Thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 cùng với những động lực tăng trưởng mới sẽ tiếp tục là lực đẩy cho tăng trưởng kinh tế năm 2019.
Những gam màu sáng
Năm 2018 khép lại với nhiều kết quả tích cực và toàn diện trên tất cả các lĩnh vực, cung - cầu của nền kinh tế cùng song hành phát triển. Tăng trưởng kinh tế năm 2018 đạt 7,08% so với năm 2017, là mức tăng cao nhất 11 năm qua, vượt mục tiêu 6,7% của Chính phủ. Kinh tế vĩ mô được ổn định, lạm phát được kiểm soát thành công ở mức 3,54% - dưới mục tiêu Quốc hội đặt ra đầu năm là 4%.
Năm 2018, tốc độ tăng trưởng GDP của Việt Nam đạt mức 7,08%
Theo ông Nguyễn Bích Lâm, Tổng cục trưởng Tổng cục Thống kê, kinh tế năm 2018 khởi sắc trên cả ba khu vực sản xuất. Trong đó, ngành công nghiệp chế biến, chế tạo là điểm sáng đóng góp chính cho tăng trưởng kinh tế với mức tăng cao 12,98%, tuy thấp hơn mức tăng của năm 2017 nhưng cao hơn nhiều so với mức tăng các năm 2012-2016, đóng góp 2,55 điểm phần trăm vào mức tăng trưởng chung. Ngành nông nghiệp khẳng định xu hướng phục hồi rõ nét khi đạt mức tăng 2,89%, cao nhất giai đoạn 2012-2018; ngành thủy sản đạt kết quả khá tốt với mức tăng 6,46%. Điều này cho thấy chuyển đổi cơ cấu ngành đã phát huy hiệu quả, đặc biệt trong lĩnh vực nông nghiệp và nuôi trồng thủy sản.
Bên cạnh đó, các ngành dịch vụ thị trường tăng trưởng khá đã góp phần đưa mức tăng trưởng của khu vực dịch vụ năm 2018 lên 7,03%, cao hơn so với các năm 2012-2016. Sức mua tiêu dùng ngày càng tăng cao, tổng mức bán lẻ hàng hóa và doanh thu dịch vụ tiêu dùng năm nay đạt 4,39 triệu tỷ đồng, tăng 11,7% so với năm 2017.
“Tăng trưởng kinh tế Việt Nam năm 2018 đạt mức cao nhất từ năm 2008 đến nay là do các yếu tố tích cực nội tại như: môi trường kinh tế vĩ mô ổn định, tiêu dùng tư nhân tăng trưởng tương đối cao, cơ cấu kinh tế tiếp tục chuyển dịch theo hướng tích cực, tỷ lệ lạm phát duy trì mức thấp trong những năm gần đây, niềm tin vào cải cách môi trường đầu tư kinh doanh ngày càng được củng cố, các ngành lĩnh vực then chốt như công nghiệp chế biến, chế tạo, dịch vụ thị trường tiếp tục duy trì tăng trưởng cao...”, ông Nguyễn Bích Lâm nhận định.
Đáng chú ý, tăng trưởng kinh tế năm 2018 không còn phụ thuộc vào tín dụng. Tốc độ tăng trưởng tín dụng theo ước tính của Ủy ban giám sát tài chính quốc gia cho năm 2018 dưới 15%, giảm mạnh so với mức tăng trưởng hơn 18% của năm 2017, tuy nhiên kinh tế Việt Nam vẫn tăng trưởng mạnh nhất 10 năm.
"Nhiều chuyên gia đã tỏ ra quan ngại khi tốc độ tăng trưởng cao của Việt Nam những năm trước gắn với mức độ thâm dụng tín dụng. Tuy nhiên, trong năm 2018, không cần tăng trưởng tín dụng cao nhưng tăng trưởng GDP vẫn tiếp tục tăng", ông Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc phát triển, Trường Đại học Fullbright Việt Nam nói.
Xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018 (Ảnh minh hoạ: KT)
Sự khởi sắc của các ngành kinh tế đã đưa xuất khẩu trở thành điểm sáng của năm 2018. Kim ngạch hàng hóa xuất khẩu năm 2018 ước tính đạt 244,7 tỷ USD, tăng 13,8% so với năm 2017 (vượt mục tiêu Quốc hội đề ra là tăng 7%-8% và Nghị quyết 01 của Chính phủ là tăng 8%-10%). Năm 2018, cán cân thương mại hàng hóa xuất siêu 7,2 tỷ USD, là năm có giá trị xuất siêu lớn nhất từ trước đến nay.
Bên cạnh đó, vốn giải ngân năm nay của các dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài (FDI) đã lập lỷ lục mới, đạt 19,1 tỷ USD, tăng 9,1% so với năm 2017 cũng một trong những điểm sáng khác của bức tranh kinh tế 2018.
