Cập nhật: 07/12/2024 20:58:00
Xem cỡ chữ

Thực hiện chuyển đổi cơ cấu sản xuất nông nghiệp, hiện nay trên địa bàn tỉnh đã và đang hình thành những vùng sản xuất chăn nuôi tập trung, quy mô lớn. Thông qua phát triển chăn nuôi đã góp phần giải bài toán lao động việc làm khu vực nông thôn góp phần xây dựng nông thôn mới tại nhiều địa phương. Tuy nhiên, để chăn nuôi phát triển bền vững việc thực hiện tốt công tác vệ sinh môi trường, vệ sinh thú y có ý nghĩa đặc biệt quan trọng.

Là hộ nhiều năm chăn nuôi gà thịt và gà đẻ trứng, anh Nguyễn Văn Hoàng xã Đồng Văn huyện Yên Lạc luôn chủ động thực hiện các biện pháp vệ sinh thú y để phòng chống dịch bệnh. Trong đó, bên cạnh việc tiêm phòng đầy đủ các loại Vaccine và thực hiện đúng kỹ thuật quy trình chăm sóc nuôi dưỡng, gia đình anh còn thường xuyên cập nhật tin tức tình hình dịch bệnh và biện pháp phòng bệnh cho đàn gà.

Đồng thời được sự hướng dẫn của cán bộ thú y cơ sở, gia đình anh đã chủ động thực hiện các biện pháp bảo vệ môi trường trong chăn nuôi bằng chế phẩm sinh học và chất đệm chuồng. Qua đây, quá trình chăn nuôi gà của gia đình đã mang lại hiệu quả tích cực như: giảm chi phí sản xuất, giảm nhân công lao động, hạn chế mùi, chất đệm chuồng sau khi phân hủy được sử dụng làm phân bón cho phát triển trồng trọt.

Vĩnh Phúc được đánh giá là tỉnh có ngành chăn nuôi chiếm tỷ lệ cao trong nông nghiệp với khoảng 92.000 con bò, hơn 16.000 con trâu, gần nửa triệu con lợn, khoảng 12 triệu con gia cầm các loại. Việc phát triển chăn nuôi gắn với thực hiện tốt công tác phòng, chống dịch bệnh và bảo vệ môi trường đã giúp các hộ chăn nuôi trên địa bàn tỉnh yên tâm đầu tư và mở rộng sản xuất để nâng cao thu nhập.

Thực hiện chương trình giảm thiểu phát thải trong sản xuất nông nghiệp nói chung trong đó có chăn nuôi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh đã thường xuyên đẩy mạnh công tác tuyên truyền để nâng cao hơn nữa nhận thức của người dân về vấn đề này.

Đồng thời, ngành cũng chủ động thực hiện các giải phapos hỗ trợ người chăn nuôi xử lý vẫn đề môi trường như xây dựng các khu chăn nuôi tập trung, hỗ trợ chế phẩm sinh học để xử lý chất thải trong chăn nuôi và xây dựng thí điểm các mô hình chăn nuôi hữu cơ, chăn nuôi tuần hoàn để giảm thiểu tối đa phát thải ra môi trường. Các chương trình này đã được người chăn nuôi trên địa bàn tỉnh hưởng ứng và mang lại hiệu quả tích cực trong phòng chống dịch bệnh và thúc đẩy phát triển chăn nuôi bền vững:

Để tăng cường công tác quản lý Nhà nước trong lĩnh vực chăn nuôi, các cán bộ nông nghiệp và cán bộ thú y cơ sở trên địa bàn tỉnh đã thường xuyên bám sát địa bàn để hướng dẫn các hộ chăn nuôi thực hiện các biện pháp tiêm phòng, phun khủ trùng tiêu độc và tích cực thực hiện các biện pháp phòng chống dịch bệnh cho đàn gia súc gia cầm. Cũng nhờ thực hiện tốt công tác này ngay từ cơ sở nên trong chăn nuôi trên địa bàn tỉnh không có dịch bệnh lớn phát sinh. Giúp người chăn nuôi yên tâm sản xuất để nâng cao thu nhập cho gia đình:

Hiện đang là thời điểm nhiệt độ chênh lệch giữa ngày và đêm lớn và có thể xuất hiện những đợt rét đậm, rét hại kéo dài, vì vậy để chủ động phòng chống dịch bệnh cho đàn vật nuôi, ngành nông nghiệp và phát triển nông thôn tỉnh khuyến cáo các hộ nông dân cần thực hiện tốt các biện pháp sau.

