Xác định tầm quan trọng của an toàn thực phẩm đối với sức khỏe của người dân, Hội Nông dân các cấp đã tuyên truyền, vận động hội viên sản xuất, kinh doanh, chế biến thực phẩm đảm bảo an toàn. Qua đó, góp phần bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng, sức khỏe người dân trên địa bàn.
Tại buổi sinh hoạt nhóm nông dân chia sẻ kinh nghiệm chăn nuôi, trồng trọt theo hướng an toàn thôn Nam, xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Với trên 20 thành viên là hội viên nông dân tham gia; nhóm này hoạt động tương đối hiệu quả. Từ những kinh nghiệm của người làm trước chia sẻ cho người làm sau và bàn bạc hướng sản xuất phù hợp đã đem lại hiệu quả kinh tế cao cho các gia đình thành viên nhóm. Không chỉ ở thôn Nam mà 6 chi hội Nông dân còn lại của hội Nông dân xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên cũng thành lập nhóm như vậy. Cứ 03 tháng một lần 7/7 nhóm lại tổ chức sinh hoạt để cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm nhằm nâng cao giá trị của sản phẩm, tăng thu nhập cho hội viên nông dân.
Gia đình hội viên nông dân Đỗ Xuân Tảo là một trong những gia đình đi đầu trong phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản, thực phẩm an toàn ở xã Thanh Trù, thành phố Vĩnh Yên. Mô hình chăn nuôi tổng hợp của gia đình ông Tảo là một trong những mô hình hướng đến nền nông nghiệp an toàn. Thức ăn cho gia súc, gia cầm và thủy sản ông đều chọn lựa những sản phẩm của các nhà sản xuất có uy tín, thương hiệu trên thị trường và đã được các cơ quan chức năng kiểm nghiệm chứng nhận an toàn.
Do áp dụng chăn nuôi theo hướng an toàn nên càng ngày gia đình ông có thêm điều kiện kinh tế để mở rộng quy mô chăn nuôi. Với kinh nghiệm nhiều năm chăn nuôi theo hướng an toàn, các thành viên trong gia đình ông Tảo sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm cho những hội viên nông dân khác muốn học hỏi để chăn nuôi hiệu quả và có đầu ra cho sản phẩm.
Tích cực hưởng ứng phong trào nông dân Vĩnh Phúc vì một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, môi trường nông thôn xanh-sạch-đẹp. Trước thực trạng ô nhiễm môi trường đang từng ngày, từng giờ ảnh hưởng đến chất lượng cuộc sống và sức khỏe người dân của tỉnh nói chung và người dân Vĩnh Yên nói riêng. Năm 2018, Hội Nông dân thành phố Vĩnh Yên đã tuyên truyền, vận động nông dân áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn và giữ gìn bảo vệ môi trường, kết quả tổ chức được 14 buổi cho trên 800 lượt hội viên. Đồng thời trực tiếp vận động, tổ chức cho nông dân ký cam kết áp dụng các biện pháp sản xuất nông nghiệp an toàn, hạn chế sử dụng thuốc kháng sinh trong chăn nuôi được trên 1.200 hội viên nông dân đăng ký.
Cùng với phát triển chuyên canh rau màu, người dân trên địa bàn xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường tích cực áp dụng tiến bộ khoa học kỹ thuật, đưa các loại cây trồng mới, năng suất cao vào trồng trọt theo hướng an toàn. Cà chua ghép trên gốc cà dại là phương pháp lấy ngọn giống cà chua ghép với gốc cà dại để tận dụng ưu thế chống chịu thời tiết khắc nghiệt của mùa đông và sâu bệnh cho cà chua. Ban đầu xây dựng mô hình trồng cà chua ghép trên gốc cà dại của hội Nông dân xã Đại Đồng, huyện Vĩnh Tường cũng gặp không ít khó khăn.
Qua quá trình triển khai, cây cà chua ghép rất phù hợp với đồng đất của địa phương, phát triển tốt, chống chịu được thời tiết mưa, gió thất thường, chịu hạn, ngập úng, hạn chế bệnh héo rũ vi khuẩn, xoăn lá, sâu đục thân do vậy không phải sử dụng nhiều thuốc bảo vệ thực vật, phân bón mà năng suất vẫn cao, giá thành ổn định... Với những ưu điểm vượt trội trên, diện tích cây cà chua ghép ngày càng được nhân rộng trên địa bàn. Theo kinh nghiệm của các hộ dân, quy trình trồng và chăm sóc cây cà chua ghép khá đơn giản.
Nhằm nâng cao nhận thức, ý thức của người sản xuất, kinh doanh, người tiêu dùng về việc đảm bảo an toàn thực phẩm trong lĩnh vực nông nghiệp; các cấp Hội Nông dân trong tỉnh đã đẩy mạnh phong trào nông dân sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nông sản an toàn thực phẩm; xây dựng văn hóa “Nông dân nói không với thực phẩm bẩn"; xây dựng mô hình tổ, nhóm nông dân sản xuất, kinh doanh nông sản an toàn.
Để xây dựng môi trường nông nghiệp an toàn, vì sức khỏe cộng đồng, nông dân Vĩnh Phúc đang hướng mạnh đến việc sản xuất, chế biến, tiêu dùng sản phẩm nông nghiệp an toàn; duy trì hoạt động của các mô hình nông nghiệp sạch, thực hiện an toàn thực phẩm… nhằm cung cấp ra thị trường những thực phẩm an toàn, vì sức khỏe cộng đồng.
Thúy Hơn