Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản (Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), dự kiến cả năm 2018, xuất khẩu gạo của Việt Nam sẽ đạt khoảng 6,15 triệu tấn, kim ngạch xuất khẩu đạt hơn 3,15 tỷ USD, tăng 5,7% về lượng và 19,6% về giá trị so với năm 2017. Đây là kết quả của sự thay đổi đúng hướng, với mục tiêu giảm dần về số lượng, nhưng vẫn giữ ổn định và tăng về giá trị cho hạt gạo Việt.
Bốc xếp gạo tại Cảng Sài Gòn (TP Hồ Chí Minh). Ảnh: MẠNH DŨNG
Chất lượng tốt, giá tăng, lợi nhuận lớn
Theo Cục Chế biến và Phát triển thị trường nông sản, điều đáng nói là cơ cấu gạo xuất khẩu năm nay đã có sự thay đổi rất lớn. Theo đó, xuất khẩu gạo trắng chiếm 51% tổng kim ngạch; gạo Jasmine và gạo thơm chiếm 32%; gạo nếp chiếm 12% và gạo Japonica, gạo giống Nhật Bản chiếm 5%. Ðáng chú ý, đối với gạo trắng thì gạo phân khúc chất lượng thấp chỉ còn chiếm tỷ trọng hơn 2% tổng lượng gạo xuất khẩu.
Về giá gạo xuất khẩu, tính bình quân 10 tháng đầu năm 2018 đạt 504 USD/tấn, tăng 12,3% so với cùng kỳ năm 2017. Có những thời điểm, giá gạo xuất khẩu của Việt Nam cao hơn các đối thủ cạnh tranh như Thái-lan, Pa-ki-xtan từ 50 USD đến 100 USD/tấn, kéo theo kim ngạch xuất khẩu tăng trưởng ấn tượng. Bên cạnh đó, hoạt động thương mại gạo diễn biến theo xu hướng mới, các hợp đồng xuất khẩu gạo tập trung giảm dần, thay vào đó là các hợp đồng thương mại nhờ vào chất lượng gạo được cải thiện đáng kể. Theo thống kê, hết tháng 9-2018, hợp đồng thương mại đạt 5,014 triệu tấn, chiếm 88,54% tổng số hợp đồng đăng ký, tăng 2,94% so với cùng kỳ năm 2017.
Ðể đáp ứng nhu cầu gạo chất lượng cao, ngày càng nhiều các doanh nghiệp tập trung sản xuất theo quy trình sạch, gạo hữu cơ, gạo dinh dưỡng, đa dạng các sản phẩm chế biến từ lúa gạo. Nguồn giống lúa chất lượng cao, phù hợp để xuất khẩu cũng được nông dân chú trọng sử dụng. Cụ thể, tại đồng bằng sông Cửu Long - vùng lúa trọng điểm của cả nước, tính riêng vụ hè thu năm 2018, giống lúa thơm, lúa đặc sản chiếm tỷ lệ 22,41% (tăng 8,49% so với vụ hè thu năm 2017); giống chất lượng cao (OM7347, OM5451, OM6976, OM2517...) chiếm tỷ lệ 52,44%. Khu vực đồng bằng sông Cửu Long cũng sử dụng giống cấp xác nhận đạt 62,49%, cao hơn cùng kỳ năm 2017 là 2%; khu vực Ðông Nam Bộ sử dụng giống cấp xác nhận đạt tỷ lệ 81,71%; khu vực phía bắc đạt hơn 80%. Ngoài ra, tỷ lệ cơ giới hóa trong sản xuất lúa gạo cũng đạt cao, tại đồng bằng sông Cửu Long thu hoạch bằng máy gặt đập liên hợp đạt 100%; tỷ lệ sấy đạt hơn 90%..., giảm đáng kể thất thoát sau thu hoạch.
Song song với đó là mô hình cánh đồng lớn được nhân rộng tại nhiều địa phương đã thúc đẩy phát triển ngành lúa gạo hàng hóa lớn, tăng cường liên kết sản xuất - chế biến - tiêu thụ giữa nông dân và doanh nghiệp, tạo ra sản phẩm gạo có giá trị gia tăng cao. Không chỉ giá gạo xuất khẩu tăng đem lại kim ngạch lớn mà năm 2018 cũng đánh dấu sự tăng giá liên tục của lúa tươi tại ruộng cũng như lúa khô, hạn chế đáng kể tình trạng được mùa mất giá, thậm chí mất mùa cũng mất giá như những năm về trước. Do đó, thu nhập của người trồng lúa được nâng cao, tạo động lực cho họ tham gia ngày càng sâu hơn vào các chuỗi sản xuất, liên kết với các doanh nghiệp.
