Cập nhật: 04/07/2024 21:32:00
Xem cỡ chữ

Sản xuất Nông nghiệp theo hướng hữu cơ là một trong những hướng đi của nông nghiệp Việt Nam nói chung và của tỉnh nói riêng nhằm đáp ứng nhu cầu tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Qua triển khai thực hiện trên địa bàn tỉnh, nhận thức của hệ thống chính trị và nhân dân về phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ từng bước được nâng lên, phương thức tổ chức sản xuất mang lại hiệu quả rõ rệt theo chuỗi giá trị.

Trong những thập kỷ gần đây, nông nghiệp Việt Nam có bước phát triển mạnh mẽ và đạt được những thành tựu đáng kể về năng suất, sản lượng, chủng loại và quy mô sản xuất...; đã tạo ra một khối lượng sản phẩm rất lớn đảm bảo tiêu dùng trong nước và xuất khẩu. Tuy nhiên, nông nghiệp nước ta đang đứng trước những thách thức không nhỏ đó là: vấn đề ô nhiễm môi trường, đất đai bạc màu, suy giảm đa dạng sinh học, ngộ độc thuốc bảo vệ thực vật ở người, bùng phát sâu bệnh do sự phá huỷ hệ sinh thái xuất phát từ việc sử dụng quá nhiều hóa chất.

Để khắc phục những nhược điểm trên, nông nghiệp nước ta đang từng bước chuyển dịch sản xuất nông nghiệp an toàn, nông nghiệp hữu cơ. Trên thị trường, người dân đã biết đến và đang làm quen dần với các sản phẩm nông sản sạch như: rau sạch, rau an toàn và một số hoa quả, thực phẩm an toàn.

Với những thuận lợi điều kiện về tự nhiên, xã hội, vị trí địa lý, Vĩnh Phúc là tỉnh có nhiều tiềm năng, lợi thế để phát triển nông nghiệp theo hướng hữu cơ. Những năm gần đây, tỉnh ta đã thực hiện các chương trình hỗ trợ sản xuất nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ đem lại hiệu quả cao đồng thời từng bước thay đổi thói quen trong canh tác cây trồng và qui trình chăn nuôi thân thiện, bảo vệ môi trường.

Thực hiện đề án “Phát triển nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ tỉnh Vĩnh Phúc giai đoạn 2022-2025, định hướng năm 2030”, năm 2024, Trung tâm Giống Nông nghiệp Vĩnh Phúc tiếp tục được UBND tỉnh Vĩnh Phúc, Sở Nông nghiệp & giao nhiệm vụ triển khai thực hiện các mô hình trồng trọt và mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Đến nay, các mô hình đều được đánh giá mang lại hiệu quả cao.

Năm 2024, Trung tâm Giống nông nghiệp triển khai thực hiện 4 mô hình theo hướng hữu cơ: mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, mô hình sản xuất rau theo hướng hữu cơ, mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ và mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ.

Đối với mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ triển khai trên 200 ha vào 02 vụ (vụ Xuân và vụ Mùa). Vụ xuân đã triển khai 100 ha trên địa bàn 5 xã của 5 huyện. Lúa được sản xuất theo hướng hữu cơ sinh trưởng và phát triển tốt, sâu bệnh giảm năng suất đạt 250 đến 270 tạ/sào. Xã Phương Khoan, huyện Sông Lô là một trong các địa phương được lựa chọn tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ với diện tích trên 40 ha. Vụ Mùa năm 2024, xã Phương Khoan tiếp tục được hỗ trợ tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ. Bà con nông dân trong xã rất phấn khởi vì khi tham gia mô hình sản xuất lúa theo hướng hữu cơ, năng suất thì tăng lên, chất lượng thực phẩm đảm bảo an toàn, hơn nữa các chi phí cho thuốc hóa học và thuốc bảo vệ thực vật giảm hẳn.

Bên cạnh các mô hình trồng trọt theo hướng hữu cơ, các mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ cũng được tỉnh ta rất chú trọng. Năm 2024, Trung tâm triển khai thực hiện 6 mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ: 03 mô hình chăn nuôi gà thịt theo hướng hữu cơ tại Kim Xá (Vĩnh Tường), Liễn Sơn (Lập Thạch), Bồ Lý (Tam Đảo) và 03 mô hình chăn nuôi lợn thịt theo hướng hữu cơ tại Đồng Ích (Lập Thạch), Bồ Lý (Tam Đảo), Tân Phú (Vĩnh Tường).

Thời điểm hiện tại, mô hình chăn nuôi gà thịt đã nghiệm thu lứa 01 và đang chuẩn bị triển khai lứa 02, mô hình chăn nuôi lợn thịt đang triển khai lứa 01. Đàn vật nuôi tại các mô hình sinh trưởng và phát triển tốt, người dân rất phấn khởi khi được tham gia mô hình hỗ trợ.

Xã Bồ Lý, huyện Tam Đảo là địa phương có điều kiện tự nhiên rất thích hợp phát triển hoạt động chăn nuôi. Năm 2024 được sự quan tâm của các cấp ngành, địa phương được lựa chọn 02 hộ tham gia mô hình chăn nuôi theo hướng hữu cơ. Qua đánh giá sơ bộ các mô hình đều cho hiệu quả cao, không những góp phần giảm thiểu ô nhiễm môi trường mà mô hình còn tạo ra nguồn thực phẩm đảm bảo an toàn thực phẩm. Thực sự đây là hướng đi bền vững mà địa phương đang hướng đến.

Các mô hình trồng trọt, chăn nuôi hữu cơ và theo hướng hữu cơ đang thực sự phát huy hiệu quả trong việc đảm bảo an ninh thực phẩm hướng tới một nền nông nghiệp an toàn, bền vững, thân thiện với môi trường. Tuy đã có một số thành quả nhất định xong sản phẩm từ nông nghiệp hữu cơ và theo hướng hữu cơ chỉ chiếm tỷ trọng rất nhỏ trong tổng sản lượng nông nghiệp. Tin tưởng rằng với các giải pháp đồng bộ, ngành nông nghiệp Vĩnh Phúc sẽ có nhiều bước tiến lớn trong phát triển nông nghiệp hữu cơ.

Lê Dũng