hợp lý, hiệu quả, chống suy thoái, cạn kiệt và ô nhiễm.

Thực hiện Luật Tài nguyên nước số 17/2012/QH13 ngày 21/6/2012, năm 2017 UBND tỉnh đã Phê duyệt “Danh mục nguồn nước phải lập hàng lang bảo vệ trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc” bao gồm: 23 Sông, đoạn sông, suối, kênh, rạch; 602 hồ tự nhiên, nhân tạo ở các đô thị, khu dân cư tập trung; Hồ, ao lớn có chức năng điều hòa ở các khu vực khác; đầm, phá tự nhiên và 60 trục tiêu, thoát nước cho các đô thị, khu dân cư tập trung, cụm công nghiệp. Thực hiện nhiệm vụ đó, các địa phương trong tỉnh đã tiến hành xây dựng kế hoạch cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước tại địa phương mình. Xã Thượng Trưng, huyện Vĩnh Tường là một trong những đơn vị sớm hoàn thành việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước, góp phần phòng chống lấn chiếm đất ven nguồn nước, phòng chống các nguy cơ gây ô nhiễm, suy thoái nguồn nước. Xã Tuân Chính hiện có hàng trăm ha diện tích đầm, ao hồ phục vụ cho công tác nuôi trồng thủy sản. Với diện tích như vậy hàng năm đã đóng góp không nhỏ cho ngân sách địa phương. Thực hiện việc cắm mốc hành lang bảo vệ nguồn nước chính quyền địa phương đã lựa chọn địa điểm thích hợp để triển khai thực hiện.

Có thể thấy nhu cầu khai thác, sử dụng nước dưới đất phục vụ cho các ngành kinh tế ngày càng gia tăng, trong khi điều kiện địa chất, thủy văn, chất lượng nước dưới đất rất phức tạp và mức độ nghiên cứu về tài nguyên nước dưới đất trên địa bàn tỉnh vẫn còn hạn chế sẽ là những khó khăn, vướng mắc cho công tác quản lý tài nguyên nước dưới đất của tỉnh. Trong thời gian tới, các ban, ngành chức năng liên quan tăng cường sự phối hợp, đề ra những giải pháp phù hợp, hiệu quả góp phần bảo vệ nguồn nước dưới đất, hài hòa lợi ích giữa các ngành, các đối tượng khai thác và sử dụng, bảo đảm hiệu quả tổng hợp về phát triển kinh tế - xã hội và bảo vệ môi trường nói chung./.

Lê Dũng

Tệp đính kèm