Cập nhật: 28/03/2025 21:15:00
Xem cỡ chữ

Nước là nguồn tài nguyên quý giá, không chỉ đảm bảo sự sống của con người mà còn duy trì sự cân bằng của hệ sinh thái.

Chính vì vậy, Liên hợp quốc đã chọn ngày 22/3 hàng năm là Ngày Nước thế giới và bắt đầu tổ chức thường niên từ năm 1993, nhằm hướng cộng đồng đến việc tiết kiệm, bảo vệ nguồn nước, khuyến khích nâng cao nhận thức về giá trị của nước trong cuộc sống hàng ngày của con người cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá của nhiều loài sinh vật cùng chung sống trên trái đất. Tuy nhiên, nguồn nước tự nhiên hiện nay, nhất là nguồn nước từ các dòng sông đang bị đe dọa nghiêm trọng. Các hành vi trái quy định của con người đang làm ảnh hưởng rất lớn đến chất lượng nguồn nước sông và cần phải có giải pháp bảo vệ sớm trước khi quá muộn.

Mỗi năm, Ngày Nước thế giới tập trung vào một chủ đề nhất định, phản ánh những vấn đề cấp bách liên quan đến nguồn nước. Trong những năm gần đây, các chủ đề như “Nước và Biến đổi Khí hậu”, Giá trị của nước”, “Thúc đẩy sự thay đổi” đã giúp nâng cao nhận thức về vai trò quan trọng của nước đối với đời sống con người và môi trường. 

Năm 2025, Ngày Nước thế giới mang đến một thông điệp đặc biệt với chủ đề “Bảo tồn các dòng sông băng” nhằm nhấn mạnh hậu quả nghiêm trọng của biến đổi khí hậu đối với các dòng sông băng. Tại Việt Nam và tỉnh Vĩnh Phúc không có dòng sông băng, nhưng bảo vệ nước các dòng sông được ngành Nông nghiệp và Môi trường chú trọng, là việc làm quá cấp thiết lúc này trước sự xâm phạm của con người với dòng sông.

Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Môi trường, trên địa bàn tỉnh có 3 tuyến sông lớn chảy qua gồm: Sông Lô, Sông Hồng và Sông Phó Đáy; 5 tuyến sông nội tỉnh gồm: Sông Tranh, sông Cầu Bòn, Song Bá Hanh, Sông Phan và Sông Cà Lồ. Các tuyến sông này đang có những đóng góp to lớn đối với sự phát triển kinh tế của tỉnh cũng như bảo vệ môi trường sống quý giá của chính người dân. 

Hiện nay, các dòng sông đang phục vụ nhu cầu giao thông vận tải, cung cấp nước cho sản xuất nông nghiệp và cả cấp nước để xử lý thành nước sinh hoạt cho con người. Hơn nữa, các dòng sông còn có giá trị phòng chống ngập úng, điều hòa khí hậu và đảm bảo môi trường. Tuy nhiên, không ít các dòng sông hiện nay đang phải gánh chịu rất nhiều những tác động của con người từ việc xâm lấn, đổ chất thải, rác thải và cản trở dòng chảy tự nhiên.

Nhiều năm nay, khu vực Đập tràn Liễn Sơn thuộc đoạn tuyến sông Phó Đáy xã Đồng Tĩnh, huyện Tam Dương được ví như rốn rác từ khắp nơi phía thượng lưu đổ về. Có quá nhiều loại rác thải sinh hoạt, thậm chí cả động vật chết đựng trong các bao tải lớn đều có mặt tại đây. Cứ mỗi sau các trận mưa lớn, hay như phía thượng nguồn xả lũ, công nhân đều phải đi vớt rác, vớt động vật đi chôn lấp. Lượng rác quá lớn, đơn vị quản lý phải dùng máy xúc cỡ lớn mới có thể vớt kịp số rác chảy về.

Là tuyến sông nội tỉnh bắt nguồn từ dãy núi Tam Đảo và chảy qua rất nhiều địa phận như: Tam Dương, Vĩnh Tường, Vĩnh Yên, Bình Xuyên, sông Phan có vai trò rất lớn trong cấp thoát nước, ổn định môi trường nhưng cũng đang bị đe dọa nghiêm trọng vì ô nhiễm do chất thải, rác thải đổ ra sông. Tại địa bàn thị trấn Thổ Tang, huyện Vĩnh Tường sông Phan đang phải chứa rất nhiều chất thải của con người; rác thải, chất có mặt dưới lòng sông, trên bờ. Nước sông đang bị ô nhiễm, bốc mùi, ảnh hưởng rất lớn đến đời sống của người dân xung quanh khu vực

Các con sông đang phục vụ đắc lực cho chính đời sống của con người nhưng lại đang bị con người đe dọa, làm ảnh hưởng và có nguy cơ “chết dần”. Giờ đây, bên cạnh việc cấp thoát nước, hầu như các con sông trên địa bàn tỉnh có thêm nhiệm vụ nữa là chứa rác. Người ta đổ ra sông bất kể thứ gì khi không còn giá trị như; gạch gói, chai thủy tinh, kính vỡ.v..v…Không chỉ xả rác, đổ chất thải, không ít các con sông đang bị chiếm dụng, sử dụng bất hợp pháp; thậm chí còn xây dựng các công trình kiên cố; xây dựng nhà cửa.

Do chảy qua khu nhiều khu vực dân cư sinh sống nên nhiều đoạn tuyến sông Cà Lô đang bị người dân lấn chiếm, xây dựng trái phép. Theo báo cáo của Công ty TNHH MTV Thủy lợi Phúc Yên cho biết, tại nhiều khu vực trên tuyến sông Cà Lồ, người dân tự ý đào lòng sông, xây dựng trái phép

Trong tháng 2 năm 2025, Công ty cũng đã phát hiện 2 trường hợp ở Tiền Châu tự ý đào lòng sông Cà Lồ Cụt; có hộ đào rộng từ 4 đến 10m, dài từ 30 đến 40 để xây dựng trái phép. Công ty cũng đã phối hợp với chính quyền địa phương lập biên bản yêu cầu dừng thi công, trải lại nguyên trạng dòng sông thế nhưng tại thời điểm phóng viên ghi hình tháng 3 năm 2025, hoạt động xây dựng vẫn đang diễn ra.

Các hành vi xâm lấn, xả rác, xả thải ra các dòng sống chắc chắn lớn hơn nhiều so với những gì chúng tôi ghi hình được. Bảo vệ môi trường, bảo vệ các dòng sông chính là bảo vệ cuộc sống của tất cả chúng ta, là nghĩa vụ, là trách nhiệm của toàn xã hội, của mỗi người hãy chung tay bảo vệ vệ dòng sông, trước khi quá muộn.

Lỗ Hiếu