Nhận định về những chuyển biến này, chuyên gia nông nghiệp, GS, TS Võ Tòng Xuân cho rằng: Sự thay đổi rõ nét về cơ cấu giống chính là nhân tố quan trọng nhất tạo ra điểm sáng cho ngành lúa gạo năm nay. Tư duy thay đổi này đã bắt đầu từ nhiều năm trước, nhưng để thuyết phục được nông dân và doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu thì vài năm trở lại đây mới đạt hiệu quả nhất định. Ðiều này phù hợp với xu thế tiêu dùng chung của thế giới, khi mà nhu cầu về chất lượng và an toàn vệ sinh thực phẩm không ngừng tăng lên. Ngoài ra, cũng cần kể đến vai trò của doanh nghiệp trong việc đầu tư khoa học - công nghệ vào sản xuất để tạo ra những sản phẩm có giá trị gia tăng cao.
Chính sách thông thoáng, thị trường rộng mở
Về chính sách, một trong những điểm nhấn quan trọng nhất của ngành hàng lúa gạo năm 2018 là sự ra đời của Nghị định 107/2018/NÐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo (có hiệu lực từ 1-10-2018), thay thế Nghị định 109/2010/NÐ-CP về lĩnh vực này. Ðây là bước đột phá trong cơ chế, chính sách liên quan đến hoạt động xuất khẩu gạo, tháo gỡ khó khăn và tạo môi trường thông thoáng cho doanh nghiệp phát triển. Theo đó, không bắt buộc thương nhân kinh doanh sở hữu kho chứa thóc gạo, cơ sở xay xát, chế biến thóc gạo mà có thể thuê để đáp ứng điều kiện kinh doanh; bãi bỏ quy định bắt buộc thương nhân phải đăng ký hợp đồng xuất khẩu gạo tại Hiệp hội Lương thực Việt Nam; bỏ quy định thương nhân phải có lượng gạo tồn kho tối thiểu tương đương 50% lượng gạo trong hợp đồng đăng ký… Doanh nghiệp chỉ xuất khẩu gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng được xuất khẩu các loại gạo này không cần có Giấy chứng nhận xuất khẩu đồng thời cũng không phải thực hiện dự trữ lưu thông và có trách nhiệm báo cáo theo quy định. Từ những đổi mới này, doanh nghiệp chế biến và xuất khẩu gạo có thể chủ động trong việc đầu tư cơ sở hạ tầng, đồng thời cũng tạo điều kiện tối đa cho các doanh nghiệp xuất khẩu các loại gạo chất lượng cao nhưng số lượng ít.