1. Chuồng trại:

- Chủ động gia cố, tu sửa đảm bảo chuồng trại sạch sẽ, khô ráo có hệ thống rèm, bạt để che chắn đủ ấm, không bị gió lùa, mưa hắt làm ẩm, ướt nền chuồng.

- Cải thiện tiểu khí hậu chuồng nuôi bằng các biện pháp như: Thay đổi lớp đệm lót nền chuồng, kết hợp với điều tiết nhiệt bằng việc đốt lửa than, củi hoặc thắp sáng bóng điện, đèn gas. Hạn chế tối đa việc rửa nước chuồng trại trong mùa đông.

2. Thức ăn:

Đối với trâu, bò áp dụng các biện pháp bảo quản và dự trữ thức ăn thô, xanh, nhất là rơm rạ và cỏ khô; chế biến thức ăn bằng phương pháp ủ chua các phụ phẩm trong nông nghiệp. Trong những ngày rét đậm, rét hại có thể cho ăn tăng lượng thức ăn tinh, bổ sung vitamin và chất điện giải để tăng cường sức đề kháng nhằm chống đói, rét và phòng, chống dịch bệnh.

- Đối với gia súc, gia cầm khác cho ăn đầy đủ theo chủng loại, số lượng, chất lượng và lứa tuổi của từng loại gia súc, gia cầm.

3. Chăm sóc nuôi dưỡng:

- Tăng cường chế độ chăm sóc, nuôi dưỡng, đảm bảo khẩu phần ăn đủ dinh dưỡng để nâng cao khả năng phòng, chống rét và dịch bệnh. Đối với gia súc, gia cầm con non và trâu, bò già, yếu cần có chế độ chăm sóc phù hợp với từng loại để tăng cường sức đề kháng với dịch bệnh và giá rét.

- Chống rét trên cơ thể trâu, bò (nhất là bê, nghé): Làm áo ấm bằng bao tải, vải sợi bông nhiều lớp, ... Đối với các xã vùng cao có tập quán thả rông trong rừng, núi phải chủ động đưa về chỗ nuôi nhốt, có che chắn để đảm bảo đủ ấm; những ngày nhiệt độ ngoài trời dưới 120C không chăn thả mà cho nghỉ làm việc. Đối với gia súc, gia cầm khác duy trì nhiệt độ thích hợp nhất là gia súc, gia cầm non và mới sinh bằng hệ thống chuồng úm.

4. Các biện pháp phòng bệnh:

* Người chăn nuôi cần thực hiện:

- Thường xuyên quét dọn, vệ sinh, xử lý chất thải, phát quang bụi rậm, khơi thông cống rãnh, tẩy uế chuồng trại và dụng cụ chăn nuôi; định kỳ phun thuốc sát trùng, tiêu độc chuồng trại, môi trường chăn nuôi.

- Theo dõi, phát hiện kịp thời gia súc, gia cầm ốm, bị bệnh để cách ly, điều trị; đặc biệt là với các bệnh đường tiêu hoá, hô hấp.

- Giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh của đàn vật nuôi, nhằm phát hiện, xử lý kịp thời khi có dịch bệnh xảy ra theo các qui định phòng, chống dịch bệnh gia súc, gia cầm.

- Thực hiện tiêm phòng đầy đủ các loại vắc xin phòng bệnh cho gia súc, gia cầm.

Đức Thiện