“Việc vốn giải ngân tăng cao nhưng vốn đăng ký lại tăng thấp, có thể thấy rằng Chính phủ đã kiên định mục tiêu phát triển kinh tế bền vững, ưu tiên thu hút dự án FDI trong những ngành công nghệ cao, ít ô nhiễm môi trường, không thu hút FDI bằng mọi giá như trước đây. Do vậy, vốn đăng ký giảm, tuy nhiên chất lượng đưa vốn có tăng thêm”, ông Nguyễn Việt Phong, Vụ trưởng Vụ thống kê xây dựng và vốn đầu tư, Tổng cục Thống kê cho hay.
Dư địa cho tăng trưởng kinh tế 2019
Năm 2018 khép lại với những con số thống kê kỷ lục. Ông Dương Mạnh Hùng, Vụ trưởng Thống kê Tài khoản quốc gia, Tổng cục Thống kê cho rằng, chính thành tựu tăng trưởng kinh tế ấn tượng năm 2018 sẽ tiếp tục là động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019. Tuy nhiên, trong năm 2019 cũng sẽ có thêm các động lực tăng trưởng mới.
“Nền kinh tế tiếp tục được bổ sung thêm nhiều năng lực sản xuất mới. Năm 2019 sẽ hoàn thành thêm 2,9 triệu m2 sàn xây dựng, nhà ở chung cư. Bên cạnh đó, 3 nhà máy nhiệt điện, công nghiệp chế biến chế tạo cũng bổ sung nhiều năng lực mới như nhà máy lọc dầu Nghi Sơn, luyện cốc gang thép Formosa, sản xuất hóa chất Đạm Cà Mau và rất nhiều năng lực mới sẽ được hoàn thành, đi vào sản xuất năm 2019. Đây là những động lực cho tăng trưởng kinh tế 2019”, ông Dương Mạnh Hùng chỉ rõ.
Theo dự báo tăng tưởng kinh tế Việt Nam do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố mới đây, năm 2019, tăng trưởng kinh tế của Việt Nam sẽ ở mức 6,6%. Còn theo kịch bản tăng trưởng cho năm 2019 của Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (NCIF), nền kinh tế Việt Nam có thể đạt mức tăng trưởng 6,84% ở kịch bản cơ sở và 7,02% ở kịch bản cao.
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích - Dự báo, Trung tâm Thông tin và Dự báo kinh tế - xã hội quốc gia (Ảnh: KT)
TS. Đặng Đức Anh, Trưởng ban Phân tích - Dự báo (NCIF) cho rằng, hai điểm sáng lớn của nền kinh tế Việt Nam là ổn định kinh tế vĩ mô và việc tham gia nhiều hiệp định thương mại tự do thế hệ mới đã làm giảm đi những tác động không thuận từ thị trường quốc tế. Đặc biệt, động lực tăng trưởng của nền kinh tế những năm qua đã giảm phụ thuộc rõ rệt vào tài nguyên thiên nhiên, chuyển sang chế biến, chế tạo đang tạo nên những nền tảng tăng trưởng vững chắc hơn.
“Kịch bản cơ bản sẽ thực hiện được trên cơ sở Chính phủ tiếp tục ổn định kinh tế vĩ mô, thu hút tốt dòng vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, đẩy mạnh tái cơ cấu kinh tế và thực hiện tốt các hiệp định thương mại tự do đã ký kết. Nếu cải cách doanh nghiệp nhà nước được thực hiện mạnh mẽ và hiệu quả hơn, tăng trưởng có thể cao hơn”, ông Đặng Đức Anh phân tích.
Với mục tiêu tăng trưởng GDP đạt 6,5%-7% Quốc hội đề ra cho giai đoạn 2016-2020, Việt Nam đã đi được hơn một nửa đoạn đường với kết quả khả quan, giai đoạn 2016-2018 tăng trưởng bình quân 6,7%. Tuy nhiên, với độ mở lớn cùng tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế ngày càng sâu rộng, kinh tế Việt Nam sẽ chịu tác động đan xen nhiều mặt, mọi biến động của thế giới đều có thể tác động tới nền kinh tế trong nước, thậm chí nền kinh tế nước ta có thể bị cuốn vào “vòng xoáy” của những biến động đó. Đồng thời, với quy mô kinh tế nhỏ, việc ứng phó với các biến động trong tương lai của Việt Nam có thể sẽ gặp khó khăn hơn bởi dư địa tài chính, tiền tệ hạn hẹp.
Để tận dụng cơ hội và vượt qua thách thức, Thứ trưởng Bộ Công thương Đỗ Thắng Hải cho rằng, Việt Nam cần phải cải thiện đáng kể nhận thức và khả năng cạnh tranh của cộng đồng doanh nghiệp, người lao động trong nước.
“Cần cải thiện chất lượng của công tác điều hành và cải cách thể chế kinh tế. Cập nhật và cân nhắc các kịch bản điều hành cùng với hệ thống thông tin dự báo/cảnh báo kịp thời vẫn là nền tảng quan trọng. Tuy nhiên, công tác hoạch định chính sách cần thêm yếu tố “bình tĩnh” để tránh bị cuốn theo những diễn biến nhanh và quá mức của thị trường tài chính và các tiến bộ công nghệ”, Thứ trưởng Đỗ Thắng Hải nhấn mạnh.
Theo Cẩm Tú/VOV.VN