Năm 2025, trên địa bàn tỉnh có rất nhiều công trình có quy mô lớn của Nhà nước, tổ chức, cá nhân được khởi công xây dựng. Vấn đề này đã kéo theo nhu cầu tiêu thụ nguyên vật liệu xây dựng như: đất đắp nền, đá, cát xây dựng tăng cao. Công tác quản lý khai thác, tổ chức sản xuất đảm bảo nguồn cung cấp nguyên vật liệu cho các công trình, dự án hoàn thành theo đúng tiến độ đề ra cũng là thách thức lớn hiện nay.
Công trình đường tránh Xuân Hòa giai đoạn 1 thuộc địa bàn thành phố Phúc Yên. Sau nhiều năm thi công, đến nay dự án cơ bản hoàn thành phần đắp đất cốt nền, giải đá dăm và dự kiến thảm apsphan đưa vào sử dụng trước khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện. Tuy nhiên, do mỏ đá ở cách xa, giá thành nguyên vật liệu tăng cao phần nào cũng ảnh hưởng đến tiến độ của dự án.
Theo báo cáo của Ủy ban nhân dân Thành phố Phúc Yên, trên địa bàn hiện có hơn 100 công trình dự án đã được các cấp thẩm quyền phê duyệt, trong đó có 33 dự án đang được triển khai, nhiều dự án sẽ được hoàn thành trước khi kết thúc đơn vị hành chính cấp huyện vào ngày 1 tháng 7 tới đây. Do trên địa bàn không có quy hoạch khai thác mỏ đất, mỏ đá - 2 nguồn nguyên liệu chính cho các công trình xây dựng; trong khi đó nguồn nguyên liệu trong tỉnh đang khan hiếm, cộng với giá thị trường tăng cao phần nào ảnh hưởng đến tiến độ thi công các công trình.
Trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc hiện có 3 điểm mỏ đá xây dựng được cấp phép tại xã Quang Yên (Sông Lô) và 2 xã Tân Lập, Quang Sơn, huyện Lập Thạch. Riêng về đất san lấp trên địa bàn còn 10 giấy phép còn hiệu lực nhưng trữ lượng không lớn. Riêng cát xây dựng đều phải nhập từ các tỉnh lân cận. Khan hiếm nguồn nguyên vật liệu cho các công trình, dự án xây dựng phần nào đã tác động đến năng lực từ các nhà cung cấp và ảnh hưởng đến giá thành cũng như kế hoạch hoàn thành đã đặt ra.
Mặc dù nhận được rất nhiều đơn hàng từ các dự án xây dựng nhà xưởng trong các khu công nghiệp; dự án xây dựng các công trình Nhà nước;công trình dân dụng nhưng do thiếu nguồn vật liệu đầu vào khiến cho đơn vị này gặp khó khăn trong việc cung cấp sản phẩm. Với 2 nguồn nguyên liệu chính đó là cát, sỏi và đá xây dựng thế nhưng các nguồn vật liệu đầu vào chưa thực sự dồi dào nên đơn vị phải nhập từ các tỉnh lân cận.
Không chỉ có các công trình Nhà nước, dự án có quy mô lớn mà phần lớn công trình dân dụng của người dân hiện nay đều sử dụng Bê tông thương phẩm bởi chất lượng, tính ưu việt của sản phẩm cũng như chất lượng dịch vụ từ nhà cung cấp này mang lại. Do có diện tích nhà xưởng lớn nên Chị Đinh Thị Hoa xã Tề Lỗ, huyện Yên Lạc quyết định chọn Bê tông thương phẩm cho công trình của gia đình tại Cụm công nghiệp Đồng Văn, huyện Yên Lạc. Theo chị Hoa sử dụng Bê tông thương phẩm có thời gian thi công nhanh hơn, chất lượng đảm bảo hơn so với trộn thủ công như trước đây.
Để giải đáp phần nào thiếu hụt nguồn vật liệu, nhất là nguyên vật liệu thông thường, đáp ứng cho các công trình dự án trên địa bàn tỉnh, mới đây, Ủy ban nhân dân tỉnh đã có Quyết định số 904 ngày 9/5/2025 phê duyệt Kế hoạch đấu giá quyền khai thác khoáng sản đối với 2 mỏ đất tại khu Gò Vàu và khu Gò Da thuộc xã Phương Khoan, huyện Sông Lô để khai thác làm nguyên vật liệu xây dựng thông thường (đất san lấp) với trữ lượng đất hơn 1 triệu m3. Đây là một trong những giải pháp nhằm đẩy nhanh tiến độ hoàn thành cho các công trình, dự án phục vụ phát triển kinh tế - xã hội trên địa bàn tỉnh Vĩnh Phúc.
Lỗ Hiếu