Khi "cánh cửa" chính sách thông thoáng hơn thì thị trường tiêu thụ cũng được mở rộng. Xuất khẩu gạo của nước ta không còn phụ thuộc phần lớn vào Trung Quốc và các thị trường truyền thống như
In-đô-nê-xi-a, Phi-li-pin, Ma-lai-xi-a, mà đã "lấn sân" sang những thị trường khó tính, đòi hỏi gạo phẩm cấp cao như Hàn Quốc, Nhật Bản, Ô-xtrây-li-a, Xin-ga-po, Mỹ… Cụ thể, tính hết tháng 10-2018, tổng lượng gạo xuất khẩu chính ngạch sang Trung Quốc đạt 1,24 triệu tấn, giảm 39,2% về lượng so với cùng kỳ năm trước. Song, điều đáng chú ý là giá xuất khẩu trung bình sang thị trường này lại đạt 514,5 USD/tấn, tăng 15% so với cùng kỳ. Những con số này cho thấy chúng ta đã không còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc với việc bán những loại gạo phẩm cấp thấp, giá rẻ. Trong khi đó, nhiều loại gạo đặc sản, thậm chí là gạo hữu cơ của Việt Nam đã có tiếng trên thị trường thế giới, như gạo ST 24 của Sóc Trăng đã nhận được chứng nhận hữu cơ theo tiêu chuẩn Mỹ (USDA) và châu Âu. Tại hội nghị quốc tế lần thứ 9 về thương mại gạo tổ chức tại Ma-cao (Trung Quốc) cuối năm 2017, gạo 8724 đã được vinh danh "tốp 3 gạo ngon nhất thế giới", với những phẩm chất vượt trội như: giống ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, đặc biệt là thơm thoảng hương lá dứa - một trong những "tiêu chuẩn mùi hương" tinh tế nhất của gạo ngon. Chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Ðức Thành - Viện trưởng Viện Nghiên cứu kinh tế và Chính sách nhận định: Sự thay đổi chính sách cho thấy thay đổi lớn trong tư duy xuất khẩu gạo, góp phần tạo nên sự công bằng, minh bạch cho các thương nhân hoạt động trong lĩnh vực này. Do vậy, thời gian tới đây chắc chắn sẽ có nhiều doanh nghiệp chuyển sang làm gạo hữu cơ, gạo sạch theo yêu cầu khách hàng, vừa cho giá bán cao, vừa dễ dàng xây dựng thương hiệu cho gạo Việt vì yếu tố quan trọng nhất trong xây dựng thương hiệu là chất lượng gạo đã được cả nông dân và doanh nghiệp đề cao.
Tuy nhiên, theo Bộ Công thương, hiện nay, xuất khẩu gạo của Việt Nam vẫn tập trung chủ yếu ở châu Á với tỷ trọng chiếm tới 60%, châu Phi là 22%. Trong khi đó, châu Mỹ mới chỉ chiếm 8%, châu Âu 5% và khu vực khác 5%. Mục tiêu đến năm 2030, thay đổi tỷ trọng xuất khẩu sang các thị trường như sau: Châu Á còn 50%, châu Phi 25%, châu Mỹ 10%, châu Âu 6% và khu vực khác 9%. Cơ cấu gạo xuất khẩu cũng thay đổi với tỷ trọng gạo trắng thường chỉ chiếm 25%; gạo thơm, gạo đặc sản chiếm 40%, ngoài ra gạo hữu cơ, gạo đồ, gạo tăng cường vi chất dinh dưỡng… tăng lên hơn 10%. Ðây là mục tiêu không dễ dàng nhưng chúng ta đang tiếp cận đúng hướng.
Vì vậy, thời gian tới, việc xây dựng thương hiệu cho gạo Việt, nhất là gạo chất lượng cao cần được đẩy mạnh và triển khai thật sự hiệu quả. Theo đó, điều quan trọng nhất là phải áp dụng phương thức sản xuất theo chuỗi giá trị bền vững, doanh nghiệp và nông dân cùng xây dựng vùng nguyên liệu tập trung. Thực hiện nghiêm túc và tốt nhất các yêu cầu về sản phẩm chất lượng cao, như: Tiêu chuẩn về đất và nước không ô nhiễm, không nhiễm kim loại nặng và các kim loại khác không vượt mức cho phép; không sử dụng hóa chất tổng hợp đầu vào; ghi chép nhật ký đồng ruộng thường xuyên và đầy đủ; có đội ngũ kiểm tra, đánh giá chặt chẽ… Khi đã tạo ra sản phẩm gạo ngon, an toàn về mọi mặt thì thị trường và giá xuất khẩu chắc chắn không còn là vấn đề đáng lo ngại.
Từ ngày 18 đến 24-12, Festival Lúa gạo Việt Nam lần thứ ba năm 2018 sẽ được tổ chức tại TP Tân An, tỉnh Long An. Bên cạnh nhiều hoạt động như triển lãm, hội thảo, Cuộc thi gạo ngon thương hiệu Việt… sẽ góp phần giúp nông dân, doanh nghiệp có cơ hội quảng bá sản phẩm; các nhà khoa học, quản lý có cái nhìn sâu và đầy đủ hơn về ngành hàng lúa gạo Việt. Việc lần đầu công bố lô-gô thương hiệu gạo Việt, sẽ góp phần quảng bá hình ảnh, chất lượng gạo Việt Nam tới bạn bè trong và ngoài nước.
Theo TIẾN ANH/nhandan.com.vn